Nga tung nước cờ "hiểm", đường hoàng trở lại Trung Đông
Báo Dân trí dẫn nguồn RFI cho hay, việc Nga quay trở lại Trung Đông là điều rõ ràng nhất. Moskva đã không ngần ngại thực hiện chính sách can thiệp quân sự vào khu vực và tìm cách chiếm lấy khoảng trống mà Mỹ để lại do phải tập trung chống IS.
Theo giới quan sát, chiến lược can thiệp quân sự của Nga được thực hiện chủ yếu ở Syria. Từ ngày 30/09/2015, nhân danh cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), không quân Nga đã tấn công vào hàng loạt các tổ chức đối lập với chính quyền Damascus, từ đối lập “ôn hòa” đến các nhóm nổi dậy Hồi giáo cực đoan, các tổ chức "thánh chiến" của Mặt trận Al-Nosra.
Vào cuối tháng 9, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ), tất cả các nhà lãnh đạo quốc tế sẽ phải lắng nghe chăm chú. Bởi ông Putin, người từng bị Tổng thống Mỹ Barack Obama mô tả là “tàn tích của quá khứ”, giờ đang là “đối trọng chiến lược” ở Trung Đông và có thể nắm giữ chìa khóa mở cánh cửa đến với hòa bình ở Syria. Báo Zing news thông tin.
Tương tự những điều xảy ra tại Crimea, Tổng thống Putin ra lệnh triển khai quân đội và khí tài đến căn cứ ở Syria một cách lặng lẽ và thần tốc, khiến Mỹ và phương Tây ngỡ ngàng, không kịp phản ứng.
Mục tiêu đầu tiên, như chính ông Putin thừa nhận ở New York, là hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người bị phương Tây lên án là nguyên nhân châm ngòi xung đột Syria. Nhưng ý đồ chiến lược của Nga không chỉ có thế.
Nga luôn có ảnh hưởng và lợi ích đáng kể ở Trung Đông. Người Hồi giáo chiếm gần 15% dân số Nga, tập trung ở các vùng phía nam, có nguy cơ dễ tiếp nhận ảnh hưởng của Hồi giáo cực đoan từ Trung Đông.
Khu vực này cũng là vùng trọng yếu, quyết định giá dầu và khí đốt thế giới, những mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Nga. Do đó, lợi ích của Nga ở Trung Đông cao hơn nhiều quốc gia châu Âu như Anh hay Pháp.
Quan trọng hơn, bước đi của ông Putin ở Syria đang khiến phương Tây phải cân nhắc lại việc trừng phạt nền kinh tế Nga vì khủng hoảng Ukraine để đổi lấy sự hợp tác rất cần thiết của Moscow về vấn đề Syria. Mới đây, Mỹ đã chấp nhận nối lại các kênh liên lạc quân sự với Nga, bị cắt đứt sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi năm ngoái.
Việc can thiệp quân sự vào Syria cũng giúp nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin tìm lại được chỗ đứng của mình như là một trong những cường quốc có vị trí trung tâm trên vũ đài chính trị Trung Đông.
Nga đã thiết lập được quan hệ với Ai Cập và được đánh giá là có vai trò ngang hàng với Mỹ trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho xung đột trong khu vực. Việc Nga và Iran quay trở lại Trung Đông trong thế mạnh đã làm thay đổi tương quan chính trị trong khu vực, nơi Mỹ vốn hiện diện trong suốt hai thập niên qua.
End of content
Không có tin nào tiếp theo