Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhà máy Mía đường 333 (Đắk Lắk) đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh

Nhà máy Đường 333 thuộc Công ty CP Mía đường 333 được xây dựng từ năm 1994 và chính thức đi vào hoạt động từ vụ mía năm 1997-1998 với công suất 500 tấn mía cây/ ngày. Đến cuối năm 2017, nhà máy đã được công ty đầu tư nâng cấp toàn bộ trang thiết bị hiện đại nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ghi nhận, ủng hộ, đồng thời giảm thiểu đáng kể những tác động đến môi trường.

Hiện nay, công suất tiêu thụ nguyên liệu mía của Nhà máy Đường 333 đã được nâng lên 3.500 tấn/ngày, gấp 7 lần so với năm đầu hoạt động. Đây là bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển của Nhà máy cũng như của doanh nghiệp sau nhiều lần đổi tên và tích cực thực hiện cổ phần hóa theo chủ trương chung của Chính phủ. Ông Đoàn Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường 333, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Sau khi cổ phần 100% vốn tư nhân, Công ty đã tái cơ cấu lại công tác tổ chức và đầu tư đổi mới toàn bộ trang thiết bị hiện đại cho Nhà máy để thích nghi với tình hình sản xuất kinh doanh trong thời kỳ hội nhập. Toàn bộ trang thiết bị của Nhà máy đã được thay thế bằng công nghệ mới của Ấn Độ và của châu Âu nên đã nâng cao được hiệu quả sản xuất và giảm thiểu được những tác động xấu đến môi trường”.

Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại nên khí thải, nước thải hoạt động SX mía đã giảm đáng kể nguồn gây ô nhiễm môi trường

Theo đó, việc sản xuất chế biến đường của Nhà máy đã sử dụng nguồn điện tự sản xuất được từ phế phẩm bã mía với công suất 7 MW điện/h. Nguồn điện tự sản suất được không những đủ đáp ứng cho tất cả các hoạt động của Nhà máy mà còn có thể cung ứng ra bên ngoài, mang lợi nhuận về cho đơn vị. “Bã mía chúng tôi dùng để đốt lò hơi và phát ra điện phục vụ cho sản xuất nên không còn phải bận tâm đến việc thu gom và tìm đối tác để bán như trước đây. Ngoài ra, theo dự kiến trong quý I hoặc quý II/2018, nguồn điện của Nhà máy cũng sẽ được hòa vào lưới điện quốc gia sau khi đã được sự chấp thuận của ngành điện”, ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Nhà máy Mía đường 333 chia sẻ. 

Máy phát điện sử dụng nguyên liệu bã mía của Nhà máy Đường 333

Trong lĩnh vực môi trường, Nhà máy Đường 333 còn ứng dụng nhiều thiết bị công nghệ mới vào việc xử lý giảm thiểu tiếng ồn, khói, bụi và hạn chế các chất thải khác. Theo tính toán, để sản xuất được 100kg đường cần phải sử dụng 1 tấn mía nguyên liệu và rất nhiều nguyên liệu đầu vào khác... 

Toàn bộ lượng nước làm mát dây chuyền sản xuất đường trước đây đều bị thải loại ra môi trường sau một thời gian ngắn sử dụng, nhưng nay, để khắc phục tình trạng đó, ông ty đã lắp đặt hệ thống giải nhiệt tuần hoàn với công suất 3.500 m3/h, nhờ đó, lượng nước sau khi tham gia vào quá trình làm mát dây chuyền sản xuất đã bị nóng lên, sẽ được chuyển về hệ thống giải nhiệt và được đưa trở lại phục vụ dây chuyền. Đây cũng là một bước tiến mới trong việc sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước ở Công ty CP Mía đường 333. 

Ngoài ra, trong giai đoạn hội nhập toàn cầu hiện nay, để có thể tồn tại và phát triển, cùng với đổi mới công nghệ và sắp xếp lại nguồn nhân lực, Công ty CP Mía đường 333 cũng đã có nhiều đổi mới trong tổ chức sản xuất nguyên liệu cho nhà máy. Công ty đang đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mía, như chuyển giao và nhân rộng cho người trồng một số loại giống có năng suất và chất lượng tốt từ Thái Lan; khuyến khích sử dụng cơ giới hóa vào việc trồng, chăm sóc và thu hoạch để giảm thiểu ngày công lao động… 

 

Ông Đoàn Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường 333

“Những hạn chế nêu trên đã được Công ty CP Mía đường 333 giải quyết bằng việc đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, đầu tiên là kiểm soát các nguồn ô nhiễm, sau đó đưa về hệ thống xử lý bằng công nghệ vi sinh cộng với hóa lý làm cho nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Về mặt quản lý thì công nhân, người lao động ở các cương vị làm việc phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc quản lý ô nhiễm môi trường ở tất cả các nguồn, gồm chất thải rắn, nước thải và các nguồn gây ô nhiễm” ông Nguyễn Xuân Minh cho biết thêm.

Hiện Công ty đã phối hợp với các huyện Ea Kar, M’Drắk (tỉnh Đắk Lắk) tạo lập được vùng nguyên liệu mía hơn 10.000 ha. Bên cạnh đó, Công ty cũng đang giải quyết việc làm cho trên 300 lao động tại Nhà máy và trên 15.000 hộ dân khác thông qua các dịch vụ vận chuyển, đốn chặt và trồng mía…  

Sản phẩm đường trắng của Công ty CP Mía đường 333 ngày càng có nhiều khách hàng sử dụng

Đến nay, Nhà máy Mía đường 333 đã tổ chức tốt các hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với yêu cầu phát triển của đơn vị trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, khắc phục được những hạn chế, bất cập lâu nay của ngành mía đường Việt Nam, rút ngắn thời gian thu hoạch mía, giải quyết tốt đầu ra về sản phẩm cho người trồng tại các vùng nguyên liệu, thúc đẩy các dịch vụ đi kèm như vận tải, thu hoạch, việc làm cho người dân. Cùng với đó, quá trình sản xuất kinh doanh của Công ty đã gắn được với việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu những tác động bất lợi do hoạt động sản xuất mía đường gây ra.

 

Nên đọc


Nguyễn Hiếu (Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo