Ngành dệt may quyết tâm hoàn thành mục tiêu năm 2018
Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, hòa chung khí thế ra quân của cả nước đến nay hầu hết những người lao động ngành dệt may đã ra quân sản xuất đầu năm với mục tiêu quyết tâm hoàn thành mục tiêu sản xuất kinh doanh năm 2018.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết, năm 2018, mặc dù tình hình kinh tế trong và ngoài nước được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng toàn ngành vẫn đặt mục tiêu cao, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 34 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017.
Tổng công ty May 10 đã đồng loạt ra quân ngay từ ngày mùng 5 Tết, với hơn 11.000 cán bộ công nhân viên tại 7 tỉnh thành phố trong cả nước sản xuất những lô hàng xuất khẩu đầu tiên của năm mới.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT May 10 cho hay, năm 2017, vượt qua những khó khăn thách thức chung của nền kinh tế, Tổng Công ty May 10 tiếp tục duy trì đà phát triển với tổng doanh thu đạt trên 3.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 60,44 tỷ đồng, tăng gần 11% so với năm 2016. Thu nhập bình quân người lao động đạt 7.820.000 đồng/người/tháng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc, Tổng Công ty May 10 khẳng định, những khó khăn trong năm 2017 dự báo còn tiếp tục xuất hiện trong năm 2018 với tính chất khó khăn, phức tạp hơn.
Để đạt mục tiêu của năm 2018, May 10 đưa ra nhiều giải pháp như tập trung hoạt động đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề để đáp ứng yêu cầu phát triển; thường xuyên tổ chức các hoạt động thi nghiệp vụ/tay nghề, thi thợ giỏi...
Hoạt động này được làm đồng bộ từ Tổng Công ty đến tất cả các đơn vị thành viên, coi kết quả đào tạo là tiêu chí đánh giá hoạt động của các đơn vị và cán bộ quản lý.
Bên cạnh đó, Tổng Công ty xây dựng cơ chế, giải pháp chính sách tiền lương khuyến khích người lao động hưởng thu nhập trên doanh thu và hiệu quả kinh doanh; đồng thời triệt để tiết kiệm trên tất cả mọi lĩnh vực của Tổng Công ty, tránh những lãng phí không cần thiết, không đem lại giá trị, hiệu quả.
“Với truyền thống 70 năm, tập thể cán bộ, công nhân viên May 10 quyết ra sức thi đua, mang hết sức lực và tài lực để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra, góp phần đưa Tổng Công ty ngày càng phát triển bền vững”- bà Huyền nói.
Tại các doanh nghiệp khu vực Nam Định, ông Lê Tiến Trường nhận định, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn ở khu vực này đã vượt qua được khó khăn và đang từng bước phát triển ổn định; trong đó, Nhà máy Sợi đã có thị trường ổn định, Dệt Nam Định đã ổn định sản xuất và May Nam Định đã có nhà máy mới tại Nam Trực.
Nam Định là khu vực có sự cạnh tranh cao về lao động, vì vậy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần phải áp dụng triệt để cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đầu tư đổi mới công nghệ để có quy mô hợp lý, đảm bảo đơn hàng, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Tại Nam Định, Tổng Công ty cổ phần Dệt may Nam Định đã mở ca máy đầu xuân vào ngày 6 Tết Mậu Tuất, tất cả các bộ phận, công nhân, kỹ sư đều vào việc với tinh thần phấn khởi quyết tâm đạt và vượt mọi chỉ tiêu được giao.
Lãnh đạo Công ty cho biết, năm 2018, số đơn hàng xuất khẩu tăng cao, vì vậy ngay từ những ngày đầu xuân, Tổng Công ty cổ phần Dệt may Nam Định đã huy động toàn bộ nhân lực tích cực tham gia sản xuất nhằm phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 1.400 tỷ đồng, tổng doanh thu đạt 1.600 tỷ đồng.
Không khí ra quân, thi đua lao động sản xuất ở Thừa Thiên - Huế có hiệu quả ngay từ đầu năm. Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Huế chia sẻ, hiện doanh nghiệp đã nhận đơn hàng sản xuất đến tháng hết 4/2018 và tỷ lệ đơn hàng FOB (mua nguyên liệu, tự sản xuất và bán hàng trực tiếp không qua trung gian) chiếm tới 40%.
Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, đơn vị chi thưởng 30 tỷ đồng tiền Tết, với mức thưởng 1,5 tháng lương/người cho lao động.
Công ty cổ phần đấu tư dệt may Thiên An Phát, sau Tết Mậu Tuất có 5.000 lao động trở lại làm việc đông đủ. Hai công ty: Công ty cổ phần sợi Phú Việt, Công ty cổ phần sợi Phú Mai tạo việc làm cho 600 lao động với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Nhờ thu nhập ổn định nên công nhân trở lại làm việc, thực hiện các đơn hàng xuất khẩu sau Tết.
Năm 2018, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ có thêm 5 nhà máy may đi vào hoạt động, giải quyết thêm việc làm cho khoảng 5.000 lao động. Năm 2018, riêng Công ty Scavi Huế thuộc Tập đoàn Scavi (Pháp) tiếp tục triển khai xây dựng nhà máy may 4 tại Khu công nghiệp Phong Điền, nâng tổng số chuyền may lên 150, nâng tổng số lao động lên 7.000 người...
End of content
Không có tin nào tiếp theo