Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhà nước giữ 51% vốn điều lệ Vinafor sau cổ phần hóa

(DNVN) - Nhà nước sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ; 40% vốn điều lệ sẽ được bán cho nhà đầu tư chiến lược; người lao động thường xuyên, người nhận khoán trong doanh nghiệp sẽ sở hữu 2% và 0,045% bán cho tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp, còn lại bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) với hình thức bán bớt một phần vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp và kết hợp phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ.

Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - CTCP có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng tương ứng 350 triệu cổ phần theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.

Trụ sở Vinafor.

Trong đó, cổ phần nhà nước là 178,5 triệu cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ; 24.342.700 cổ phần bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư thông thường, chiếm 6,955% vốn điều lệ; 6.997.300 cổ phần bán ưu đãi cho người lao động thường xuyên, người nhận khoán trong doanh nghiệp, chiếm 2% vốn điều lệ; 160.000 cổ phần bán cho Tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp, chiếm 0,045% vốn điều lệ; 140 triệu cổ phần bán cho nhà đầu chiến lược, chiếm 40% vốn điều lệ.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quyết định tiêu chí và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo quy định của pháp luật hiện hành. 

Thời gian bán cổ phần trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày Phương án cổ phần hóa được phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định và chịu trách nhiệm về mức giá khởi điểm bán đấu giá, chỉ đạo Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức, triển khai bán cổ phần ra công chúng.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Công ty cổ phần chỉ đạo thực hiện việc đăng ký giao dịch và niêm yết cổ phiếu của Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Công ty cổ phần theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Quyết định 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước.

Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động có tên trong danh sách người lao động thường xuyên tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 1.076 người; tổng số lao động chuyển sang Công ty cổ phần là 771 người; tổng số lao động không chuyển sang công ty cổ phần là 305 người.

 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam rà soát phương án sắp xếp lao động, xác định số dư Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, phương án chia số dư các quỹ trên (nếu có) theo quy định và thực hiện chế độ đối với người lao động không chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần theo đúng chế độ nhà nước quy định. Nguồn kinh phí chi trả cho người lao động không chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần thực hiện theo quy định hiện hành, trường hợp quỹ hỗ trợ mất việc làm của doanh nghiệp thiếu thì sử dụng từ nguồn thu bán vốn nhà nước.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo