Nga tuyên bố không khoan tìm khí đốt với Trung Quốc
Tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga cho biết muốn cung cấp khí đốt cho Trung Quốc, nhưng không có kế hoạch hợp tác với các công ty của nước này để khoan tìm khí đốt.
Theo hãng tin Nga RIA Novosti, Phó giám đốc điều hành của Gazprom, ông Vitaly Markelov đưa ra tuyên bố trên vào ngày 13/5. “Chúng tôi sẽ không xem xét việc đó”, ông Markelov nói khi được hỏi về việc khoan tìm khí đốt với các công ty Trung Quốc.
Hôm thứ Hai tuần này, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Anatoly Yanovsky nói, một hợp đồng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc đã hoàn thiện 98% và sẽ được Tổng thống Vladimir Putin ký kết trong chuyến thăm tới Bắc Kinh vào ngày 20/5 tới đây.
Hồi đầu tháng 3, Giám đốc điều hành Gazprom, ông Alexei Miller cho hay, tập đoàn này dự kiến sẽ ký kết một hợp đồng cung cấp khí đốt trong 30 năm cho Trung Quốc. Mức cung cấp dự kiến lên tới 38 tỷ mét khối mỗi năm.
Thỏa thuận dự kiến nói trên giữa Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã bị trì hoãn nhiều lần do bất đồng giữa hai bên về giá cả. Thỏa thuận này bao gồm nội dung xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới từ Nga sang Trung Quốc. Gazprom đã hoãn thời hạn hoàn thành đường ống này sang năm 2020 từ năm 2018 như dự kiến trước đó.
Nga và Trung Quốc đã đàm phán về vấn đề cung cấp khí đốt suốt nhiều năm, nhưng thường xuyên thất bại vì không thể thống nhất về giá. Trong khi dó, Trung Quốc đã ký kết nhiều thỏa thuận lớn để mua khí đốt từ các quốc gia khác bao gồm Australia, Qatar và Turkmenistan.
RIA Novosti cho rằng, cuộc đối đầu hiện nay giữa Nga và Liên minh Châu Âu (EU) xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine có thể thúc đẩy Nga tiến tới đạt thỏa thuận xuất khẩu tới 60 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm thông qua hệ thống đường ống dẫn ở phía Đông sang Trung Quốc - thị trường khí đốt chính của Nga ở châu Á-Thái Bình Dương.
Ngoài thỏa thuận dự kiến với Gazprom, CNPC cũng đã ký một thỏa thuận với hãng dầu lửa quốc doanh khổng lồ Rosneft của Nga về việc Rosneft cung cấp dầu thô trả trước cho Trung Quốc.
VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo