Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều tổ chức Công đoàn còn ngại “đấu tranh" cho quyền lợi của người lao động

Là lực lượng lao động chính đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, song đội ngũ công nhân lại đang chịu nhiều áp lực từ phía chủ doanh nghiệp, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều khó khăn. Vậy gốc rễ vấn đề nằm ở đâu? Xung quanh vấn đề này phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân, công đoàn.

Ông Vũ Quang Thọ.

Một bộ phận công nhân lao động Việt Nam đang chịu nhiều áp lực về vấn đề tiền lương, thu nhập, chưa kể quyền lợi bị ảnh hưởng do DN trốn đóng bảo hiểm xã hội, tổ chức bữa ăn không đảm bảo chất lượng, dinh dưỡng... Với cương vị là người bảo vệ quyền lợi cho công nhân lao động, ông có thể nói gì về thực tế này?

Tiền lương của công nhân Việt Nam hiện được cải thiện khá nhiều, nhưng tiền lương chỉ giúp người công nhân giải quyết được 60- 65% mức sống tối thiểu. Bên cạnh đó, hiện nhiều DN đã tổ chức bữa ăn giữa ca cho người lao động, nhưng khẩu phần ăn, mức năng lượng cung cấp chưa đảm bảo nhu cầu cho người lao động tái sản xuất giản đơn. Dù nghị quyết của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặt ra yêu cầu các DN phải đảm bảo bữa ăn tối thiểu cho công nhân ở mức 15.000 đồng/bữa song theo khảo sát của Tổng Liên đoàn, hiện còn khoảng 30% DN bố trí bữa ăn cho công nhân với giá từ 7.000  đến 12.000 đồng/bữa, như vậy nguy cơ người lao động phải sử dụng thực phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe là dễ hiểu. Đó còn chưa kể, tình trạng DN trốn đóng bảo hiểm xã hội đang diễn ra ở nhiều công ty, DN, ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của công nhân song việc xử lý trách nhiệm của các DN vẫn chưa triệt để. Thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trong năm 2016 cho thấy trong số hàng trăm nghìn DN có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội chỉ có lác đác một vài DN bị khởi kiện do vậy không có tính răn đe.

Có thể nói, công nhân lao động đã có những đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, nhưng những gì mang lại cho họ trên cả lĩnh vực đời sống tinh thần và đời sống vật chất vẫn chưa tương xứng. Cụ thể, điều kiện làm việc của một bộ phận công nhân Việt Nam vẫn chưa được bảo đảm. Nhiều công nhân phải làm việc trong môi trường bị ô nhiễm nặng như nóng, bụi, tiếng ồn, độ rung vượt tiêu chuẩn cho phép, tác động xấu đến sức khoẻ, gây ra các bệnh nghề nghiệp. Chưa kể, cũng như nhiều đối tượng dân cư trong xã hội, công nhân không chỉ có nhu cầu ăn, ở, họ còn có nhu cầu về văn hóa tinh thần như giao tiếp xã hội, xem biểu diễn nghệ thuật... Nhưng hiện nay, đại đa số công nhân phải đi làm tăng ca, ít giờ nghỉ để tái tạo sức lao động, thời gian cho hưởng thụ văn hóa cũng không nhiều. Một vấn đề nữa là trường học, nhà trẻ cho con công nhân lao động hiện quá khan hiếm. Thực tế cho thấy hiện ít có khu công nghiệp hay DN tổ chức nhà giữ trẻ cho công nhân lao động nên công nhân phải gửi con ở những nhà trẻ tư chưa đảm bảo chất lượng.

Doanh nghiệp cần xây dựng chế độ tiền lương, chính sách chăm sóc sức khỏe cho công nhân lao động một cách hợp lý.

Mặc dù pháp luật đã luôn được hoàn thiện, nhiều vấn đề phát sinh từ thực tế đã được điều chỉnh bởi pháp luật nhưng  những chính sách cụ thể với công nhân lao động hiện còn bất cập, kẽ hở khiến đội ngũ này chịu những thiệt thòi. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Có thể nói rằng chính sách với công nhân lao động đã được quy định khá đầy đủ song vấn đề quan trọng nhất chính là cách thức thực hiện. Qua thực tiễn cuộc sống cho thấy việc thực hiện tiêu chuẩn lao động về tiền lương, giờ làm thêm, bảo hiểm xã hội... đang tồn tại nhiều phức tạp, có sự xung đột lợi ích giữa người lao động và chủ sử dụng lao động. Sở dĩ như vậy là bởi trong khi người lao động luôn muốn tăng lương nhưng chủ sử dụng lao động cho rằng, mức lương tối thiểu điều chỉnh mức tăng cao liên tục sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như khả năng cạnh tranh của DN, làm ảnh hưởng đến việc mở rộng sản xuất. Chưa kể biện minh của chủ sử dụng lao động cho rằng, hiện nay họ phải đóng bảo hiểm xã hội ở mức quá cao- 32,5%, do vậy khó tăng lương cho người lao động, nếu buộc phải tăng lương thì buộc DN phải cắt giảm lao động, công nhân mất việc làm. Như vậy phần thiệt vẫn thuộc về công nhân, trong khi đó trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu hàng đầu của công nhân là việc làm ổn định sau đó mới là tiền lương và thu nhập được cải thiện.

 

Bảo vệ quyền lợi cho người lao động là tổ chức Công đoàn các cấp, song hiện nay tổ chức này chưa phát huy hết vai trò, trong đó Công đoàn vẫn chịu sự chi phối của chủ DN, khiến công nhân lao động chưa hoàn toàn đặt niềm tin vào tổ chức Công đoàn, theo ông nguyên nhân vấn đề nằm ở chỗ nào?

Vai trò của tổ chức Công đoàn ở các DN hiện còn mang tính hình thức. Nhiều tổ chức Công đoàn chưa thực sự đứng về phía người lao động, bởi cán bộ Công đoàn do DN trả lương, làm việc không chuyên trách dưới sự lãnh đạo quản lý trực tiếp của chủ DN. Do vậy rất ít hoặc hiếm tổ chức Công đoàn có đủ dũng khí đấu tranh với DN đòi quyền lợi cho công nhân lao động mà thường là đứng về phía DN, nói lên tiếng nói của DN.

Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa tổ chức Công đoàn thờ ơ với quyền lợi của người lao động, vẫn có một số Công đoàn cơ sở đấu tranh cho quyền lợi của công nhân lao động và bị chủ DN xử lý như trừ lương, mất việc nhưng đội ngũ này lại không được bảo vệ, do vậy đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều tổ chức Công đoàn “ngại” đấu tranh.

Vậy để hạn chế những bất cập đang tồn tại về chính sách nêu trên, theo ông cần có những giải pháp nào?

Tôi cho rằng Nhà nước nhanh chóng lấp khoảng trống giữa tiền lương tối thiểu với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, cố gắng đạt 100% nhu cầu sống tối thiểu vào năm 2018 như mục tiêu đặt ra. Bên cạnh đó hệ thống chính sách, pháp luật lao động cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhất là các chính sách liên quan trực tiếp đến người lao động và chi phí của DN như tiền lương tối thiểu, giờ làm thêm, bảo hiểm xã hội... Các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, thúc đẩy việc hình thành các thiết chế hòa giải có trọng tài để hỗ trợ DN xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, giảm thiểu tranh chấp, đình công...

 

Các nhà quản lý cần có chính sách cụ thể giải quyết nhà ở cho người lao động. Khi phê duyệt các khu công nghiệp, khu chế xuất cần yêu cầu dành quỹ đất tương xứng để xây dựng nhà ở và các công trình thuộc kết cấu hạ tầng xã hội cho công nhân. Đồng thời đẩy mạnh công tác dự báo, định hướng thị trường, đổi mới mạnh mẽ dịch vụ kết nối tư vấn việc làm với nhiều hình thức tạo sự linh hoạt của thị trường, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Vấn đề nâng cao kỹ năng cho người lao động cũng như tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật cho người lao động cần phải được quan tâm, thực hiện mà trước hết phải đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề theo yêu cầu thị trường.

Về phía DN, cần xây dựng chế độ tiền lương, chính sách chăm sóc sức khỏe cho công nhân lao động một cách hợp lý. DN cần có chế độ thưởng, phạt công khai, rõ ràng theo năng lực và thành tích cá nhân nhằm tạo động lực cho nhân viên phát huy hết khả năng mà họ đang có. Đồng thời các DN nên quan tâm nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân bằng việc đầu tư xây dựng các dịch vụ văn hóa, thể thao để công nhân được hưởng thụ các giá trị văn hóa.

Xin cảm ơn ông!

Nên đọc


 
Theo Báo Hải quan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo