Ngoại trưởng Mỹ 'lặn lội' đến Nga gặp Tổng thống Putin làm gì?
Đây là lần thứ ba trong vòng một năm, Ngoại trưởng Mỹ có chuyến thăm đến Nga. Điều này chứng tỏ, phương Tây và Mỹ đã buộc phải có cái nhìn khác về vị thế của Nga kể từ sau khi nước này tham chiến tại Syria.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby, ông Kerry và người đồng cấp phía Nga Sergei Lavrov sẽ bàn thảo về các nỗ lực sắp tới nhằm duy trì lệnh ngừng bắn, cung cấp hỗ trợ nhân đạo và tạo điều kiện cho cuộc chuyển giao chính trị tại Syria.
Trước thềm chuyến công du, ông Kerry hôm 16/3 có cuộc điện đàm với ông Lavrov, tập trung vào hợp tác tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Syria. Không thể phủ nhận rằng, từ sau khi tham gia không kích tại Syria, Nga đã chứng tỏ vai trò then chốt của mình trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Chuyến công du của ông Kerry tới Nga cũng cho thấy, Mỹ đã buộc phải thừa nhận vai trò của Nga như là một nhân tố quan trọng, góp phần đảm bảo việc thực thi các nỗ lực hòa giải, hướng tới lệnh ngừng bắn toàn diện trên toàn lãnh thổ và tổ chức vòng đàm phán mới về hòa bình Syria.
Ngoài việc bàn thảo về vấn đề Syria, các lệnh trừng phạt mà phương Tây và Mỹ áp đặt với Nga từ tháng 3/2014 sau khi nước này sáp nhập Crimea cũng được Bộ Ngoại giao Nga nhắc đến. Từ ảnh hưởng của lĩnh vực quân sự, Nga hy vọng có thể tạo sức ép nhằm buộc các nước phương Tây xem xét lại các lệnh trừng phạt.
Thực tế cho thấy, sau 2 năm áp đặt lệnh trừng phạt, chính trong nội bộ các nước Liên minh châu Âu (EU) đã có sự mâu thuẫn. Một số quốc gia đã “chán ngán” với các lệnh trừng phạt với Nga, mà rõ ràng cũng đã tác động đến kinh tế chung của châu Âu.
Cựu nghị sĩ Nghị viện châu Âu Ivan Blo phát biểu, EU buộc phải thực hiện các biện pháp trừng phạt với Nga vì vấn đề Crimea là do áp lực từ Mỹ. "Người châu Âu đã chán nản với các biện pháp trừng phạt vì cho rằng điều này gây bất lợi cho kinh tế châu Âu, vốn chịu nhiều ảnh hưởng từ Nga. Rất nhiều Chính phủ các quốc gia Tây Âu muốn ngừng các biện pháp trừng phạt” - ông Blo cho biết.
Đồng tình với ý kiến này, cựu Thủ tướng Italia và cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Romano Prodi cũng nhận định, chính sách của EU đối với Nga là một sự "tự sát" về kinh tế và chính trị. Ông Prodi đã gọi các lệnh trừng phạt của EU với Nga là sai lầm và nhấn mạnh, điều tối quan trọng hiện nay là Nga và EU phải nối lại các quan hệ kinh tế và trao đổi văn hóa.
Ông Prodi khẳng định, hợp tác giữa Nga và châu Âu rất quan trọng với chính trị toàn cầu. Nếu giữa các bên không có một cuộc đối thoại, các tổ chức và quốc gia sẽ lợi dụng điều này và mở cửa cho chủ nghĩa khủng bố.
Cựu Thủ tướng Italia cũng nói thêm, đối đầu với chủ nghĩa khủng bố là một mục tiêu chung đòi hỏi sự hợp tác để hướng tới giải quyết các mối quan tâm chung khác như giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. Theo ông Prodi, các bên phải có các đối thoại chính trị, nối lại quan hệ kinh tế, và sau đó chuyển sang các vấn đề nhân đạo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo