Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều thách thức trong thoái vốn đầu tư ngoài ngành

Những con số thoái vốn ngoài ngành hoành tráng đã được tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đề cập rõ ràng trong các đề án tái cơ cấu. Việc triển khai có hiệu quả những cam kết này là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời gian tới.
Cam kết thoái vốn mạnh mẽ
 
Lãnh đạo Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết: Mô hình kinh doanh đa ngành trên nền than, khoáng sản đến nay đã vượt ra ngoài nền than, khoáng sản, tức là vươn ra ngoài ngành như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản... Tổng số vốn đầu tư bằng khoảng 5,4% tổng vốn chủ sở hữu của toàn tập đoàn. Trong định hướng thoái vốn đầu tư ngoài ngành giai đoạn 2012-2015, Vinacomin sẽ tập trung đầu tư phát triển các ngành sản xuất chính gồm than, khoáng sản, điện, cơ khí mỏ và giảm đầu tư vào các ngành dịch vụ, thương mại.
 
Đặc biệt, Vinacomin sẽ hoàn thành thoái hết vốn từ các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, bất động sản, các công ty liên kết chậm nhất trước năm 2015.
 
Tham luận tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2013, ông Đoàn Hùng Viện, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã liệt kê một loạt số liệu về con số thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN.
 
Cụ thể dự kiến nguồn vốn thu được do cổ phần hóa, thoái vốn các lĩnh vực ngoài ngành và bán bớt cổ phần của Vinacomin tại một số doanh nghiệp khi thực hiện Đề án tái cơ cấu là khoảng 5.000 - 6.000 tỉ đồng.
 
Tập đoàn Cao su Việt Nam cũng dự kiến tổng giá trị thoái vốn đến 2015 vào khoảng 4.500 tỉ đồng. Đến cuối 2015, số vốn đầu tư ngoài ngành chính dự kiến còn 660 tỉ đồng, bằng 1,5% tổng vốn chủ sở hữu của tập đoàn này. Sau năm 2015, Tập đoàn Cao su tiếp tục thoái vốn dự kiến thu hồi 562 tỉ đồng. Như vậy, số vốn đầu tư ngoài ngành chính chỉ còn 100 tỉ đồng, chiếm 0,2% vốn chủ sở hữu của tập đoàn. Tập đoàn dự kiến đến năm 2015, về cơ bản, giải quyết triệt để các dự án đầu tư ngoài ngành sản xuất chính.
 
Ông Đoàn Hùng Viện cho biết: Sau khi rà soát lại ngành, nghề kinh doanh, từ nay hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã được chấn chỉnh một bước để tập trung hoạt động, sản xuất kinh doanh theo đúng nhiệm vụ được Nhà nước giao, không kinh doanh dàn trải, đa ngành, đa lĩnh vực.
 
Thế nhưng ông Viện nhận định: Việc thoái vốn đã đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đạt kết quả chưa đáng kể. 
 
Vẫn có thể bảo toàn vốn khi thoái vốn
 
Tại Hội nghị về sắp xếp đổi mới các DNNN ngành nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 26-3 vừa qua, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (VNF1) chia sẻ: Tổng công ty đang tham gia góp vốn vào 3 ngân hàng và có đầu tư một số dự án bất động sản. Việc thoái vốn lần lượt sẽ không đảm bảo bảo toàn vốn Nhà nước ở cả 3 ngân hàng. Về nguồn vốn đầu tư bất động sản, cách đây mấy năm, dựa trên lợi thế đất đai, VNF1 đã xây dựng một số trung tâm thương mại, siêu thị, một số dự án kết hợp chung cư. Nếu VNF1 buộc phải thoái vốn khỏi lĩnh vực này trong bối cảnh hiện nay, đồng thời đáp ứng được yêu cầu giữ được giá trị sổ sách thì rất khó khả thi. Nếu yêu cầu tổng công ty phải thoái vốn và giữ nguyên giá trị sổ sách thì không biết bao giờ mới thoái vốn được.
 
Trao đổi với báo giới, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài Chính) Đặng Quyết Tiến cho biết: Nếu trường hợp có doanh nghiệp muốn thoái vốn, bán dưới giá trị sổ sách thì đề nghị doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy trình và quy định, Bộ Tài chính sẽ có phương án giải quyết cụ thể.
 
Tuy nhiên, ông Đặng Quyết Tiến cũng cho rằng, trên thực tế, nếu doanh nghiệp thực hiện đầy đủ theo những quy định như: Cơ chế phòng ngừa rủi ro để bảo toàn vốn, về trích lập dự phòng đối với các khoản đầu tư, và có cơ chế mua bảo hiểm đầu tư rủi ro thì doanh nghiệp luôn luôn có đủ nguồn để bảo toàn vốn. Chỉ trừ khi doanh nghiệp không thực hiện trích lập dự phòng vì tăng chi phí, giảm lợi nhuận, thì doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rủi ro, dẫn đến lãi giả lỗ thật.
 
Theo ông Đoàn Hùng Viện, với những tập đoàn, tổng công ty đang có khó khăn về tài chính, một mặt cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lí có liên quan. Mặt khác cần cơ cấu lại vốn, tài sản theo hướng đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu vốn để có cơ chế xử lí bổ sung vốn thực hiện các dự án đầu tư có hiệu quả, hạn chế thất thoát vốn do kéo dài thời gian dự án. Các doanh nghiệp cũng cần cơ cấu lại tài sản bằng cách chuyển nhượng, sáp nhập các dự án, các khoản đầu tư không hiệu quả hoặc không cần thiết để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính.
 
 
 
 
Nhật Minh
Theo HQO
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo