Hỗ trợ doanh nghiệp

Những thách thức với tổ chức công đoàn và hệ thống chính trị khi Việt Nam thực thi cam kết về lao động, công đoàn trong TPP

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới hứa hẹn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ tạo ra và duy trì việc làm, thúc đẩy đổi mới, tăng năng suất lao động, tính cạnh tranh, giảm nghèo, nâng cao mức sống, nâng cao tính minh bạch, năng lực quản trị cũng như công tác bảo hộ lao động, bảo vệ môi trường ở các nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, kèm theo đó là 2 năm sau khi TPP được ký kết, các quốc gia thành viên phải thực thi các cam kết hết sức chặt chẽ với mức độ bắt buộc thực thi cao hơn tất cả các FTA khác đã ký kết hoặc đang đàm phán, trong đó, có những cam kết cụ thể, chuyên biệt về vấn đề lao động, công đoàn.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và những cam kết về lao động, công đoàn

Ngoài Lời nói đầu và Phụ lục, TPP bao gồm 30 chương với 516 điều. Các cam kết về lao động, công đoàn được ghi trong Chương 19 (Lao động) và đặc biệt là được đề cập cụ thể, chi tiết trong Kế hoạch của Việt Nam và Hoa Kỳ về tăng cường thương mại và quan hệ lao động.

TPP không đưa ra các tiêu chuẩn mới về lao động mà khẳng định lại, cụ thể hóa với mức độ cam kết thực thi cao hơn các tiêu chuẩn lao động được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), bao gồm 08 Công ước: Công ước số 29, 100, 111, 138, 182 - Việt Nam đã phê chuẩn; Công ước số 87, 98, 105 - Việt Nam đang nghiên cứu để phê chuẩn. Cùng với đó, Kế hoạch của Việt Nam và Hoa Kỳ về tăng cường thương mại và quan hệ lao động, một thỏa thuận song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đề cập sâu sắc, chi tiết hơn các cam kết của Chương 19 trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Nội dung chủ yếu của những cam kết về lao động, công đoàn bao gồm:

Công nhân dệt làm việc trong một doanh nghiệp ngoài nhà nước tại TP. Nam Định - đối tượng để phát triển đoàn viên công đoàn (Ảnh: laodong.com.vn).

- Các nước thành viên phải bảo đảm quyền của người lao động được tự do thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở và cấp trên cơ sở. Với Việt Nam, người lao động tại cơ sở có thể lựa chọn gia nhập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tổ chức của mình được chính thức hoạt động, và sẽ chỉ được hoạt động sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng ký, theo một quy trình minh bạch và được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Khi đó, tổ chức của người lao động sẽ có quyền tự chủ phù hợp với quy định của ILO và pháp luật Việt Nam. Sau khi Hiệp định có hiệu lực 5 năm (tức là khoảng 7 năm sau khi ký kết), các tổ chức của người lao động ở cơ sở có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn, như cấp ngành, cấp vùng.

- Bảo đảm tính bình đẳng, tự chủ của tổ chức của người lao động; nghiêm cấm sự can thiệp, phân biệt đối xử đối với tổ chức và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động. Việt Nam phải bảo đảm tổ chức của người lao động được tự chủ trong việc quản lý các vấn đề của tổ chức đó, như tự chủ bầu ra ban chấp hành; thông qua và hoạt động theo điều lệ riêng của mình; có quyền thu và quản lý hội viên và các loại tài sản của mình, được chia sẻ khoản đóng góp 2% (kinh phí công đoàn) mà người sử dụng lao động đóng trên cơ sở không phân biệt đối xử; được tham gia tham vấn với các cơ quan chính quyền…

- Bảo đảm người lao động và tổ chức của người lao động đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể yêu cầu và nhận hỗ trợ kỹ thuật cũng như đào tạo từ các tổ chức hoạt động về lao động của Việt Nam, hoặc của quốc tế đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Đồng thời, tổ chức của người lao động nếu không tham gia vào hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ không phải thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm chính trị mâu thuẫn với các quyền lao động được nêu trong Tuyên bố của ILO.

- Bảo đảm pháp luật cho phép đình công về quyền phù hợp với hướng dẫn của ILO khi có 50% cộng 1 thành viên ban chấp hành của tổ chức đại diện người lao động đồng ý. Phạm vi đình công cũng được mở rộng với các doanh nghiệp khác nhau ở cùng cấp mà thương lượng tập thể cấp liên doanh nghiệp, cấp ngành đã được cho phép với điều kiện phải tuân thủ các thủ tục trong nước.

- Ngoài ra, TPP cũng đề cập đến các vấn đề liên quan đến lao động khác, như lao động cưỡng bức; lao động trẻ em; không phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp; các cam kết về tổ chức bộ máy thực thi các cam kết và tăng cường năng lực của thanh tra lao động.

 

Những thách thức đối với tổ chức công đoàn Việt Nam

Tổ chức công đoàn Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức, nền tảng chính trị của Nhà nước. Hiến pháp năm 2013, tại Điều 10, hiến định: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Khác với tổ chức công đoàn ở hầu hết các nước trên thế giới, bên cạnh chức năng “bẩm sinh, vốn có” của mình là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và chức năng tuyên truyền, vận động đoàn viên, Công đoàn Việt Nam còn có chức năng tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Hơn nữa, đối tượng của Công đoàn Việt Nam không chỉ là một bộ phận người lao động của xã hội mà là toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác trong xã hội Việt Nam. Vì vậy, Công đoàn Việt Nam được xác định là một tổ chức chính trị - xã hội đại diện duy nhất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một bộ phận trong hệ thống chính trị Việt Nam. Điều khác biệt này là do lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng và thực tiễn đặc thù tổ chức hệ thống chính trị của Việt Nam quy định.

Trải qua 87 năm xây dựng và phát triển, Công đoàn Việt Nam luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, đã có những đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tính đến hết tháng 5-2016, Công đoàn Việt Nam có hơn 9,2 triệu đoàn viên sinh hoạt tại hơn 123 nghìn công đoàn cơ sở trong cả nước.

Tuy nhiên, hoạt động của Công đoàn Việt Nam cũng đang bộc lộ những hạn chế, bất cập, như chậm đổi mới, chưa đáp ứng được đòi hỏi của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế với sự biến động về số lượng, chất lượng, cơ cấu của giai cấp công nhân và người lao động, với diễn biến ngày càng phức tạp của quan hệ lao động.

 

Vì vậy, với những cam kết chặt chẽ, mức độ bắt buộc thực thi cao của TPP về các vấn đề liên quan đến lao động, công đoàn, đang đặt ra cho tổ chức công đoàn Việt Nam những thách thức lớn, như:

Thứ nhất, khi TPP có hiệu lực có thể sẽ hình thành tổ chức đại diện cho người lao động khác hoạt động song song và cạnh tranh trực tiếp với Công đoàn Việt Nam. Chúng ta cam kết: trước khi TPP có hiệu lực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Việt Nam sẽ thực hiện các cải cách về luật pháp và bộ máy tổ chức, nhằm bảo đảm quyền của người lao động được tự do thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động theo lựa chọn của mình. Trong thời gian không quá 05 năm kể từ khi TPP có hiệu lực đối với Việt Nam và Hoa Kỳ, Việt Nam sẽ quy định trong luật pháp và thực tiễn rằng, tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở, tùy theo lựa chọn của họ, có thể thành lập hoặc gia nhập tổ chức của người lao động liên doanh nghiệp và ở các cấp trên doanh nghiệp, bao gồm cấp ngành và cấp vùng, phù hợp với các quyền lao động được nêu trong Tuyên bố của ILO và các thủ tục trong nước mà không mâu thuẫn với các quyền lao động đó. Việt Nam cũng bảo đảm tổ chức của người lao động được tự chủ trong việc quản lý các vấn đề của tổ chức đó. Khi đó, Công đoàn Việt Nam sẽ không còn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động như lâu nay nữa mà sẽ phải cạnh tranh bình đẳng để giành được sự thừa nhận, tham gia của người lao động. Đây là thách thức lớn nhất đối với Công đoàn Việt Nam.

Thứ hai, việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở của Công đoàn Việt Nam sẽ trở nên khó khăn hơn do sự biến động của thị trường lao động, tính bấp bênh của việc làm, sự đa dạng, phức tạp của các loại hình việc làm, sự dịch chuyển của lao động di cư, nhất là do cạnh tranh trong vận động, thu hút đối tượng với tổ chức khác của người lao động. Người lao động ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh, chiếm tỷ trọng chủ yếu. Các hình thức sử dụng lao động cũng ngày càng phát triển đa dạng, linh hoạt theo nhu cầu của thị trường, trong đó, đáng chú ý là các hình thức mới của quan hệ việc làm, như lao động cho thuê lại, lao động bán thời gian, lao động gia công tại nhà... Những hình thức mới của quan hệ việc làm sẽ có tác động tới suy nghĩ, hành vi ứng xử của công nhân lao động khi quyết định lựa chọn tổ chức đại diện cho mình.

Thứ ba, theo cam kết của TPP, tổ chức của người lao động không phải thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm chính trị mà không trái với những quyền lao động được nêu trong Tuyên bố của ILO, nên tổ chức của người lao động chỉ phải tập trung vào nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Trong khi đó, Công đoàn Việt Nam phải thực hiện các nhiệm vụ của một tổ chức chính trị - xã hội nên nguồn lực bị phân tán, bị động trong tuyển dụng, đào tạo, sử dụng cán bộ công đoàn.

Thứ tư, nguồn lực bảo đảm cho hoạt động của Công đoàn Việt Nam có nguy cơ bị giảm sút do nguồn thu tài chính giảm từ việc giảm đoàn phí và phải chia sẻ nguồn kinh phí công đoàn 2% cho các tổ chức của người lao động khác. Điều này sẽ gây khó khăn cho Công đoàn Việt Nam trong việc tạo ra những quyền lợi khác biệt và lớn hơn giữa đoàn viên công đoàn và người lao động không phải là đoàn viên công đoàn, dẫn đến bất lợi trong việc cạnh tranh, thu hút người lao động và tổ chức của người lao động mới thành lập gia nhập Công đoàn Việt Nam.

 

Thứ năm, môi trường hoạt động công đoàn có nhiều biến đổi do quan hệ lao động sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường hơn, nhất là ở thời gian đầu thực thi các cam kết trong TPP. Các cam kết về thương lượng tập thể và mở rộng phạm vi đình công ra cấp liên doanh nghiệp, cấp ngành làm cho tranh chấp trong quan hệ lao động có xu hướng tăng cả về quy mô và tính phức tạp, gây ra những khó khăn, thách thức to lớn cho Công đoàn Việt Nam trong vai trò là tổ chức điều hòa quan hệ lao động, chủ thể quan trọng thúc đẩy việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta.

Những vấn đề đặt ra với hệ thống chính trị Việt Nam

Những khó khăn, thách thức đặt ra cho Công đoàn Việt Nam khi thực thi các cam kết trong TPP không chỉ là những vấn đề của riêng Công đoàn Việt Nam, mà sâu xa hơn, những cam kết đó cũng đặt ra cho hệ thống chính trị nước ta nhiều vấn đề cần suy nghĩ, nghiên cứu thấu đáo để có những giải pháp ứng phó.

Một là, khi TPP được thực thi đầy đủ, quan hệ lao động và hoạt động công đoàn ở Việt Nam sẽ trải qua một giai đoạn biến động phức tạp. Việc thừa nhận các tổ chức của người lao động ngoài hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam sẽ làm cho giai cấp công nhân có thể bị phân hóa, chia rẽ. Theo các cam kết trong TPP, tổ chức của người lao động không phải thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm chính trị, tức là không chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy, việc giác ngộ ý thức giai cấp, bản lĩnh chính trị cho những người lao động này sẽ như thế nào? Những vấn đề này sẽ tác động đến khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức, nền tảng chính trị - xã hội của Nhà nước và do đó sẽ tác động đến hệ thống chính trị nước ta.

Hai là, Công đoàn Việt Nam có vai trò, vị trí là thành viên của hệ thống chính trị Việt Nam bởi là tổ chức đại diện của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Khi thực thi các cam kết của TPP, nếu kịch bản xấu xảy ra, số lượng đoàn viên giảm mạnh, Công đoàn Việt Nam giả sử không còn tập hợp được đa số người lao động trong xã hội nữa thì vị trí, vai trò của Công đoàn Việt Nam trong hệ thống chính trị sẽ như thế nào? Điều đó có ảnh hưởng gì đến cơ cấu tổ chức và sự bền vững của hệ thống chính trị nước ta?

 

Ba là, các cam kết trong TPP cho phép các tổ chức của người lao động có quyền đề nghị và nhận hỗ trợ về kỹ thuật, đào tạo từ các tổ chức trong nước và tổ chức của nước ngoài hoạt động hợp pháp ở Việt Nam. Cho dù cam kết chỉ cho phép các hoạt động hỗ trợ về kỹ thuật và đào tạo, đồng thời các tổ chức của người lao động không được phép tham gia các hoạt động ngoài phạm vi quyền lao động, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Nhưng việc quản lý các hoạt động hỗ trợ đó như thế nào; quản lý, phân định hoạt động của tổ chức đại diện người lao động là trong hay ngoài phạm vi quyền lao động hoặc có màu sắc chính trị hay không... là những vấn đề đặt ra cần có hành lang pháp lý rõ ràng, hiệu quả. Nhất là trong điều kiện các tổ chức phản động, thế lực thù địch với sự hậu thuẫn nguồn lực to lớn từ bên ngoài luôn tìm mọi cách, mọi cớ để can thiệp, kích động, chống phá sự ổn định chính trị của nước ta.

Bốn là, với những cam kết về thương lượng tập thể và mở rộng phạm vi đình công trong TPP, dự báo tình hình quan hệ lao động, đình công sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Các xung đột trong và ngoài phạm vi doanh nghiệp cũng sẽ diễn biến phức tạp. Các xung đột này có thể chỉ đơn thuần là xung đột xã hội nhưng cũng không ngoại trừ sẽ mang màu sắc chính trị nếu bị lợi dụng, kích động. Và khi đó sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Khi có hiệu lực, TPP sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay, với 800 triệu dân, tổng GDP tới 28.000 tỷ USD, chiếm 40% GDP và khoảng 30% tổng thương mại toàn cầu. Những lợi ích khi tham gia TPP mang lại là rõ ràng với Việt Nam, nhưng những thách thức cũng không nhỏ. Việc nhận diện, dự báo những thách thức, những vấn đề đặt ra là hết sức quan trọng và cần thiết phải có những nghiên cứu thấu đáo để có những kịch bản, giải pháp ứng phó nhằm tranh thủ, tận dụng hiệu quả các thời cơ, thuận lợi, đồng thời vượt qua hoặc hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực từ những khó khăn, thách thức để đạt được các lợi ích quốc gia, dân tộc một cách hiệu quả nhất.

Nên đọc
Theo Tạp chí Cộng sản
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo