Ngân hàng chật vật với lợi nhuận đầu năm
Kết thúc quý I-2013, các báo cáo tài chính vừa được công bố tiếp tục cho thấy các ngân hàng vẫn phải chật vật trong kinh doanh với lợi nhuận ít ỏi và con số nợ xấu lại tăng.
Nhiều ngân hàng giảm lợi nhuận
Dẫn đầu về tỷ lệ sụt giảm lợi nhuận trong quý 1-2013 là ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Theo đó, quý I-2013, ACB đạt lợi nhuận sau thuế chỉ 307 tỷ đồng, giảm 64% so với quý I-2012. Theo báo cáo tài chính hợp nhất do ngân hàng này công bố, trong quý I-2013, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư và góp vốn, mua cổ phần của ACB có mức tăng trưởng mạnh, đạt lần lượt 49,7 tỷ đồng và 45 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hai khoản thu nhập này vẫn chẳng thấm vào đâu so với sự sụt giảm 140 tỷ đồng lợi nhuận đến từ việc mua bán chứng khoán kinh doanh, thu nhập lãi thuần cũng giảm trên 23% so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, trong 3 tháng đầu năm, ACB tiếp tục lỗ gần 84 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng thêm gần 83 tỷ đồng.
Tại Ngân hàng TMCP Eximbank (EIB) mặc dù phần lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh, từ góp vốn, mua cổ phần đã giảm đáng kể, nhưng hoạt động tín dụng sụt giảm đã tác động mạnh đến kết quả kinh doanh. Theo đó, so với quý I-2012, thu nhập lãi thuần giảm 45%; lãi thuần hoạt động dịch vụ cũng giảm 12%. Do đó lợi nhuận sau thuế của EIB sụt giảm tới 62% so với quý I-2012, chỉ đạt 292 tỷ đồng.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) do có tăng trưởng doanh thu từ hoạt động tín dụng nhưng lợi nhuận vẫn sụt giảm. Cụ thể, thu nhập lãi thuần của CTG đạt gần 4.646 tỷ đồng (tăng 6,6% so với quý I-2012). Tuy nhiên, thu nhập từ các hoạt động khác đều giảm, đồng thời, chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gần 900 tỷ đồng. Chính vì vậy, lợi nhuận sau thuế của CTG chỉ đạt 1.042 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với quý I năm trước.
Trong năm 2012, CTG là ngân hàng lãi lớn nhất trong toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam. Nhưng trong quý I này, CTG chỉ còn đạt vị trí thứ 3. Hiện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang dẫn đầu, theo sau đó là Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (VCB).
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của BIDV đạt 1.146 tỷ đồng, của VCB đạt 1086 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, mức lợi nhuận của hai ngân hàng này cũng giảm lần lượt 18% và 16%. Tương tự, lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Sacombank và Ngân hàng Quân đội (MBB) cũng đều có sự sụt giảm.
Chất lượng tín dụng ở mức thấp
Cùng với sự sa sút về kết quả lợi nhuận, con số dư nợ tại các ngân hàng cũng cho thấy khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng. Thêm vào đó, tỷ lệ nợ xấu không những không cải thiện mà còn tiếp tục gia tăng. Thuyết minh Báo cáo tài chính của EIB cho thấy, dư nợ cho vay đến ngày 31-3 chỉ nhích nhẹ 0,03% so với thời điểm đầu năm 2013. Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ 0,01%, lên mức 1,33%.
Ngân hàng ACB có tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao so với bình quân chung, đạt 4,2% trong 3 tháng đầu năm. Tuy nhiên, cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu chiếm 2,88% tổng dư nợ, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng tới 30% so với đầu năm 2013. Trên thị trường liên ngân hàng, ACB cho biết có 15.580 tỷ đồng gửi tại các tổ chức tín dụng khác, giảm 4.748 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong số này có cả khoản tiền gần 719 tỷ đồng đã quá hạn liên quan đến một ngân hàng TMCP quốc doanh và đang được các cơ quan chức năng bên ngoài điều tra, khả năng thu hồi tùy thuộc vào quyết định của Tòa án. Cũng theo báo cáo tài chính quý I-2013, tính đến ngày 31-3-2013 số nhân viên làm việc tại ACB còn 10.053 người, giảm 222 nhân viên so với thời điểm 31-12-2012.
Tại Ngân hàng CTG, trong khi huy động vốn tăng tới 4,6% thì số dư nợ cho vay khách hàng tại thời điểm cuối tháng 3-2013 lại giảm 3% so với cuối năm 2012. Về chất lượng nợ, theo báo cáo tài chính của CTG, hiện ngân hàng có hơn 5.440 tỷ đồng nợ xấu, tăng 11% so với cuối năm 2012. Đáng chú ý, hơn một nửa số nợ xấu này là nợ có khả năng mất vốn, tăng gần gấp rưỡi so với đầu năm 2013.
Tăng trưởng tín dụng quý I tại ngân hàng VCB cũng ở mức âm 0,8% trong khi huy động vốn tăng 4,6%. Trong số 237.751 tỷ đồng VCB cho khách hàng vay, có tới 7.634 tỷ đồng nợ xấu, chiếm tỷ lệ 3,2%, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 1.960 tỷ đồng. Tương tự, nhiều ngân hàng khác như BIDV, MBB, Sacombank… cũng không nằm ngoài khó khăn chung của toàn ngành.
Theo đánh giá chung của hầu hết các chuyên gia, tình hình kinh tế khó khăn, hàng tồn kho vẫn trong giai đoạn điều chỉnh giảm khiến sản xuất chưa mấy được cải thiện là yếu tố chính khiến cho cả DN và các ngân hàng vẫn rất e dè trong việc đi vay và cho vay mặc dù lãi suất hiện đã khá ổn định.
Nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank đưa ra dự báo, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ từng bước được cải thiện và sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm 2013. Nguyên nhân chủ yếu do một phần cầu đầu tư tư nhân tăng do yếu tố dân số cơ học tăng, đồng thời lãi suất huy động giảm sẽ làm giảm lãi suất cho vay và từ đó có thể giúp tăng cầu vốn đầu tư nếu kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định với nhiều dấu hiệu tích cực hơn.
Cùng với đó, việc triển khai gói hỗ trợ cho vay 30.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước đề xuất với mức lãi suất thấp 6% trong 3 năm cho các đối tượng cán bộ công nhân viên chức và các biện pháp hỗ trợ DN sẽ giúp từng bước cải thiện cầu tín dụng.
Nhật Minh
Theo HQO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo