Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhật Bản soán ngôi đầu

Trong 6 tháng đầu năm 2012, Nhật Bản nổi lên là nhà đầu tư hàng đầu, với 4,16 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 65% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Dồn dập các thông tin liên quan đến việc các nhà đầu tư Nhật Bản muốn đổ vốn vào Việt Nam. Ngày 28/6, Công ty Calpis đã ký biên bản ghi nhớ về việc đầu tư vào Khu công nghiệp Bourbon An Hòa (Tây Ninh). Dự kiến, Calpis sẽ thuê 5 ha đất để xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm từ sữa.

 

Ngày 27/6, Tập đoàn Tokyu và Tập đoàn Becamex cũng đã ký kết ghi nhớ về việc hợp tác phát triển hệ thống giao thông tại tỉnh Bình Dương. Trước đó, đầu tháng 3/2012, hai nhà đầu tư này đã liên doanh để khởi công xây dựng Khu đô thị Tokyu Bình Dương, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD.

 

Chỉ cách đây hơn một tuần, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất đã liên tiếp đón Yoshizawa, Mining, Morimura, rồi Biken đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh này, sau khi thông tin JFE, tập đoàn sản xuất thép hàng đầu Nhật Bản, muốn cùng Tập đoàn E-United (Đài Loan) triển khai Dự án Thép Guang Lian được công bố.

 

Cả 4 nhà đầu tư Nhật Bản này đều muốn trở thành nhà đầu tư vệ tinh của Dự án Guang Lian, một khi JFE quyết định đầu tư vào dự án thép lớn nhất ở Quảng Ngãi này.

 

Và tất nhiên, lại một lần nữa phải nói tới sự kiện rất đáng chú ý diễn ra hôm nay (2/7) tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng). Đó là Dự án Bridgestone, vốn đầu tư 575 triệu USD, chính thức được khởi công xây dựng. Hải Phòng cũng chính là địa phương đã đón nhận được dự án trị giá 250 triệu USD của Nipro.

 

Trong khi đó, Đồng Nai đón dự án 441 triệu USD của LIXIL. Còn TP.Hồ Chí Minh đang chờ Dự án Trung tâm mua sắm Aeon - Tân Phú Celeron của Aeon, vốn đầu tư trên 100 triệu USD, sớm được khởi công xây dựng…

 

Những động thái này đã cho thấy xu hướng khá rõ nét việc các nhà đầu tư Nhật Bản tăng cường đầu tư tại Việt Nam, điều đã được dự báo trong xu hướng đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản sau thảm họa động đất, sóng thần.

 

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản đã lên tới 4,16 tỷ USD, chiếm tới 65% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Hầu hết các dự án FDI lớn mà Cục Đầu tư nước ngoài thường nhắc tới như một thành tích trong thu hút FDI trong 6 tháng qua đều thuộc về nhà đầu tư Nhật Bản.

 

“Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản”, ông Hideo Okubo, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc điều hành Tập đoàn Forval (Nhật Bản) cho biết. Các kết quả khảo sát gần đây cũng cho thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam là địa điểm hấp dẫn để mở các cơ sở sản xuất.

 

Nắm bắt xu hướng này, mới đây, Cục Đầu tư nước ngoài và Tập đoàn Forval đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác trong trao đổi thông tin và hợp tác xúc tiến đầu tư của Nhật Bản vào Việt  Nam. Điều đáng chú ý trong thỏa thuận này là, thay vì tập trung vào các tập đoàn lớn, hai bên hướng vào thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản, nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.

 

Như vậy, cùng với việc các nhà đầu tư Nhật Bản tích cực tìm đến Việt Nam, thì Việt Nam, cũng đang rất nỗ lực tận dụng các cơ hội từ làn sóng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản.

 

“Chúng tôi muốn thúc đẩy đầu tư từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản, bởi đây là những doanh nghiệp nắm giữ công nghệ sản xuất tiên tiến cũng như kỹ năng quản lý tốt. Điều quan trọng hơn, hiện đã có rất nhiều công ty lớn của Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam và đang muốn tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước, thay vì nhập khẩu”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nói.

 

Trong khi đó, ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng khẳng định, tới đây, Hải Phòng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, mặt bằng, nhà xưởng và các dịch vụ, tiện ích đi kèm nhằm thu hút thành công dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản.

 

“Mối quan tâm của chúng tôi là một số tập đoàn lớn và các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ kèm theo”, ông Sơn nói.

 

Một câu chuyện bên lề rất thú vị, đó là khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một cán bộ dự án “than thở” rằng, cảm thấy “rất tủi thân” bởi sau khi một tập đoàn của Nhật Bản quyết định cùng chung sức đầu tư một dự án lớn của họ, thì các nhà lãnh đạo địa phương đã nhiệt tình hơn hẳn và luôn sẵn sàng đưa ra các cam kết, mà trước đó, dù đã rất cố gắng, nhưng chưa thể có được cái gật đầu của địa phương.

 

Kể câu chuyện này để thấy rằng, các nhà đầu tư Nhật Bản thực sự luôn được đánh giá cao ở thị trường Việt Nam.

 

 

Theo Đầu tư

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo