Nhìn lại thị trường BĐS năm 2011: Vì đâu nên nỗi?
Để lý giải cho hiện tượng này, ông Lê Xuân Trường, GĐ Công ty cổ phần Bất Động Sản B.D.S, đã có bài phân tích sâu về những nguyên nhân quan trọng trong năm 2011 cũng như những năm gần đây dẫn tới tình trạng khó khăn của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay.
Trong năm 2011, rất nhiều dự án bất động sản đã phải tạm dừng hoặc dãn tiến độ do bị cắt vốn vay. Với mỗi dự án, thông thường số tiền đầu tư lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng thì chủ đầu tư rất khó có thể thu xếp tiền để triển khai khi bị ngân hàng “đóng cửa”. Trước đây, nhiều dự án thậm chí thủ tục chưa xong nhưng chỉ cần “rỉ tai” là đã bán được hàng, nhanh chóng thu được siêu lợi nhuận. Nhưng hiện nay thì nhiều dự án dù đã hoàn thiện, chủ đầu tư tìm mọi biện pháp có thể vẫn không bán được hàng nên nguồn thu rất khó khăn. Chính việc đầu tư tràn lan, lạm dụng đòn bẩy tài chính đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao khi thị trường thay đổi quá nhanh. Những điều gần tương tự cũng xảy ra với những người đầu cơ nhà đất bằng tiền đi vay.
Thứ ba, “hiệu ứng dây chuyền” từ việc đầu cơ bất động sản đã tạo nên các “cơn sốt” mua bán và làm giá bất động sản tăng lên nhanh chóng. Người ta bỏ tiền vào mua nhà đất, bán đi với một mức giá cao hơn rồi lại tiếp tục dùng số tiền đó để đầu tư tiếp. Để lý giải việc tăng giá có thể làm một bài toán kinh tế, thực tế thì trong bài toán này có nhiều biến số phức tạp nhưng để cho dễ hiểu, chúng ta hoàn toàn có thể hình dung như thế này: Giả sử trên thị trường có một vạn người đầu cơ bất động sản, sở hữu một vạn căn nhà đều có mức giá là X. Người đầu tiên bán được nhà với giá X+1, rồi dùng số tiền đó mua nhà của người thứ 2, cũng với mức giá X+1 để đầu tư, với hy vọng một thời gian nữa sẽ bán được với giá cao hơn là X+2. Ngay sau đó thì chắc chắn những người còn lại nếu muốn bán nhà của mình cũng sẽ chào bán với giá X+1. Cứ như thế, với hiệu ứng dây chuyền này, bất động sản đã được đẩy lên một mặt bằng giá mới, chỉ với “cú hích” từ người mua đầu tiên.
Dưới góc nhìn như vậy, chúng ta có thể thấy dễ hiểu hơn đối với những câu hỏi như: “Tại sao nhà đất tăng giá chóng mặt như vậy?”, “Tiền ở đâu ra mà lắm thế?”... Khi niềm tin vào thị trường còn cao thì chỉ cần trên thị trường có một vài giao dịch với mức giá cao hơn là cả thị trường sẽ xác lập mặt bằng mới theo mức giá đó. Cũng do mọi người nghĩ giá sẽ lên tiếp và chủ yếu là người đầu cơ (bán rồi lại mua) nên cũng chỉ cần thêm nguồn tiền từ người mua đầu tiên là đã tạo nên “cơn sốt” cho cả thị trường, chứ nếu họ bán đi rồi dùng tiền đó làm việc khác, không đầu tư vào bất động sản nữa, thì sẽ không có nhiều tiền để làm bất động sản tăng giá như thế. Nếu giao dịch trên thị trường chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng thì giá cả sẽ bị quyết định chủ yếu bởi giá thành sản xuất và khả năng chi trả của người dân, không phải bởi “niềm tin” và “cảm giác” như việc đầu cơ.
Thứ tư, giá bất động sản, đặc biệt là giá nhà ở tại các đô thị lớn quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân cũng như mức độ phát triển của nền kinh tế. Trong nhiều năm qua, tình trạng đầu cơ, đầu tư theo phong trào, hiệu ứng dây chuyền... đã khiến giá nhà đất bị đẩy lên cao. Quả bóng bất động sản dường như đã được thổi lên tới mức tối đa và không thể còn duy trì được nữa. Trong khi đó, nền kinh tế vĩ mô thì vẫn tiếp tục suy thoái, lạm phát tăng cao, khiến đại bộ phận các đối tượng có thu nhập thấp, người nghèo tại các đô thị gặp nhiều khó khăn về nhà ở. Một thống kê làm minh chứng rõ nhất cho tình trạng này là: Mức thu nhập của người dân Việt Nam đứng thứ 120 thế giới nhưng giá nhà đất lại đắt thứ 20 trên thế giới.
Ngoài ra, mang tiếng là nguồn cung dồi dào, nhiều căn hộ được chào bán nhưng đa số lại nằm ở những dự án còn đang xây dựng, hoặc đã được xây dựng xong nhưng lại ở những khu vực hạ tầng chưa hoàn thiện, có nhiều hạn chế nên không đáp ứng tốt nhu cầu của người muốn mua. Phần lớn các dự án bất động sản vẫn chủ yếu tập trung tại các đô thị lớn, nhu cầu tại các vùng miền không được đáp ứng, khiến thị trường bất động sản lâm vào tình cảnh vừa thừa vừa thiếu.
Thứ sáu, niềm tin vào thị trường bất động sản đang bị giảm sút. Nhiều người bắt đầu nhận ra rằng giá bất động sản hiện đang quá “ảo”, rằng thị trường tiếp tục giảm sâu hơn nữa mới hợp lý. Hầu hết mọi người đều có tâm lý chờ đợi. Các nhà đầu tư khó khăn về tài chính càng nôn nóng muốn bán hàng ra, không bán được lại giảm giá, cứ như thế vô hình trung tạo cho khách hàng tâm lý “thị trường sẽ còn giảm nữa, không vội gì mua nhà vào lúc này”.
Vào thời điểm hiện tại, việc mất niềm tin vào bất động sản là nguyên nhân chính khiến thị trường bị “chìm nghỉm”. Các nhà đầu tư, đầu cơ sau một thời gian tham gia vào thị trường đã “sực tỉnh” trước tình trạng nguồn cung bất động sản tăng lên nhanh chóng trong thời gian gần đây, nhận thấy bất động sản không còn là “mảnh đất màu mỡ” để thu lợi nhuận nữa và bắt đầu có tâm lý “đứng ngoài” thị trường. Một khi giới đầu cơ đã đứng ngoài thị trường thì nguồn cầu của thị trường chủ yếu là người có nhu cầu thực, mà đại đa số lại là những người có nguồn tài chính hạn hẹp, khó có thể mua nổi nhà khi giá quá cao như hiện nay.
Cuối cùng, nguyên nhân quan trọng nhất là do bộ máy quản lý, hệ thống pháp luật và chính sách còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Dù các cơ quan hữu quan những năm gần đây đã rất chú trọng tới thị trường bất động sản nhưng những khó khăn vốn có của một nền kinh tế đang trong giai đoạn bắt đầu phát triển ở Việt Nam mang lại những vấn đề không dễ giải quyết trong một sớm một chiều. Bất cập trong quản lý khiến cho tình trạng đầu cơ, mua bán ngầm, trốn thuế diễn ra rất phổ biến. Công tác quản lý còn nhiều khiếm khuyết khiến cho một bộ phận nhỏ kiếm được nhiều tiền nhờ bất động sản một cách quá dễ dàng, trong khi đại bộ phận người dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn về nhà ở. Nguồn thu ngân sách từ bất động sản đã bị thất thoát, lãng phí nhiều. Nếu đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhà ở, tận dụng tối đa nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, tăng thêm các nguồn thu từ việc đấu thầu công khai các dự án... thì chúng ta đã có thể có nhiều tiền hơn để triển khai nhiều dự án nhà có giá rẻ, hỗ trợ tín dụng cho người dân. Các kẽ hở của hệ thống pháp luật cũng khiến cho quyền lợi của người dân khi mua nhà đất không được bảo vệ tốt. Các vụ việc tranh chấp, lừa đảo, khiếu kiện… diễn ra nhiều khiến thị trường thêm khó khăn.
Hệ thống chính sách pháp luật về thị trường bất động sản thiếu thống nhất và ổn định, chồng chéo nhau; hệ thống tài chính bất động sản chưa hoàn thiện… Thị trường phát triển quá nhanh, trong khi các chính sách được ban hành dường như đều mang tính “chữa cháy”. Công tác cải cách trong việc quản lý đầu tư, xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng… còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đây là những nguyên nhân quan trọng khiến thị trường bất động sản Việt Nam gặp khó khăn, làm nảy sinh rất nhiều vấn đề bất cập, gây ảnh hưởng lớn tới cả nền kinh tế, đẩy nhiều cá nhân, đơn vị vào thế tiến thoái lưỡng nan như hiện nay.
Theo
PV
VTV
End of content
Không có tin nào tiếp theo