Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều "ông lớn" ngành Công thương sẽ cổ phần hóa vào đầu năm 2016

(DNVN) - Dự kiến, năm 2015 và quý I/2016, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành việc cổ phần hóa 7 doanh nghiệp. Trong đó, có 3 Tổng công ty và 4 công ty TNHH MTV.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác Tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2015, kế hoạch 2016-2020 diễn ra sáng 24/12, Bộ Công thương cho biết, tổng số doanh nghiệp thuộc sự quản lý của Bộ là 299 doanh nghiệp.

Trong giai đoạn 2005-2010, Bộ này đã cổ phần hóa xong 279 doanh nghiệp (đạt 93%), còn lại 20 doanh nghiệp tiếp tục cổ phần hóa, trong đó 15/20 doanh nghiệp bắt buộc cổ phần hóa trong giai đoạn 2011-2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tổng Công ty giấy Việt Nam sẽ hoàn thành cổ phần hóa trong quý 1/2016. Nguồn: Internet.

Tính đến tháng 12/2015, Bộ Công Thương đã hoàn thành và chuyển đổi 8 doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, gồm: Tập đoàn Dệt may Việt Nam; Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam, Công ty TNHH MTV Giao nhận kho vận ngoại thương, Công ty TNHH MTV Điện máy, Công ty TNHH MTV Du lịch và Xúc tiến thương mại; Công ty TNHH Viện máy và dụng cụ công nghiệp IMI, Công ty TNHH MTV Caric, Công ty TNHH MTV Cơ khí Duyên hải trực thuộc Tổng Công ty máy và thiết bị công nghiệp. 

Trong 8 doanh nghiệp nhà nước đã chuyển thành công ty cổ phần trên có 3 doanh nghiệp nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối là Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam, Công ty TNHH MTV Du lịch và Xúc tiến thương mại, Công ty TNHH MTV Caric (trực thuộc Tổng công ty máy và thiết bị công nghiệp). Hiện, tổng số vốn Nhà nước còn nắm giữ ở 8 doanh nghiệp này đạt hơn 3.600 tỷ đồng.

Thông tin từ Ban đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương cho hay, dự kiến năm 2015 và Quý 1/2016,  Bộ hoàn thành việc cổ phần hóa 7 doanh nghiệp,  trong  đó có 3 tổng công ty gồm: Tổng công ty Máy Động lực và máy nông nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp và 4 Công ty TNHH MTV gồm:  Điện máy và Đầu tư; Xây lắp và vật liệu xây dựng; Thực phẩm và đầu tư công nghệ Fococoev; Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại BMC.

Như vậy, sau khi hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hoá DN 100% vốn Nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2015, Bộ còn quản lý 4 Tập đoàn kinh tế và một Tổng công ty 100% vốn Nhà nước gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).

Trong đó, 4 Tập đoàn EVN, TKV, PVN, Vinachem đã được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh đề án tái cơ cấu, kế hoạch sắp xếp, cổ phần hoá DN 100% vốn Nhà nước trực thuộc và các Tập đoàn đã có báo cáo Thủ tướng về kế hoạch sắp xếp, cổ phần hoá và tái cơ cấu DN ngoài Nhà nước giai đoạn 2016-2020. Với Vinataba, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho phép xây dựng kế hoạch sắp xếp, cổ phần hoá các đơn vị thành viên trực thuộc Tổng công ty và Công ty mẹ -Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020.

 

Nên đọc






VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo