Ngân hàng Việt đón đại sóng lợi nhuận 2018?
Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) mở đầu mùa đại hội ngành, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân Việt Nam có kế hoạch lợi nhuận lên tới 10.000 tỷ đồng.
Tại buổi họp báo cuối 2017, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank đã từng giải thích: mức lợi nhuận đột biến trong năm qua cũng như nối tiếp trong năm nay là bình thường, không phải tăng trưởng nóng.
Bởi vì sau khi đã xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng, lợi nhuận ngân hàng hạch toán trọn vẹn hơn chứ không bị cắt nhiều bởi chi phí trích lập dự phòng như trước. Không phải tăng trưởng nóng, vì doanh thu vẫn tăng trưởng khá cao những năm qua, bớt phải trích lập thì lợi nhuận tiếp tục bám sát quy mô doanh thu đó.
Như trên, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có ngân hàng tư nhân đặt kế hoạch lợi nhuận 10.000 tỷ đồng. Và quy mô dự kiến này chưa phải là cao nhất về con số giá trị tuyệt đối.
Theo tài liệu chuẩn bị cho đại hội đồng cổ đông sắp tới, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã xác định chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận năm nay lên tới 10.800 tỷ đồng.
Những năm gần đây, VPBank liên tục phải điều chỉnh chỉ tiêu trong quá trình thực hiện, do… các mức đề ra đều sớm vượt qua.
"Kế hoạch ban đầu dựa trên phân bổ nguồn lực. Khi triển khai, thực tế ngân hàng làm tốt hơn thì điều chỉnh lên. Khi khó khăn thì cũng phải điều chỉnh giảm. Nên việc điều chỉnh đó cũng là bình thường", ông Nguyễn Đức Vinh giải thích với VnEconomy.
Cũng như tại Techcombank, Tổng giám đốc VPBank cho rằng tốc độ tăng trưởng vừa qua và năm nay không hẳn là nóng. Bởi lẽ, các hoạt động chính đều đã lên tầm cao, cũng như việc ngân hàng luôn phải tuân thủ các giới hạn của Ngân hàng Nhà nước.
Ví dụ, tăng trưởng tín dụng mỗi thành viên không thể tự chủ quan đẩy cao, mà phải theo chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước kiểm soát. Tương tự, việc sử dụng vốn cũng phải theo liều lượng, như phải tuân thủ các rào cản kỹ thuật như hệ số cho vay so với huy động, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu…
Dĩ nhiên, trong quá trình hoạt động, bất cứ ngân hàng nào, cả từ yêu cầu của cổ đông, cần có mức độ tăng trưởng nhất định.
Như tại Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, ban đầu chỉ tiêu lợi nhuận dự kiến chỉ 12.000 tỷ đồng, nhưng xét thấy mức đó có tỷ lệ tăng trưởng "hơi thấp" nên dự kiến chỉ tiêu trình đại hội đồng cổ đông sẽ được nâng lên 13.000 tỷ đồng, để có tốc độ tăng trưởng tốt hơn.
Với chỉ tiêu dự kiến trên, 2018 đang bắt đầu gợi mở những con số lợi nhuận rất lớn của hệ thống ngân hàng Việt Nam, những quy mô chưa từng đạt được trong lịch sử.
Bước đầu, như trên, Vietcombank có thể sẽ tiếp tục là quán quân lợi nhuận về mặt con số tuyệt đối. Hai thành viên lớn khác gồm Ngân hàng Công thương (VietinBank) và Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV) hiện chưa tiết lộ chỉ tiêu cụ thể.
Trong khi đó, với Techcombank và VPBank, đại sóng lợi nhuận ngân hàng năm nay đã bắt đầu cho thấy sự nổi lên và khả năng có lấn lướt từ khối tư nhân. Theo đó, dự báo 2018 sẽ là năm đầu tiên thị trường được chứng kiến những nhà băng tư nhân có quy mô vốn thấp hơn, tổng tài sản thấp hơn nhiều nhưng lợi nhuận chính thức ngang ngửa, thậm chí có thể vượt qua một số thành viên ngân hàng thương mại nhà nước.
Như trường hợp của Techcombank, bên cạnh lợi nhuận bám sát với doanh thu, việc đã xử lý được nợ xấu và tài sản tồn đọng còn đi cùng với tiềm năng hoàn nhập dự phòng trở lại lợi nhuận.
Triển vọng đó cũng có tại Ngân hàng Quân đội (MB). MB từng một giai đoạn 2011 - 2014 dẫn đầu lợi nhuận khối ngân hàng cổ phần không có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối. Năm 2017, MB đã dồn lực thực hiện tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
MB dự kiến sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông vào cuối tháng 3/2017. Sau khi tất toán xong nợ tại VAMC, thị trường đang chờ đợi liệu thành viên này có triển vọng xác định được chỉ tiêu lợi nhuận năm nay gần với những thành viên từng đứng sau ở giai đoạn trước như Techcombank và VPBank hay không?
Đến tháng 4/2017, hầu hết các ngân hàng thương mại sẽ chính thức bước vào mùa đại hội. Các chỉ tiêu lợi nhuận sẽ lần lượt được công bố. Bước đầu đã có những tốc độ tăng trưởng dự kiến 25 - 30%, có trường hợp đã công bố mục tiêu tăng trên 60% như Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank).
Và thông thường, chỉ tiêu lợi nhuận là con số xây dựng trên cơ sở có tính khả thi và an toàn. Nếu tiếp tục vượt chỉ tiêu như phổ biến trong năm 2017, thì 2018 sẽ thực sự là năm đại sóng lợi nhuận của các nhà băng Việt.
End of content
Không có tin nào tiếp theo