Hỗ trợ doanh nghiệp

Ngành điều đồng loạt kiến nghị hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp

Tuy là mặt hàng xuất khẩu “tỷ đô”, nhưng nông dân và doanh nghiệp (DN) ngành điều vẫn “tự bơi là chính” - Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi thẳng thắn nhận xét trước hội nghị quốc gia vừa diễn ra tại thủ phủ của ngành điều cả nước.

Tái canh cây điều: Nhu cầu cấp bách

Tại Bình Phước - thủ phủ hạt điều của cả nước, sản lượng và năng suất cây điều giai đoạn 2013-2015 đạt từ 1,4-1,5 tấn/ha. Nhưng đến năm 2016, năng suất bắt đầu giảm dần, còn 1,14 tấn/ha.

Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Phước cho hay, dù địa phương này có tới 174.000 ha điều, và cây điều đóng góp tới 25% GDP toàn ngành nông nghiệp, giải quyết việc làm cho 76.000 hộ nông dân tại đây, nhưng năm 2017 vừa qua tỉnh cũng mới chỉ tái canh được hơn 500 ha. Trong khi đó, diện tích cây điều già cỗi hơn 20 năm tuổi của địa phương này ước khoảng 25.000 ha!

Theo thống kê của Vinacas, tỉ lệ nhân thu hồi của cây điều Việt Nam trước đây đạt 29-32%, nhưng nay chỉ còn 25-26%. Ảnh minh họa.

Ngoài yếu tố bất thuận của thời tiết (hạn hán và biến đổi khí hậu làm phát sinh dịch bệnh), cây điều già cỗi với khả năng kháng sâu bệnh yếu, năng suất thấp và chất lượng suy giảm cũng khiến sản lượng điều toàn tỉnh chỉ đáp ứng 25% nhu cầu sản xuất, còn lại phải phụ thuộc nguồn nhập khẩu.

Sau điển hình Bình Phước, các địa phương có nhiều DN chế biến điều xuất khẩu cũng lâm vào cảnh tương tự. “Thiếu nguyên liệu nghiêm trọng nên ngành điều không chủ động được sản xuất”, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) chốt lại.

Theo thống kê của Vinacas, 30% diện tích vườn điều hiện nay đều đã già cỗi; 80% diện tích cây điều không rõ nguồn gốc, năng suất thấp, tuổi đời cũng đã lên tới 15-20 năm. Tỉ lệ nhân thu hồi của cây điều Việt Nam trước đây đạt 29-32%, nhưng nay chỉ còn 25-26%.

Bên cạnh các “đại dự án” đầy tham vọng của ngành điều Việt Nam về chuyện bắt tay với Campuchia, Lào, hay một số thị trường nước ngoài khác để gây dựng vùng nguyên liệu tin cậy, thì bài toán tái cơ cấu vườn điều trong nước để góp phần tự chủ nguyên liệu và ổn định đời sống nông dân, mà một phần không nhỏ trong đó là đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt nhận được rất nhiều kiến giải từ giới DN.

Nông dân: Người cần được hỗ trợ thiết thực

 

 Các vườn điều hiện thường phân bố rải rác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những nơi mà điều kiện sống còn thiếu thốn. Do đó, chuyện tái canh cây điều, hay trồng mới những vườn điều đúng chuẩn là không hề đơn giản với rất nhiều nông dân nói chung. Tuy nhiên, giới DN tin rằng, nếu có chính sách khuyến khích đủ hấp dẫn thì khoản đầu tư ấy chỉ là “chuyện nhỏ”.

Vị chủ tịch Vinacas ước tính: “Mỗi ha tái canh chỉ cần 2 triệu đồng, tái canh cả nghìn ha tốn có 2 tỷ đồng, trong khi vốn của DN là cả nghìn tỷ đồng. Nhưng phải có cơ chế nào đó để khuyến khích DN đầu tư cho nông dân, thay vì cứ để họ đi mua nguyên liệu chỗ khác về chế biến như hiện nay”.

Chung quan điểm phải cổ vũ nông dân canh tác, nhà quản lý ngành nông nghiệp Bình Phước cũng tin rằng chính sách cần tăng cường xem xét, hỗ trợ nông dân trồng mới và thâm canh, tái canh vườn điều.

GĐ Sở NN&PTNT Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn thì kêu gọi sự quan tâm của các bộ ngành và giới khoa học cho đầu tư nghiên cứu cây giống và quy trình trồng trọt để cây điều Việt Nam có thể thích ứng với thời tiết bất thuận.

Cùng ủng hộ các đề xuất phải hỗ trợ người trồng điều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Thị Thúy Yến còn tâm tư: “Tìm cách tăng năng suất tăng là tốt, nhưng năng suất tăng rồi nông dân có bán được giá không?”, hoặc “Chúng tôi chưa nhận được thông tin nào về hàng rào kỹ thuật đối với hạt điều Việt Nam chế biến và xuất khẩu. Phải biết những điều này thì chúng tôi mới có khuyến nghị kỹ thuật phù hợp cho nông dân”.

 

DN: Mắt xích trọng yếu phải ‘gia cố’

 Dù hạt điều được vinh danh là mặt hàng xuất khẩu “tỷ đô” với kim ngạch năm 2017 lên tới 3,6 tỷ USD, nhưng “vinh quang này chỉ mới thuộc về DN và nông dân - những người vẫn tự bơi là chính”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi thẳng thắn nhận xét. Chính bởi thiếu sự dẫn dắt đủ mạnh của chính sách, nên hoạt động liên kết cả chuỗi giá trị hạt điều gồm sản xuất-thu mua-chế biến-xuất khẩu vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm! “Không thấy có chương trình gì dành riêng cho cây điều cả, ví dụ chương trình gói vốn rẻ cho nông dân, hay cho DN chẳng hạn”, ông Lợi đề cập cụ thể.

Ảnh minh họa.

Bình Phước cũng đồng thời kiến nghị Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ xem hạt điều là mặt hàng chiến lược quốc gia, có chính sách riêng về khoanh nợ, giãn nợ, ưu đãi thuế cho cả DN lẫn nông dân canh tác, chế biến điều.

Từ góc độ DN, ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 tin rằng, bên cạnh chuyện ủng hộ tài chính cho DN ngành điều, nhất thiết phải xem xét nghiêm túc sự phát triển quá rầm rộ về số lượng DN lẫn sản lượng hạt điều chế biến hằng năm. Bởi điều này đang làm nảy sinh hiện tượng tranh mua-tranh bán.

Vệ sinh an toàn thực phẩm cho mặt hàng này cũng đang là vấn đề còn bỏ ngỏ, trong khi đòi hỏi của người tiêu dùng ngày càng cao. “Vệ sinh an toàn thực phẩm mà không làm tốt sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu hạt điều quốc gia”, ông Huyên bày tỏ lo lắng.

 

Chủ tịch Vinacas Nguyễn Đức Thanh cũng ưu tư: “Ngành điều đang gặp mâu thuẫn lớn giữa mục tiêu thâm canh tăng năng suất và mục tiêu sản xuất an toàn. Nếu quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón để đẩy năng suất lên 3-4 tấn/ha, rồi gặp khủng hoảng truyền thông vì mất an toàn thực phẩm cũng chưa chắc tốt”.

Ghi nhận ý kiến của DN và các địa phương về đầu tư-tái cơ cấu ngành điều, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đồng tình: “Việt Nam đảm nhận cả khâu canh tác-chế biến-xuất khẩu và phải chịu xử lý nhiều tổn thương về môi trường, nhưng mới chỉ giành được 40% trong chuỗi giá trị của ngành điều”. Vì vậy cần phải có nguồn lực đầu tư quy mô hơn, trong đó, nghiên cứu bố trí vốn ODA sẽ là một trong những ưu tiên cấp bách.

Riêng chuyện đầu tư cho nghiên cứu sâu các mấu chốt của ngành điều như mô hình liên kết, chuẩn hóa quy trình canh tác, nâng cấp giống, vệ sinh an toàn thực phẩm… cũng sẽ được “xã hội hóa”, tức kết hợp cả vốn Nhà nước lẫn vận động DN cùng tham gia. “Quá trình công nghiệp hóa phải có quỹ đầu tư trở lại cho khu vực nông nghiệp. Đây không phải vì mục tiêu an sinh xã hội, mà là đầu tư cho nguồn thu tiềm năng trong tương lai của nền kinh tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh thêm.

Trước mắt, với sự hỗ trợ từ Bộ NN&PTNT, “thủ phủ” hạt điều của cả nước là Bình Phước sẽ tổ chức lễ hội “Quả điều vàng” hằng năm, qua đó gắn kết các sản phẩm vật chất chế biến từ hạt điều với các sản phẩm văn hóa tinh thần của ngành du lịch.

Nên đọc
Theo Báo Chính phủ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo