Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhật Bản cấp vốn ODA cao kỷ lục cho Việt Nam trong năm 2011

Trong năm tài khóa 2011, Nhật Bản đã cung cấp 270 tỷ yên (3,4 tỷ USD) vốn ODA cho 16 dự án tại Việt Nam. Đây là mức cao kỷ lục trong lịch sử cung cấp ODA ra nước ngoài của Nhật Bản.

Nhân dịp Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) 2012 được tổ chức tại Thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Ngài Yasuaki Tanizaki trao đổi với phóng viên về tình hình sử dụng vốn ODA Nhật Bản tại Việt Nam.

 

Thưa Đại sứ, Đại sứ có bình luận gì về tình hình sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản tại Việt Nam?

 

Nhật Bản đã cung cấp ODA cho nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, và đặc biệt, Nhật Bản đã trú trọng tới lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, vì lĩnh vực này cực kỳ quan trọng đối với việc phát triển kinh tế – xã hội của bất kỳ quốc gia nào.

 

Nhật Bản đã và đang hỗ trợ nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn tại Việt Nam, trong đó có các dự án cảng biển tại Hải Phòng, Quốc lộ 5, Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trong quá khứ và Đường cao tốc Bắc Nam, Cảng Cái Mép - Thị Vải và Cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) hiện nay.

 

Các dự án này được coi là các dự án trọng điểm của hệ thống giao thông tại Việt Nam. Tôi cảm thấy tự hào rằng, vốn ODA của Nhật Bản đã được sử dụng rất hiệu quả đối với các dự án ưu tiên cao này.

 

Với sự tham gia của nhiều nhà thầu Nhật Bản trong quá trình xây dựng các dự án này, tôi tin tưởng rằng, cho đến nay, chúng ta đã làm được nhiều công trình một cách rất hiệu quả và có chất lượng cao.

 

Tuy nhiên, việc thực hiện một số dự án vẫn chưa đạt được tiến độ theo yêu cầu, và các dự án này đang có xu hướng ngày càng tăng lên. Việc thực hiện chậm trễ các dự án này là do các vấn đề về thu hồi đất và tái định cư, và chúng ta phải giải quyết các vướng mắc này để cải thiện hiệu quả đầu tư.

 

Cùng với việc thực hiện hiệu quả thì việc hoạch định chiến lược cho ODA cũng rất cần thiết. Chúng ta phải lựa chọn các dự án phù hợp trong nhiều dự án khác nhau để có thể tập trung nguồn lực cho các dự án này.

 

Do vậy, vào tháng 4 vừa rồi, tôi đã có một cuộc họp song phương với phía Việt Nam để bàn về chính sách cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Cuộc họp này nhằm thúc đẩy việc phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam một cách hiệu quả và chiến lược hơn. Hai bên đã trao đổi các quan điểm từ giai đoạn đầu của việc hoạch định dự án.

 

Cuộc họp đầu tiên do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và tôi đồng chủ trì, đã được tổ chức rất thành công với sự tham gia tích cực của các quan chức có trách nhiệm đến từ nhiều bộ, ngành liên quan

 

. Đây là cơ hội rất hữu ích và có ý nghĩa cho hai bên thảo luận các dự án cơ sở hạ tầng ngay ở giai đoạn đầu. Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục tổ chức những cuộc họp tương tự như thế này.

 

Cho đến nay, tình hình giải ngân tại các dự án nêu trên tiến triển thế nào, thưa Đại sứ?

 

Con số giải ngân thực tế sẽ được chốt thông qua quá trình đấu thầu, nhưng tôi có thể nói rằng, con số chi phí tối đa của 5 Dự án, gồm Dự án đường Hà Nội - Thái Nguyên, Cảng Cái Mép - Thị Vải, Đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, Dự án xây dựng đường nối cầu Nhật Tân và Sân bay Nội Bài, và Dự án xây dựng nhà ga T2 Nội Bài, đến nay là 140 tỷ yên, tức là khoảng 1,8 tỷ USD.

 

Về tổng thể, kể từ năm 1992, khi Nhật Bản nối lại việc cung cấp ODA cho Việt Nam, Nhật Bản đã cung cấp khoảng 23 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam. Trong năm tài khóa 2011, Nhật Bản đã cung cấp 270 tỷ yên (3,4 tỷ USD) vốn ODA cho 16 dự án tại Việt Nam. Đây là mức cao kỷ lục trong lịch sử cung cấp ODA ra nước ngoài của Nhật Bản.

 

Thời gian tới, Nhật Bản sẽ hướng vốn ODA tới lĩnh vực nào tại Việt Nam?

 

Nhật Bản sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển cơ sở hạ tầng. Việc hỗ trợ thêm về tài chính ở một mức độ nhất định là rất cần thiết đối với các dự án mà Nhật Bản đã và đang hợp tác, bao gồm các dự án lớn nói trên.

 

Còn nhiều dự án rất quan trọng nữa ở phía trước, như Sân bay Long Thành ở tỉnh Đồng Nai và các dự án đường sắt đô thị ở các thành phố lớn. Do vậy, chúng tôi mong muốn thắt chặt hợp tác hiệu quả hơn nữa, trong đó có sự hợp tác của các nhà đầu tư tư nhân.

 

Ngoài ra, Nhật Bản đang hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực y tế, thông qua hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho ba bệnh viện lớn là Bạch Mai (Hà Nội), Trung ương Huế (Thừa Thiên-Huế) và Chợ Rẫy (TPCHM); chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin cho Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế tại Hà Nội. Nhật Bản cũng đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng các trường học và trạm xá ở các vùng nông thôn.

 

Khi cung cấp ODA cho Việt Nam thì Chính phủ Nhật Bản có gặp khó khăn gì không, thưa Đại sứ?

 

Để khuyến khích nhiều đầu tư tư nhân từ Nhật Bản vào Việt Nam, các bạn cần phải có nhiều giải pháp phù hợp hơn, như việc đơn giản hóa các thủ tục và giảm thiểu các rủi ro cho khu vực kinh tế tư nhân. Trên phương diện này, chúng tôi kỳ vọng rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài nói chung, và cho các công ty Nhật Bản nói riêng.

 

Quan hệ tốt đẹp hôm nay giữa hai nước chúng ta được kết nối bởi lòng tin sâu sắc, và tôi cũng sẽ làm hết sức mình để xây dựng mối quan hệ này, nhằm đem lại lợi ích to lớn hơn nữa cho cả hai bên.

 

 

 

Theo Đầu tư

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo