Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhập khẩu phế liệu phải ký quỹ từ 10% - 20% giá trị lô hàng

Từ ngày 15/6, các tổ chức, cá nhân sản xuất trong lĩnh vực nhựa, giấy, sắt thép phế liệu buộc phải ký quỹ tối đa 20% trên tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Đó là nội dung vừa được Chính phủ đưa ra tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6 tới.
 
Nghị đinh nêu rõ, mỗi tổ chức, cá nhân nhập khẩu sắt, thép phế liệu phải thực hiện ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu cho khối lượng nhập khẩu dưới 500 tấn, 15% cho khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn đến dưới 1.000 tấn và 20% cho khối lượng nhập khẩu từ 1.000 tấn trở lên.
 
Tương tự, mỗi tổ chức, cá nhân nhập khẩu giấy phế liệu và nhựa phế liệu khi nhập khẩu dưới 100 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng; nhập khẩu từ 100 tấn đến dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 18% tổng giá trị lô hàng; nhập khẩu từ 500 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng.
 
 
Nghị định cũng quy định tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải thực hiện ký quỹ trước khi tiến hành thủ tục thông quan phế liệu nhập khẩu ít nhất 15 ngày làm việc. Các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu thực hiện ký quỹ tại Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc ngân hàng thương mại nơi tổ chức, cá nhân mở tài khoản giao dịch chính. Tiền ký quỹ được nộp, hoàn trả bằng tiền đồng Việt Nam và được hưởng lãi suất không kỳ hạn kể từ ngày ký quỹ.
 
Trường hợp phế liệu nhập khẩu không được thông quan hoặc không thể tái xuất, khoản tiền ký quỹ được sử dụng để thanh toán chi phí xử lý phế liệu vi phạm. Nếu số tiền ký quỹ không đủ thanh toán toàn bộ các chi phí, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu có trách nhiệm tiếp tục thanh toán. Mặt khác, nếu số tiền ký quỹ còn thừa sau khi thanh toán các chi phí, thì số tiền còn lại được hoàn trả cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu.
 
Ngoài việc phải ký quỹ, tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất còn phải đáp ứng các điều kiện về kho, bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu; công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định; có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
 
Trường hợp không có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm thì phải chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để xử lý; có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
 
Được biết, mục đích của việc ký quỹ này là để bảo đảm tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu.
 
Sau khi có quy định, nhiều tổ chức đã thể hiện sự không đồng tình khi cho rằng quy đình trên sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đại diện công ty Thành Phát cho rằng: "Chúng tôi biết rằng mục đích của việc ký quỹ này là để bảo đảm tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm xử lý rủi ro. Nhưng việc phải thu gom hàng nghìn tấn phế liệu vào diện phải ký quỹ sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp".
 
"Hiện nay, các doanh nghiệp đều vay vốn lưu động để kinh doanh và nhập khẩu phế liệu. Theo quy định này, thì việc phải bỏ ra một khoản tiền mặt khá lớn để ký quỹ sẽ làm những doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Cơ quan chức năng nên áp dụng biện pháp rút giấy phép kinh doanh đối với những doanh nghiệp cố tình vi phạm thay vì buộc các doanh nghiệp phải ký quỹ như quy đinh này", đại diện một công ty khác cũng cho hay.
 
Hòa Hậu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo