Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư hạ tầng khu công nghiệp

Một số nhà phát triển hạ tầng khu công nghiệp của Nhật Bản đang bước vào thị trường Việt Nam để đón đầu xu hướng đầu tư của doanh nghiệp nước này đến làm ăn tại Việt Nam.

Liên doanh với đối tác trong nước

 

Thông tin mới nhất là hai nhà đầu tư Nhật Bản đang xúc tiến dự án phát triển hạ tầng giai đoạn 2 của khu công nghiệp Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè, TP.Hồ Chí Minh.

 

Theo đó, Ngân hàng Mizuho và Tập đoàn Chodai của Nhật đang làm việc với Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp Hiệp Phước để phát triển khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh. Thông tin về việc hợp tác phát triển này chưa được cung cấp bởi dự án đang còn trong quá trình đàm phán và thương thảo.

 

Tuy nhiên dự án này cũng được xem là theo định hướng phát triển của thành phố. Bởi tại buổi tổng kết tình hình hoạt động các khu chế xuất - khu công nghiệp  TP.Hồ Chí Minh vào đầu năm nay, Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.Hồ Chí Minh  (Hepza) cũng đã đưa ra kế hoạch cho năm nay là sẽ nghiên cứu thành lập một khu công nghiệp chuyên ngành công nghiệp phụ trợ ưu tiên thu hút nhà đầu tư Nhật Bản.

 

Với định hướng như vậy, lãnh đạo Hepza đã đưa ra giải pháp thực hiện là tìm kiếm đối tác Nhật Bản có năng lực tài chính, kinh nghiệm phát triển công nghiệp để thành lập khu công nghiệp chuyên ngành nói trên.

 

Còn ở Hà Nội, Công ty cổ phần Đầu tư-Phát triển N&G (N&G Corp) và Tập đoàn xây dựng của Nhật Shimizu Corp gần đây cũng đã ký kết thỏa thuận về việc hợp tác xây dựng và phát triển khu công nghiệp hỗ trợ đầu tiên ở Hà Nội, với tổng số vốn đầu tư dự kiến gần 1 tỉ đô la Mỹ.

 

Theo thỏa thuận này, Shimizu sẽ hợp tác với N&G để xây dựng và phát triển khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) và khu đô thị dịch vụ, nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp này trên cơ sở mở rộng cụm công nghiệp Đại Xuyên ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

 

Không riêng tại hai đầu tàu kinh tế lớn của cả nước nói trên, các nhà đầu tư và phát triển hạ tầng Nhật Bản khác còn hướng đến các thị trường lân cận tại hai thành phố này với hướng đi nhanh hơn.

 

Phần lớn các nhà đầu tư Nhật tham gia các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp tại Việt Nam không tự đầu tư một mình mà luôn hợp tác với một đối tác trong nước để thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án bởi phía Việt Nam sẽ lo về việc tìm địa điểm cũng như có kinh nghiệm trong việc đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng…

 

Cụ thể mới đây, Công ty TNHH Đầu tư Long Đức – một liên doanh giữa ba công ty Nhật Bản gồm Sojitz Corporation, Daiwa House Industry, Kobelco Eco-Solution và Donafood của Việt Nam đã động thổ xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Long Đức (Long Thành - Đồng Nai), với diện tích 282,8 héc ta, tổng vốn đầu tư hơn 1.083 tỉ đồng, dự kiến sẽ khánh thành vào tháng 8/2013.

 

Hay Tập đoàn Jesco Holding (Nhật Bản), chuyên hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật và đầu tư xây dựng hạ tầng, đã quyết định tham gia góp vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư-xây dựng hạ tầng Hòa Bình (HBI) - chủ đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp Long Hậu 4 tại tỉnh Long An.

 

Theo ông Thân Trọng Đức, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị khu công nghiệp Long Hậu 4, về cơ bản diện tích đất tại khu công nghiệp này đã được đền bù và giải tỏa. Việc Jesco tham gia vào dự án sẽ hỗ trợ việc tư vấn thiết kế khu công nghiệp và giúp khai thác thị trường nhà đầu tư Nhật Bản đang tìm đến đầu tư Việt Nam hiện nay.

 

Thuận tiện thu hút đầu tư

 

Theo một số công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp, việc các công ty Nhật Bản đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp ở Việt Nam không chỉ giúp việc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp theo yêu cầu của các nhà sản xuất Nhật mà còn có lợi thế lớn trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư Nhật vào khu công nghiệp đó.

 

Bởi vốn dĩ các nhà đầu tư Nhật kinh doanh mang tính cộng đồng, hỗ trợ cho nhau. Khi có một doanh nghiệp Nhật làm ăn kinh doanh và đánh giá nơi đó có môi trường đầu tư tốt thì sẽ kéo theo các nhà đầu tư Nhật khác vào kinh doanh, đặc biệt là khu công nghiệp đó lại chính do doanh nghiệp Nhật đầu tư phát triển.

 

Điều này lý giải vì sao những khu công nghiệp do doanh nghiệp Nhật đầu tư mới ra đời nhưng thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật. Như ở tại khu công nghiệp Long Đức, dù mới khởi công chưa được một tháng nhưng đã thu hút nhiều nhà đầu tư Nhật thuê hơn 60 héc ta đất xây dựng nhà máy trong đó có dự án của Tập đoàn Lixil quyết định đầu tư 441 triệu đô la Mỹ xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại đây.

 

Tương tự, HBI hy vọng với sự tiếp sức của Jesco Holding thì trong 5 năm tới sẽ lấp đầy toàn bộ diện tích đất cho thuê tại KCN Long Hậu 4.

 

Hay liên doanh phát triển khu công nghiệp HANSSIP hy vọng sau khi đi vào hoạt động nơi đây sẽ trở thành điểm đến của khoảng 200 doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ thuộc các lĩnh vực như cơ khí chế tạo, dệt may, da giày, điện tử, tin học, sản xuất và lắp ráp ôtô, và một số ngành công nghiệp khác. Trong đó, đối tác Nhật Shimizu sẽ đóng vai trò thu hút các doanh nghiệp từ Nhật Bản đến đầu tư tại HANSSIP.

 

Ông Yoshida Sakae, Giám đốc điều hành Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tại TP.Hồ Chí Minh, cho biết các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản đang có xu hướng chuyển sản xuất ra nước ngoài do đồng yen liên tục tăng giá so với 2 ngoại tệ chủ chốt là USD và EUR, khiến chi phí sản xuất hàng hóa trong nước tăng cao, lợi nhuận giảm.

 

Trong khi đó, việc đồng yen mạnh giúp doanh nghiệp Nhật Bản giảm bớt chi đầu tư ở nước ngoài. Và ông cho rằng đối với doanh nghiệp Nhật, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư lâu dài nhất là trong tình hình chi phí sản xuất tại Trung Quốc đã trở nên đắt đỏ hơn.

 

Ông Yoshida cho rằng, khoảng cách di chuyển ngắn từ Nhật đến Việt Nam (mất 5-6 tiếng) cũng là điểm thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật chọn Việt Nam so với Indonesia (mất 7-8 tiếng) và Ấn Độ (hơn 10 tiếng)...

 

Theo các công ty tư vấn đầu tư, Nhật đầu tư với kỳ vọng tập trung vào các khu công nghiệp riêng, trong đó có những cụm chuyên dành cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn chỉ cần diện tích ít.

 

Và việc các công ty Nhật Bản hợp tác với các công ty trong nước phát triển những cụm –khu công nghiệp riêng cho doanh nghiệp Nhật này ở Việt Nam cũng nhằm đáp ứng việc đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Nhật vốn đang tăng cao hiện nay.

 

 

Theo SGĐTTC

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo