Hỗ trợ doanh nghiệp

Nguy cơ đào thải trước thềm AEC

Tham gia sân chơi AEC không chỉ đòi hỏi năng lực tài chính mà còn cả các năng lực mềm khác.
 
Kết quả kinh doanh khả quan của các DN niêm yết năm 2014, so với năm 2013, không khiến Phó tổng giám đốc HNX Nguyễn Vũ Quang Trung cảm thấy lạc quan hơn. Trao đổi với phóng viên Thời báo NH tại Họp báo công bố kết quả kinh doanh của DN niêm yết trên HNX sáng 16/4, ông cho rằng, các DN Việt Nam chưa có sự chuẩn bị tốt khi Việt Nam đang trong lộ trình gấp gáp tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Điều này sẽ khiến DN Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Các DN nếu không chuẩn bị tốt thì khó tận dụng được cơ hội từ AEC
 
Kinh doanh cải thiện do giảm chi phí vay
 
Căn cứ vào số liệu báo cáo kiểm toán năm 2014, số DN niêm yết có kết quả kinh doanh lãi là 317 DN, tăng 3,9% so với năm 2013 với tổng giá trị lãi khoảng 13.020 tỷ đồng, tăng tương ứng 18,4%. Tổng số DN niêm yết lỗ là 32 DN với giá trị lỗ khoảng 343 tỷ đồng, giảm 81,4% so với giá trị thua lỗ năm 2013. Kết quả kinh doanh khả quan còn được thể hiện ở tổng lợi nhuận sau thuế, đạt 12.376 tỷ đồng, tăng mạnh 64% so với năm 2013.
 
Nhìn vào kết quả kinh doanh năm 2014 của các tổ chức niêm yết (TCNY) theo ngành cũng cho thấy, trong số các TCNY thua lỗ, chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là ngành xây dựng, trong đó có CTCP xây dựng công trình ngầm, mã CTN chiếm 31,1% tổng giá trị lỗ nhóm này, tiếp đến là ngành khai khoáng - dầu khí và ngành công nghiệp. Tổng giá trị lỗ của các DN niêm yết trong năm 2014 giảm chủ yếu là do Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam, mã PVX giảm mạnh khoản lỗ từ -2.228 tỷ đồng trong năm 2013 thành lãi 10,3 tỷ đồng trong năm 2014.
 
Trong số các DN niêm yết có kết quả hoạt động kinh doanh lãi năm 2014, chiếm tỷ trọng lớn nhất là ngành công nghiệp, trong đó lớn nhất là LAS chiếm 12,7% tổng giá trị lãi của nhóm. Tiếp đến là ngành tài chính, trong đó SHB và ACB lần lượt chiếm 25% và 24,3% tổng giá trị lãi nhóm. Ngoài ra là ngành khai khoáng và dầu khí với mã PVS chiếm 62% tổng giá trị lãi của nhóm này.
 
“Đạt được kết quả này là do trong năm 2014 kinh tế Việt Nam đã có những điểm sáng khá tích cực. Tuy những yếu tố nền tảng cho sự phát triển của một nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện nhưng tăng trưởng kinh tế đang trên đà phục hồi…”, ông Trung nói.
 
Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực khách quan của nền kinh tế vĩ mô, theo công văn giải trình kết quả hoạt động kinh doanh của các DN niêm yết, nguyên nhân chủ quan là do các DN triển khai hiệu quả chính sách tiết kiệm chi phí quản lý, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh chính, không đầu tư dàn trải… Chi phí tài chính năm 2014 của các DN niêm yết giảm 25,6% so với năm 2013, trong đó lãi vay giảm 23%.
 
Không chuẩn bị tốt, sẽ bị đào thải
 
“Chúng tôi đã chứng kiến, vào giai đoạn kinh tế rất khó khăn nhưng vẫn có DN sống tốt. Khi trực tiếp làm việc với DN, họ nói rằng thực ra khủng hoảng lại là cơ hội. Vì khủng hoảng bộc lộ bản chất của DN, thấy được DN nào chỉ lo “lobby” để kiếm dự án, còn DN nào thực sự có năng lực vẫn tiếp cận được dự án mà không phải “lobby”. Nhiều DN dùng chất lượng, uy tín để bảo vệ mình và họ vẫn làm ăn rất tốt, thậm chí họ còn thâu tóm được các DN khác”, lãnh đạo HNX cho hay.
 
Nhưng có điều rõ ràng là tính thanh khoản của thị trường đang rất thấp. Ông Trung giải thích, thị trường cũng giống như con quay hồi chuyển, khi đạt đến đáy thì DN sẽ quay dần trở lại đạt đến mức trung bình và phát triển theo hình sin. “Chúng tôi hy vọng nền kinh tế đã vượt qua đáy hình sin và đang trên đà đi lên, với tác động của kinh tế vĩ mô ổn định mang lại, của tăng trưởng tín dụng, đà giảm lạm phát, tăng tưởng GDP và đặc biệt là của việc hạ lãi suất. Khi đó, đầu tư sẽ nhiều hơn, DN sẽ có nhiều dự án hơn để triển khai”, ông Trung nhận định.
 
Một số ý kiến cũng hy vọng trong năm 2015, DN sẽ có kết quả kinh doanh tốt, bởi Chính phủ sẽ rất quan tâm đến kết quả kinh doanh của năm này, năm kết thúc kế hoạch 5 năm 2011-2015. Do vậy, sẽ có những chính sách để DN phát triển tốt hơn, đảm bảo mục tiêu mà Thủ tướng đang kêu gọi là minh bạch, thay đổi hình thức cổ phần hóa, bán vốn Nhà nước nhiều hơn và thay đổi về chất của quản trị DNNN… Câu chuyện về kêu gọi cải cách hành chính, hay áp dụng Chính phủ điện tử… đang được triển khai sẽ là những thuận lợi của DN trong năm 2015.
 
Nhưng với nhận định cẩn trọng hơn, ông Trung lưu ý một khó khăn khác là sức ép từ quá trình hội nhập. Năm nay, dự kiến ASEAN sẽ tuyên bố thành lập AEC. Các chuyên gia cho rằng, đây không phải là vấn đề mới và các nước trong khu vực đều đã chuẩn bị rất tốt, trong khi động thái này của DN Việt Nam còn rất mờ nhạt. Có ý kiến lo ngại rằng cũng giống như cách đây 10 năm, khi Việt Nam chuẩn bị vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chúng ta đã kêu gọi rất nhiều nhưng đã không tận dụng được một cách triệt để lợi ích khi tham gia tổ chức này.
 
“Nếu không chuẩn bị tốt thì khó tận dụng được cơ hội từ AEC. Về dài hạn, tham gia AEC sẽ rất tốt, DN có cơ hội đầu tư mới quy trình, sản xuất… Những DN còn ngủ quên trên chiến thắng chắc hẳn sẽ gặp khó khăn, vì tham gia sân chơi AEC không chỉ đòi hỏi năng lực tài chính mà cả năng lực bán hàng, giao tiếp...”, một chuyên gia phân tích.
Theo TBNH
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo