Nguyên Bí thư Cao Bằng làm Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN
Theo Quyết định, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng Tổ công tác nói trên; tổ phó là ông Nguyễn Hoàng Anh (nguyên Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng), Chủ tịch của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; các tổ viên khác gồm các bộ trưởng, trưởng ngành như: Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Thành viên Tổ công tác gồm các thứ trưởng các bộ, người đứng đầu tập đoàn, doanh nghiệp (DN) như: Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và bà Hoàng Thị Ngân, Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính Nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ làm thư ký Tổ công tác.
Tổ công tác được thành lập có nhiệm vụ tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các công việc phục vụ việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và kết thúc nhiệm vụ khi hình thành được bộ máy của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN.
Đáng nói trong Quyết định số 66 của Thủ tướng, ông Nguyễn Hoàng Anh, được giao giữ chức Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước. Ông Hoàng Anh từng là Bí thư Cao Bằng, sinh năm 1963 tại huyện An Lão, TP. Hải Phòng.
Ông Hoàng Anh là thạc sĩ kinh tế, ông từng kinh qua nhiều chức vụ tại Quốc hội như Ủy viên chuyên trách Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng khóa XI; Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế...
Tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương cuối năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong quý I/2018, Chính phủ sẽ công bố thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN.
Theo dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 được Chính phủ đưa ra lấy ý kiến tại phiên họp mới đây, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN sẽ được tổ chức phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DN nhà nước và vốn đầu tư Nhà nước vào DN.
"Siêu" Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN là mô hình được Bộ KH&ĐT đưa ra lấy ý kiến trong dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Đây được xem là cơ quan chuyên trách quản lý DN nhà nước có sự tách bạch quyền sở hữu với quyền điều hành chính sách, có quy mô vốn và tài sản tại các DN lên tới 5 triệu tỷ đồng.
Theo Dự thảo Nghị định mà Bộ KH&ĐT soạn ra, dự kiến 30 DN và vốn nhà nước tại DN sẽ chuyển giao cho Ủy ban này quản lý, trong đó có 9/10 tập đoàn kinh tế (ngoại trừ Viettel là doanh nghiệp quốc phòng) và 21 tổng công ty đang thuộc sự quản lý của 7 bộ: Công Thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng và Y tế.
Đáng chú ý, trong danh sách này cơ quan trực thuộc "siêu" ủy ban, có cả SCIC, doanh nghiệp được thành lập để nắm vốn Nhà nước và thực hiện các chức năng tương tự như của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước thời gian qua.
End of content
Không có tin nào tiếp theo