Hỗ trợ doanh nghiệp

Nghị định 09 làm khó doanh nghiệp ngành thực phẩm

(DNVN) - Nghị định 09/2016/NĐ - CP của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngành này.

Nghị định 09 gây tranh cãi tại một cuộc hội thảo.

Theo NĐ 09, mục đích nhằm tăng cường vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm quy định trong điều 6: Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I -ốt. Bột mỳ dùng  trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm đã thực sự gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông  Asahira Keita - Phó Giám đốc Marketing  Công ty  CP Acecook Việt Nam cho rằng, công ty chúng  tôi luôn tuân thủ mọi quy định của nhà nước và kể từ khi NĐ 09 có hiêụ lực, chúng tôi đưa các vi chất vào sản phẩm nhưng thực sư gặp rất nhiều khó khăn.  Khi bổ sung sắt, kẽm trong bột mỳ về cảm quan màu sắc của sợi mỳ xỉn màu và độ dai của sợi mỳ không còn  như trước. Do vậy sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm. Tuy nhiên thiệt hại không đo đếm được khi thị trường xuất khẩu của chúng tôi đi 40 nước trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì nhiều nước  cấm không cho thêm vi chất vào trong bột mỳ và không nhập sản phẩm. Công ty chỉ có một dây chuyền sản xuất chung, chúng tôi không thể phân ra bột này có vi chất cho tiêu thụ trong nước, bột kia không có vi chất đi xuất khẩu. Chúng tôi muốn bán được tại các thị trường truyền thống phải đi xin phép các nước và in trên bao bì sản phẩm. Khách hàng thấy thêm thành phần trên bao bì như vậy lại cũng không mua nữa. Giờ đây, thị trường mấy chục năm qua phải buông luôn vì không bán được hàng.

Chung cái khó đó là Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ bột mỳ, công ty đã thực hiện bổ sung vi chất dinh dưỡng (sắt, kẽm) vào quá trình sản xuất.  Kết quả là bột mỳ nổi đốm, màu sắc các sản phẩm, thành phẩm không ổn định và bị biến đổi, ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm, quy trình đưa vào máy dò kim loại không áp dụng được. Bà Huỳnh Thị Kim Chi - CTHĐQT bức xúc: Hầu hết các thị trường xuất khẩu của chúng tôi như Mỹ, Nhật, Canada đều không yêu cầu bổ sung sắt, kẽm …  Nhật chỉ yêu cầu bổ sung sắt mà không bổ sung kẽm. Do vậy, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng và doanh thu của chúng tôi. Việc tách quy trình sản xuất từng loại bột mỳ sẽ tốn rất nhiều chi phí, giảm năng lực cạnh tranh đối với thị trường trong nước và trong khu vực. Bà Chi kiến nghị: Ngày 15/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 - NQ/CP, chỉ đạo Bộ Y tế bãi bỏ quy định: “Bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường vi chất sắt và kẽm tại điểm b, khoản 1, điều 6 NĐ 09/NĐ - CP. Thay vào đó chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng”. Chúng tôi kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi, thay thế NĐ 09 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 19 để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất và phát triển trong xu thế hội nhập hiện nay.

Bà  Hồ Thị Kim Liên - CT Hội nước mắm Phú Quốc cho rằng, Bộ Y tế đang đẩy cái khó cho doanh nghiệp.Việc phát triển giống nòi là chương trình của quốc gia, và muốn bổ sung vi chất dinh dưỡng thì Bộ Y tế nên nghiên cứu ra những dòng sản phẩm riêng biệt chứ bổ sung vào thực phẩm không có giá trị vì I -ốt dễ bay hơi và nhiều sản phẩm cho thêm sắt, kẽm, I -ốt vào khiến sản phẩm biến đổi. Do vậy lợi ích cho người dân chưa thấy đâu nhưng lợi ích của doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng rất nhiều.

Ông Lâm Bá Nhĩ - GĐ Quản lý chất lượng Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) chia sẻ: Thêm I- ốt, sản phẩm Vissan bị giảm chất lượng, tăng chi phí, giá thành mà thành phẩm cũng chẳng còn I -ốt tồn dư qua sản xuất. Ví dụ trong thịt hộp và dòng đông lạnh, thịt nguội sau khi xét nghiệm tại Trung tâm 3 thì không còn I ốt. Với thủy sản, nước mắm, nước chấm, rau củ quả sấy khô, thịt gia cầm sấy, sản phẩm từ ngũ cốc sấy, các loại bột ăn liền, bột gia vị cũng tương tự, dùng I - ốt là bị biến mùi vị ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và cũng biến đổi khi gặp nhiệt và kiểm định lại cũng không còn. Với chủ trương mang ý nghĩa lớn, nhưng phải mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và lợi ích cho sức khỏe cộng đồng. Do vậy, Bộ Y tế cần phải xem xét lại NĐ này.

 

Chỉ có mấy chữ “bổ sung vi chất dinh dưỡng” vào trong chế biến thực phẩm mà phát sinh đủ thứ phiền hà và chi phí. 
Điều lạ hơn, Chính phủ đã nghe nhiều lần, đã sửa đổi bằng nghị định mới từ ngày 15/5/2018. Tuy vậy, đến nay Bộ Y tế vẫn không có động thái. Thêm một ngày trì hoãn là doanh nghiệp rối bời mà Bộ vẫn chẳng nhúc nhích. Doanh nghiệp hiểu là để chậm vậy, có người khóc nhưng cũng có kẻ cười. Bà Nguyễn Kim Hạnh - CT Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chua chát nói.

Minh Hiền
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo