Nhà thầu Hàn Quốc sa lầy tại nhiều dự án giao thông
Nhận định này được đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đưa ra tại Hội nghị Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng một số dự án kết cấu hạ tầng giao thông với sự tham gia của nhà thầu nước ngoài do Bộ này tổ chức tại Hà Nội vào giữa tuần này.
Phần lớn thời gian của Hội nghị kéo dài 4 tiếng này chỉ xoay quanh câu chuyện bê trễ tiến độ của các nhà thầu Hàn Quốc tại 3 dự án đường cao tốc lớn là Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.
Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải buộc phải đưa ra những đánh giá như trên khi Posco, Keangnam, Doosan… đã bị các chủ đầu tư chỉ đích danh là những nhà thầu quốc tế yếu kém nhất tại các dự án đường cao tốc nói trên.
Theo báo cáo của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), khối lượng thi công tại Dự án Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai của các nhà thầu Hàn Quốc là Posco (thi công 3 gói thầu: A1, A2, A3), Keangnam (thi công 2 gói thầu: A4, A5) và Doosan (thi công gói thầu A6) đang tụt khá xa so với mặt bằng thi công chung toàn dự án và nhiều khả năng không thể hoàn thành tiến độ hợp đồng.
Cầm “đèn đỏ” tại Dự án có tổng mức đầu tư 20.000 tỷ đồng này là Keangnam. Sau 20 tháng thi công, khối lượng thực hiện của Keangnam tại gói thầu A5 mới đạt 4,9% giá trị hợp đồng.
Tình hình thi công của các nhà thầu Hàn Quốc tại Dự án Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây có tổng mức đầu tư 15.010 tỷ đồng cũng do VEC làm chủ đầu tư tuy có khá hơn, nhưng lại xảy ra một tình huống hy hữu.
Tại Dự án này, liên danh nhà thầu đến từ Hàn Quốc là Pumyang – Sungjee thậm chí còn bị phá sản giữa chừng, đẩy chủ đầu tư phải khốn khổ tổ chức tuyển chọn lại nhà thầu, vừa mất thời gian, vừa đội thêm chi phí.
Sự yếu kém của các nhà thầu Hàn Quốc không chỉ bộc lộ rõ trên công trường, mà còn được thể hiện ở việc không tuân thủ được những điều kiện tối thiểu của hợp đồng, như huy động máy móc, thiết bị; tài chính đã cam kết với chủ đầu tư.
Xét tổng thể, không chỉ Keangnam, nhiều nhà thầu Hàn Quốc dù lọt qua các cuộc đấu thầu cạnh tranh quốc tế hết sức gắt gao đã không chứng tỏ sự vượt trội về năng lực thi công, năng lực tài chính so với các nhà thầu nội.
Lý giải cho việc “đột ngột” sa lầy tại 3 dự án nói trên, đại diện các nhà thầu Hàn Quốc cho rằng, họ phải mất khá nhiều thời gian để “thích nghi” với môi trường thi công tại Việt Nam, dù các điều kiện hợp đồng cơ bản được áp theo thông lệ quốc tế.
Cả Posco, Doosan, Keangnam.. đều là những “tân binh” tại thị trường xây dựng, nên không dễ bắt kịp với “điều kiện” làm việc tại Việt Nam, trong đó có chuyện mặt bằng thường bàn giao trễ, biến động giá mạnh...
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, việc các nhà thầu Hàn Quốc nêu những lý do trên là khá bao biện, bởi khi tham gia đấu thầu họ có đủ thời gian tìm hiểu thực địa và các điều kiện thi công tại Việt Nam. Trên thực tế, nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng nhà thầu Hàn Quốc tỏ ra đuối sức chỉ sau vài tháng thi công là do giá bỏ thầu quá thấp.
“Giá thầu quá thấp khiến các nhà thầu Hàn Quốc chỉ có thể thuê được nhà thầu “lông gà”, “lông vịt”, thậm chí phải chấp thuận băm nát công địa cho vừa năng lực hàng chục nhà thầu phụ”, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC cho biết.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, để cứu tiến độ các gói thầu, đã đến lúc các nhà thầu Hàn Quốc phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận, bổ sung thêm tài chính bù đắp cho những thiếu hụt. Nếu họ bị loại ra khỏi dự án, tổn thất về uy tín, tài chính của các nhà thầu là rất lớn, bởi họ sẽ bị đưa vào “danh sách đen”, khó có thể tham gia các dự án tiếp theo của nhà tài trợ ADB.
“Do Bộ Giao thông - Vận tải kiên quyết không lùi tiến độ các dự án, nên nếu tiến độ không được cải thiện, VEC sẽ buộc phải “trảm” một số nhà thầu chính yếu kém, dù đây là điều chủ đầu tư không mong muốn”, ông Tuấn Anh nói.
Theo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo