Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhật Bản đầu tư 4,2 tỷ USD vào Đồng Nai

Những năm gần đây, đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Đồng Nai tăng nhanh, phần lớn tập trung vào các lĩnh vực: công nghiệp hỗ trợ máy móc, thiết bị và phụ tùng, điện tử, linh kiện điện tử... Đây là nhóm ngành mà tỉnh đang ưu tiên mời gọi.

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, tính đến đầu tháng 6/2018 các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào Đồng Nai gần 240 dự án với tổng vốn đăng ký trên 4,2 tỷ USD, xếp thứ 3 trong hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai. Những dự án của doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào tỉnh hầu hết có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và sử dụng ít lao động.

Nhiều thế mạnh trong thu hút vốn

Người Nhật Bản nổi tiếng thế giới về tính cẩn trọng, vì thế khi đầu tư ra nước ngoài sẽ lựa chọn rất kỹ, đó cũng là nguyên nhân khiến các công ty, nhà máy của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam rất ít thất bại. Đồng Nai là điểm đến được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn vì là nơi có nhiều thuận lợi về giao thông, khí hậu, các khu công nghiệp có hạ tầng hiện đại. Bên cạnh đó, tỉnh còn là “cái nôi” phát triển công nghiệp nhất cả nước nên khi đầu tư vào đây, doanh nghiệp dễ dàng mua nguyên liệu, đồng thời cung ứng sản phẩm cho những doanh nghiệp khác.

Sản xuất công nghiệp hỗ trợ tại doanh nghiệp Nhật Bản ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch).

Ông Ariga Masahiro, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Forval Việt Nam, Trưởng ban Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ kiêm thành viên ban lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản tại Đồng Nai, cho hay: “Khoảng 4 năm gần đây, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đến Đồng Nai đầu tư rất đông và đây sẽ tiếp tục là điểm được lựa chọn nhiều. Đa phần DN Nhật Bản đầu tư vào Đồng Nai hiệu quả, sau đó liên tục mở rộng sản xuất, điều này  đã giúp những doanh nghiệp đang cân nhắc chọn địa điểm, an tâm thuê đất làm nhà xưởng sản xuất tại tỉnh nhiều hơn”.

Tập đoàn Forval từng hỗ trợ tư vấn cho hơn 50 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nhật Bản và làm cầu nối đưa nhiều doanh nghiệp Nhật Bản vào Đồng Nai. Bên cạnh những ưu điểm về hạ tầng, khí hậu, đất đai, một thế mạnh khác là chính quyền tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, những khó khăn, vướng mắc kịp thời được tháo gỡ. Đó cũng là một trong những yếu tố để các doanh nghiệp Nhật Bản chọn Đồng Nai là nơi đặt trụ sở công ty, nhà máy để hoạt động, sản xuất - kinh doanh.

Ông Masahico Kamata, Tổng giám đốc Công ty TNHH đầu tư Long Đức (huyện Long Thành) - doanh nghiệp đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Long Đức, cho hay: “Đa số các doanh nghiệp thuê đất trong khu công nghiệp là doanh nghiệp Nhật Bản. Sau vài năm hoàn thành hạ tầng khu công nghiệp đã lấp đầy. Công ty đang đề nghị tỉnh cho mở rộng Khu công nghiệp Long Đức vì có những doanh nghiệp Nhật Bản tại đây muốn mở rộng sản xuất và một số muốn đầu tư mới”.

Theo nghiên cứu, đặc trưng thổ nhưỡng của Đồng Nai thuộc dạng cao, cứng nên các công ty đầu tư xây dựng nhà xưởng nhanh, ít tốn kém, có những doanh nghiệp chỉ trong khoảng 5-8 tháng đã xây dựng xong nhà xưởng đưa vào hoạt động, tiết kiệm thời gian và vốn đầu tư bỏ ra ban đầu.

Muốn liên kết với doanh nghiệp Việt

 

Đến nay, hầu hết các tập đoàn lớn của Nhật Bản đã đầu tư vào tỉnh đều tương đối thành công như: Ajinomoto, Forval, Sojitz, Kobelco, Daiwa, Fujitsu... và đang tiếp tục mở rộng. Sắp tới, Đồng Nai sẽ còn tiếp tục đón nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản trên các lĩnh vực khác là dịch vụ, thương mại.

“Có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhờ hiệp hội tìm hiểu, cung cấp các thông tin về chính sách thu hút đầu tư của tỉnh và dự tính sẽ đầu tư. Do đó, thời gian tới sẽ có làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Đồng Nai khá đa dạng gồm công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics” - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM Kadowaki Keiichi chia sẻ.

Hiệp hội hiện có số thành viên lên đến gần 1 ngàn doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam, trong đó có gần 150 doanh nghiệp Nhật Bản tại Đồng Nai.

Ông Kuga Shohei, Tổng giám đốc Công ty TNHH YKK Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch), Trưởng nhóm doanh nghiệp Nhật Bản tại Đồng Nai, nhận định: “Các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào tỉnh nguyên liệu sản xuất đa số phải nhập khẩu từ nhiều nước. Do đó, các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn tìm được nguyên liệu tại Việt Nam và ở Đồng Nai là tốt nhất vì chủ động được sản xuất, tiết kiệm thời gian vận chuyển nguyên liệu từ nước khác về”.

 

Hiện tại, xu hướng chung là các doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm đối tác tại Việt Nam nhằm liên kết cung ứng nguyên phụ liệu cho mình; đồng thời sẽ bán sản phẩm cho doanh nghiệp trong nước. Nếu những kết nối này thành công, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm thị trường nội địa mà không tốn nhiều chi phí ra nước ngoài tìm kiếm đối tác, trong khi đó doanh nghiệp Nhật Bản cũng có nguồn nguyên liệu tại Việt Nam.

Lợi thế của điều này là doanh nghiệp Nhật Bản có thể chủ động sản xuất nhằm dễ dàng hưởng các ưu đãi về thuế khi xuất khẩu hàng hóa vào những nước Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước, vì vậy các doanh nghiệp đang có nhu cầu giới thiệu sản phẩm có thể đăng ký với các cơ quan chuyên trách như Sở Công thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết thời gian tới tỉnh sẽ tổ chức các hội nghị giao thương giữa doanh nghiệp Nhật Bản trong và ngoài tỉnh với doanh nghiệp Việt tại Đồng Nai để 2 bên có thể trưng bày sản phẩm, gặp gỡ liên kết với nhau. Ông Vĩnh cũng đề nghị phía Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM tổng hợp danh sách các mặt hàng doanh nghiệp Nhật Bản đang cần để giới thiệu với những nhà sản xuất trong nước.
Nên đọc
Theo Báo Đồng Nai
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo