Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhà quản lý nói chuyện trên trời, doanh nghiệp sống dưới đất

Câu chuyện ồn ào hiện nay xung quanh dự thảo Nghị định Phát triển và quản lý hệ thống ngành phân phối do Bộ Công Thương chịu trách nhiệm soạn thảo cho thấy, cơ quan quản lý cứ thích nói chuyện trên trời, còn doanh nghiệp lại đang sống dưới mặt đất.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, người đã rất quen thuộc với giới quản lý cũng như doanh nghiệp sản xuất, phân phối từng kể một câu chuyện thế này. Lần đó, một trung tâm thương mại của Thái Lan khai trương ở TP.HCM, bà và ông tổng giám đốc người Pháp, vốn chỗ thân tình cùng nhau đi ăn trưa sau buổi lễ. Vị này từng vài bận trực tiếp có mặt ở hội nghị kết nối cung cầu, say sưa thử các sản phẩm đặc sản Việt Nam, khen ngợi cơ sở sản xuất và tuyên bố hệ thống siêu thị ông quản lý rất cần những sản phẩm ngon, tốt như thế này. Bà Hạnh hào hứng chia sẻ rằng, bà sẽ giới thiệu cho ông những nhà sản xuất đang đứng đầu trong hội, sản phẩm xuất Tây, xuất Đông... để đưa vào bán ở trung tâm thương mại mới khai trương. Nhưng, ông tổng giám đốc phì cười trả lời: không có chuyện đó! Hầu hết hàng có mặt trong trung tâm thương mại mới này là hàng có... thương hiệu, được nhập khẩu từ nước ngoài và đã đi cùng với thương hiệu trung tâm thương mại này ở nhiều nước, tức là đã có hệ thống. Hơn thế, ông cũng nói thẳng, khách hàng của ông ít chọn mua hàng Việt Nam. Bà Hạnh kết thúc câu chuyện bằng câu hỏi đầy trăn trở: “Yêu, thương nhưng thương hiệu thiếu sức cạnh tranh thì nâng đỡ làm sao?”.

Kể lại câu chuyện nhỏ trên để khẳng định rằng, người tiêu dùng, chứ không phải là chủ siêu thị, lãnh đạo đơn vị xúc tiến là người quyết định tối cao chuyện họ muốn mua gì, cần loại hàng hóa nào, chất lượng và nguồn gốc ra sao, mua ở đâu thì nhiều sự lựa chọn... (trừ trường hợp ở phạm trù khác là bị lừa đảo - treo đầu dê bán thịt chó). Và chủ siêu thị, nhất là những người dày dạn kinh nghiệm, là người hiểu rõ nhất, biết rõ nhất khách hàng của mình là ai, đang cần gì để... phục vụ. Mọi quyết định bán cái gì, bán ra sao sẽ chỉ tuân theo nguyên tắc này, rất thị trường.

Người tiêu dùng, chứ không phải là chủ siêu thị, lãnh đạo đơn vị xúc tiến là người quyết định tối cao chuyện họ muốn mua gì, cần loại hàng hóa nào, chất lượng và nguồn gốc ra sao, mua ở đâu thì nhiều sự lựa chọn... Ảnh: Thành Hoa.

Vì vậy, cơ quan chức năng mà đòi siêu thị “phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam” như trong dự thảo nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối đang gây sốt trong dư luận những ngày qua chẳng khác nào đang nói chuyện... trên trời. Vốn dĩ lâu nay, chuyện dưới mặt đất là, hàng Trung Quốc, hàng Thái, hàng Mỹ (gia công ở công xưởng lớn nhất thế giới), hàng Việt Nam sản xuất ở Việt Nam... đều được bán, vì người tiêu dùng cần. Những doanh nghiệp Việt Nam, đủ các quy mô, từ tỉ đô la Mỹ đến dăm bảy tỉ đồng Việt Nam, cạnh tranh lại với các nhà sản xuất nước ngoài ngay trên sân nhà là vì có chất lượng sản phẩm đủ tốt, giá đủ hợp lý để được người tiêu dùng chọn mua, hoàn toàn không phải vì có “xuất thân” là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tương tự như vậy, những đòi hỏi khác như “mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối”; “có diện tích kinh doanh từ 250 mét vuông đến 10.000 mét vuông”; “các dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua Internet, qua bưu điện, điện thoại”... cũng rất phi thị trường. Chuyện siêu thị mở cửa, đóng cửa giờ nào, có bán hàng qua Internet, qua bưu điện hay điện thoại hay không... sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào hai yếu tố quan trọng nhất, là khách hàng của họ có cần, muốn như vậy hay không và doanh thu/lợi nhuận từ số lượng những người mong muốn như trên có đủ bù đắp cho chi phí đầu tư trong hiện tại, tương lai hay không.

Bên cạnh đó, yêu cầu “phải có ít nhất một giám đốc hoặc thành viên hội đồng quản trị là người Việt; nhân viên các cấp có trên 50% là người Việt; sử dụng dịch vụ liên quan đến pháp lý hoặc chuyên môn khác của các công ty địa phương tại Việt Nam” hay không được tổ chức quá ba đợt giảm giá trong năm, mỗi lần phải được cơ quan chức năng chấp thuận và phải có ít nhất 70% hàng hóa được giảm giá trong mỗi đợt như vậy... là xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do kinh doanh, quyền tự quyết trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều đó cũng tạo ra hàng loạt hệ lụy về việc phải thực hiện thủ tục hành chính hay triền miên tiếp đón các đoàn thanh kiểm tra, không còn thời gian điều hành, kinh doanh.

Sau tất cả, các doanh nghiệp tư nhân đều “lời ăn - lỗ chịu, đâu được cơ quan quản lý đỡ đầu bảo lãnh cho vay nợ hàng ngàn tỉ đồng, như doanh nghiệp nhà nước thuộc bộ.

Vấn đề là, những tư duy quản lý vừa xuất hiện trong dự thảo nghị định kể trên đã đi ngược lại những gì cơ quan chức năng đã thể hiện nhiều năm qua. Trước giờ, ngành công thương đã nhiều lần nghe doanh nghiệp sản xuất than thở rằng, các chuỗi siêu thị “chơi không đẹp”, ép chiết khấu, ép điều kiện giao hàng... đủ kiểu. Câu trả lời của ngành luôn (và rất nên) là cơ quan chức năng không thể can thiệp vì đó là mối quan hệ cung - cầu giữa hai bên, thuận mua, vừa bán. Những tư duy quản lý vừa xuất hiện trong dự thảo nghị định kể trên cũng vô cùng mâu thuẫn với những quy định đã được ban hành trong các văn bản quy phạm pháp luật khác.

 

Tư duy quản lý kỳ lạ đó, cùng với những trói buộc khác trong Nghị định 09/2018 về hoạt động mua bán hàng hóa của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nói như một chuyên gia bán lẻ, là sẽ làm chùn chân các nhà đầu tư ở lĩnh vực này. Tiềm năng của ngành bán lẻ Việt Nam, như bao nhiêu người từng nói, cuối cùng vẫn dừng ở những nhà đầu tư nho nhỏ, vừa vừa...

Tư duy quản lý kỳ lạ đó, cùng với những quy định trái khoáy trong các văn bản khác, trong đó mới nhất là Nghị định 81 về hoạt động xúc tiến thương mại (không cho khuyến mãi quá 50% giá trị hàng hóa) cho thấy, qua bao nhiêu năm vật đổi sao dời, đã đến giai đoạn thương mại điện tử xuyên biên giới mà cơ quan quản lý vẫn còn suy nghĩ như thời cách mạng 1.0. Nếu vậy thì quá nguy hiểm cho các nhà phân phối, sản xuất. Ít nhất là trong chuyện bị người tiêu dùng... nghỉ chơi. 

Nên đọc
Theo Kinh tế Sài Gòn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo