Nguy cơ “treo ao” cá tra
Vừa qua, việc Công ty TNHH An Khang và Công ty CP Thủy sản Bình An – Bianfishco (đều có trụ sở tại Khu Công nghiệp Trà Nóc, quận Ô Môn - TP Cần Thơ) lâm nợ đã làm nhiều nông dân nuôi cá tra dè dặt khi bán cá cho những công ty khác. Trong khi đó, ngân hàng cũng đã thắt chặt tín dụng cho doanh nghiệp (DN) và nông dân vay nên việc thu mua, chế biến cá tra gặp rất nhiều khó khăn.
Chỉ có lỗ
Hiện giá cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn ở mức 23.000-24.500 đồng/kg, trong khi 10 ngày trước là 26.000-27.000 đồng/kg. Ông Lê Minh Chiến, một người nuôi cá tra ở quận Ô Môn - TP Cần Thơ, rầu rĩ: “Trong 10 ngày qua, cứ vài ngày, giá cá sụt 500 đồng/kg. Trong khi chi phí đầu vào (thức ăn, thuốc…) ngày càng tăng, giá thành sản xuất hiện nay cũng lên đến 23.500 đồng/kg, nông dân chỉ có lỗ”.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, nông dân nuôi cá ở huyện Châu Phú - An Giang, cho biết: “Giá cá mua hợp đồng khoảng 24.500 đồng/kg nhưng nhiều nông dân yêu cầu công ty trả tiền mặt vì sợ lâm vào tình trạng như những nông dân bán cá cho Công ty TNHH An Khang và Bianfishco. Tuy nhiên, nếu trả tiền mặt thì chỉ 24.100 đồng/kg”.
Trong vụ cá tra năm nay, tỉnh Vĩnh Long thả nuôi 300 ha diện tích mặt nước. Nhiều nông dân tại tỉnh này cũng đang thấp thỏm vì giá cá tra giảm từng ngày, trong khi chi phí không ngừng tăng. Ông Liêu Cẩm Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, phân tích: “Bianfishco gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ nần cho nông dân đã tác động mạnh đến tâm lý người nuôi nên họ yêu cầu các công ty thủy sản khi mua cá phải trả tiền mặt. Trong khi đó, sau vụ Bianfishco, ngân hàng cũng thắt chặt tín dụng cho vay nên DN không có tiền, chỉ mua cầm chừng, dẫn đến việc giá cá tra sụt giảm”.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay của họ là tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp và chi phí sản xuất tăng cao… Ngoài ra, một số doanh nghiệp tự hạ giá xuất khẩu để giành hợp đồng, gây khó khăn cho xuất khẩu cá tra. “Trong thời gian tới, ngành xuất khẩu cá tra sẽ đối diện với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu” - vị này nhận định.
Diện tích nuôi ngày càng giảm
Một trong nhữn ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng số vốn cần cho việc đầu tư sản xuất cá tra trong năm 2012 là khoảng 26.000 tỉ đồng. Qua hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tập hợp nhu cầu vốn của nông dân và doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, cho đến nay, người nuôi cá lẫn doanh nghiệp vẫn hết sức khó khăn về vốn nên một số địa phương có diện tích nuôi ngày càng giảm.
Cụ thể, tỉnh An Giang chỉ còn 960 ha (bằng 96,1% so với năm 2011). Tính từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp trong tỉnh này đã xuất khẩu hơn 19.200 tấn cá tra, kim ngạch đạt hơn 55,2 triệu USD, chỉ bằng 73% về lượng và 83% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá tra Thới An (quận Ô Môn - TP Cần Thơ), mặc dù đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nhưng Hợp tác xã đã giảm diện tích nuôi còn 8 ha (bằng 1/3 so với trước đây) vì nghề này quá bấp bênh, nông dân đang đối mặt với nguy cơ phá sản. Còn tại Hợp tác xã nuôi cá tra Châu Phú - An Giang, trong vụ nuôi năm nay, sản lượng không tăng thêm. Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang cho biết giá cá tra nguyên liệu liên tục sụt giảm làm người nuôi thua lỗ, dẫn đến nguy cơ “treo ao”.
Theo Người lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo