Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp Nhà nước làm được 2 đồng thì “ăn” 1 đồng

(DNVN) - “Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Nhà nước làm được 2 đồng thì “ăn” 1 đồng, dành tới 90% lợi nhuận để chi trả cho vấn đề lương bổng nên mục tiêu tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu không đạt được”, theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp.

Theo tin từ VGP, ngày 20/1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã nghe Bộ Tài chính báo cáo về việc xây dựng Đề  án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong giai đoạn tới 2020.

Tại cuộc họp, gợi ý cho Bộ Tài chính bổ sung, hoàn thiện Đề án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan này phân tích sâu hơn kết quả của quá trình tái cơ cấu DNNN thời gian qua để nhận định rõ những nhược điểm, các mục tiêu không đạt được để tập trung khắc phục trong thời gian tới, như tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ còn nhiều, vấn đề sắp xếp DNNN hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, hay việc nâng cao hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, hàm lượng khoa học kỹ thuật, sức cạnh tranh của DNNN.

“Đề án phải hướng tới hai mục tiêu “kép” là xử lý tồn đọng, yếu kém của hoạt động tái cơ cấu trong giai đoạn 2011-2015 và nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của DNNN”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Cụ thể, DNNN dẫn dắt cho nền kinh tế thì phải có năng lực quản trị tiên tiến về công nghệ, nhân sự, tài chính, đầu tư và có chiến lược hoạt động, có năng suất lao động cao hơn trước. Bộ Tài chính cũng như các Bộ liên quan tiếp tục đánh giá hiệu quả của hành lang pháp lý trong quản lý và hoạt động của DNNN để vừa bịt kín các “kẽ hở”, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho DNNN phát triển trong bối cảnh không sử dụng ngân sách nhà nước cho tái cơ cấu DNNN.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VGP.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ quan tâm tới việc tổ chức thực hiện Đề án nhằm bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả, hiệu lực, phát huy được vai trò của DNNN đối với nền kinh tế. “Tái cơ cấu ngân hàng đã có Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối thực hiện. Nhưng với tái cơ cấu DNNN hiện nay, tự các Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện và được đánh giá không đầy đủ. Tới đây, tái cơ cấu DNNN được thực hiện theo hệ thống dọc thì việc phân cấp, phân quyền phải thể hiện rõ ràng, gắn kết chặt chẽ với việc xử lý các doanh nghiệp, dự án yếu kém”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề.

Bổ sung cho yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về xác định rõ những yếu kém của DNNN cần phải được khắc phục, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Doãn Mậu Diệp dẫn số liệu của Bộ cho biết: “Thời gian qua, nhiều DNNN làm được 2 đồng thì “ăn” 1 đồng, dành tới 90% lợi nhuận để chi trả cho vấn đề lương bổng. Thế nên mục tiêu tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu không đạt được”.

Không chỉ vậy, “có những DNNN trước khi cổ phần hóa chỉ có 5 phòng chức năng nhưng sau cổ phần hóa lên tới 15 phòng do cổ phần hóa không thực chất, vốn nhà nước vẫn còn nhiều”, vẫn theo ông Doãn Mậu Diệp.

Vụ trưởng Vụ Tiền lương-Lao động (Bộ LĐTB&XH) Tống Thị Minh cho biết thêm một nghịch lý. "DNNN trả lương cho lao động trình độ thấp cao gấp 1,3 lần so với thị trường bên ngoài và trả lương cho lao động trình độ cao thì lại thấp hơn bên ngoài”.

Do đó, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đề nghị Đề án cần đặt ra các mục tiêu cụ thể, định lượng về tái cơ cấu DNNN trong 5 năm tới. Còn bà Tống Thị Minh thì kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung pháp luật về công chức, viên chức, đổi mới cơ chế giá vốn cho DNNN theo hình thức thuê vốn đi kèm các điều kiện ràng buộc để DNNN tự chủ trong trả lương cho cán bộ, nhân viên.

 

Đối với vấn đề sắp xếp DNNN, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nêu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công ích cũng nên để doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh với DNNN. “Trong hoạt động công ích như chỉnh trang đô thị, cấp nước, nếu có doanh nghiệp tư nhân xin tham gia đầu tư, kinh doanh với kế hoạch kinh doanh bài bản, hiệu quả hơn thì chính quyền phải ủng hộ và DNNN phải “nhường sân” cho doanh nghiệp tư nhân. Cơ chế này sẽ thể hiện đúng tinh thần DNNN chỉ tham gia lĩnh vực tư nhân không làm được”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc Bộ Tài chính quán triệt chủ trưởng của Đảng là “không lạm dụng từ tái cơ cấu, DNNN nào có khả năng phục hồi mới tái cơ cấu, không thì phải xử lý luôn”.

Về hành lang pháp luật, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ rà soát lại hệ thống các quy định về chức năng quản lý nhà nước, đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, các quy định liên quan tới cổ phần hóa, phương thức định giá DNNN, quản trị doanh nghiệp, giám sát nguồn lực đầu tư của DNNN… để tiếp tục sửa đổi, bổ sung.

Phó Thủ tướng yêu cầu Đề án cũng cần làm rõ các giải pháp huy động nguồn lực thị trường tham gia tái cơ cấu DNNN; phân công, phân quyền rõ ràng cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, các Bộ, địa phương trong quyết định các vấn đề liên quan tới tái cơ cấu DNNN, nhất là các vấn đề liên quan tới lao động dôi dư, đất đai.

Nên đọc
Thành Chung
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo