Hỗ trợ doanh nghiệp

Nghiên cứu KHCN phục vụ nông nghiệp: Hút DN tham gia mạnh hơn

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, trong giai đoạn 2008-2013, tổng kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) cấp cho ngành nông nghiệp khoảng 4.000 tỷ đồng, nhưng đã có tới 32% chi cho lương và hoạt động bộ máy. Nghiên cứu còn phân tán, thiếu tính đột phá và tính ứng dụng không cao...

Đó là những vấn đề đã được đưa ra “mổ xẻ” tại hội nghị về KHCN phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp vừa tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.

Chất lượng nghiên cứu chỉ bằng 1/6 Singapore
 
Theo đánh giá của chính Bộ NNPTNT, so với các nước trong khu vực, chất lượng các công trình nghiên cứu cơ bản của Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với Thái Lan, 1/4 của Malaysia và 1/6 của Singapore… Cả nước cũng mới có hơn 33.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó trên 93% là DN nhỏ và vừa, hầu hết có vốn dưới 10 tỷ đồng… nên mức đầu tư cho đổi mới công nghệ rất khiêm tốn.
 
Sử dụng màng phủ nylon giúp cây trồng sinh trưởng khỏe mạnh.  Ảnh: Thanh Xuân.
 
Là lãnh đạo một DN dẫn đầu cả nước về mô hình liên kết cánh đồng mẫu lớn sản xuất theo quy mô công nghiệp ở khu vực Nam Bộ, ông Huỳnh Văn Thòn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang chia sẻ: “Trong chuỗi sản xuất nông nghiệp hiện nay ở từng lĩnh vực ngành hàng, mỗi khâu sản xuất đều cần các yếu tố kỹ thuật và KHCN. Tuy nhiên, một mình DN không thể tự thực hiện được, vì vậy sự liên kết, kết hợp của các nhà khoa học, các viện, trường, cơ quản quản lý nhà nước là hết sức quan trọng. “Ở cấp độ nghiên cứu vĩ mô- tức những nghiên cứu cơ bản cần được chuyển giao nhanh nhất cho DN, với giá mua bản quyền thấp nhất. Chúng tôi kỳ vọng, Nhà nước sẽ giải quyết khó khăn, vướng mắc để DN có thể hình thành và tạo được mối liên kết này”- ông Thòn đề xuất.
 
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay, mặc dù KHCN được xác định là khâu then chốt, song so với yêu cầu đặt ra lĩnh vực này vẫn còn nhiều yếu kém, trong đó nguyên nhân chính là do trình độ khoa học của nhiều lĩnh vực còn thấp; hệ thống nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ còn chậm so với yêu cầu thực tế đặt ra. Đơn cử như vùng ĐBSCL, mặc dù mỗi năm sản xuất ra từ 22-25 triệu tấn lúa hàng hóa, nhưng hiện mới chỉ có từ 30- 40% diện tích gieo trồng lúa được sử dụng các giống xác nhận, còn lại là giống do người dân tự để lại từ vụ trước, dẫn tới chất lượng lúa gạo kém, ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành xuất khẩu.
 
Nghiên cứu cần thực tế
 
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, KHCN có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp nông thôn, giúp tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm, đặc biệt là trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, lực lượng lao động nông nghiệp đang giảm xuống… “Động lực mới cho phát triển KHCN nông nghiệp không thể chỉ chờ vào Nhà nước đầu tư nhiều hơn nữa, mà cần phải tìm kiếm trong đổi mới chính sách về KHCN, khuyến khích các tổ chức của Nhà nước hoạt động có hiệu quả hơn. Đặc biệt là phải thu hút DN tham gia mạnh mẽ hơn vào nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao KHCN; đẩy mạnh mối liên kết giữa các viện, trường, trung tâm khuyến nông với DN và Nhà nước phải làm tốt hơn vai trò của nhà kiến tạo”- ông Phát khẳng định.
 
Chia sẻ về việc nghiên cứu, chuyển giao KHCN, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình cho rằng: “Chúng ta nghiên cứu phải xuất phát từ chính yêu cầu của cuộc sống đặt hàng, chứ không phải chủ trương đặt hàng các nghiên cứu của ai cả. Do đó, cần thay đổi tư duy theo hướng đó và khi nghiên cứu phải xuất phát từ sản phẩm, bởi đó mới là cái xã hội cần. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng luôn phải cải tiến nên các nghiên cứu cũng phải liên tục đưa ra những sản phẩm mới tốt hơn”.
 
Là một DN đầu tư khá nhiều vào KHCN nông nghiệp công nghệ cao, bà Thái Hương – Chủ tịch Tập đoàn TH (với thương hiệu sữa TH true Milk) cho rằng, để áp dụng KHCN trong nông nghiệp thành công, trước tiên cần xác định các đối tượng chủ thể tham gia quá trình ứng dụng và có lộ trình thực hiện nhằm tạo sản phẩm đạt chất lượng hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, bà Hương cũng kiến nghị, Nhà nước, Chính phủ cần chú trọng hơn đến tầng lớp doanh nhân, tạo điều kiện cho họ hoạt động kinh doanh trên cơ sở hệ thống cơ chế chính sách minh bạch. Thông qua đó thu hút được những DN có đủ tâm, trí, tài, lực vào sản xuất.
 
 
Tiến tới cho phép cơ sở nghiên cứu hoạt động như Doanh Nghiệp!
 

Đánh giá về công tác nghiên cứu KHCN trong nông nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Việt Nam là quốc gia xếp thứ hạng cao trên thế giới về xuất khẩu nhiều loại nông sản. Song để duy trì tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp, cần phải đổi mới về nhận thức và cách tiếp cận trong sản xuất nông nghiệp, nhất là các yếu tố về KHCN. Các viện, trường có vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học nông nghiệp sẽ có những cơ chế tiến tới cho phép các cơ sở nghiên cứu khoa học hoạt động như doanh nghiệp khoa học, hạch toán như doanh nghiệp... Các nhà khoa học hãy phát huy hết vai trò nghiên cứu của mình, nếu vướng cơ chế chính sách mà Bộ NNPTNT, Bộ KHCN không giải quyết được, tôi sẵn sàng đưa ra để Chính phủ cùng bàn các giải pháp tháo gỡ. 

Theo Dân Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo