Hỗ trợ doanh nghiệp

Nợ trên 9 tỷ USD, hãng sản xuất túi khí ôtô lớn nhất thế giới xin phá sản

Hãng sản xuất túi khí ôtô lớn nhất thế giới của Nhật Bản ngày 26/6 đã quyết định xin bảo hộ phá sản trong bối cảnh công ty đang nợ trên 1.000 tỷ yen (9 tỷ USD) do liên tiếp phải thu hồi bộ túi khí ôtô.

Tập đoàn phụ tùng ô tô Takata của Nhật Bản cho biết đã quyết định xúc tiến thủ tục đệ đơn xin bảo hộ phá sản lên Tòa án quận Tokyo trong cuộc họp của ban điều hành trước đó cùng ngày, theo TTXVN. Nếu được chấp thuận, Takata sẽ cần phải tiến hành tái cấu trúc dưới sự giám sát của tòa án.

Tính đến cuối tháng 3 năm nay, các khoản nợ của Takata ước tính khoảng 400 tỷ Yen. Nếu tính gộp cả khoản nợ 1.000 tỷ yen từ hoạt động thu hồi liên quan lỗi túi khí, số tiền này sẽ vượt trên cả khoản nợ 448 tỷ yen và 500 tỷ yen của nhà sản xuất chất bán dẫn Nhật Bản Elpida Memory và Tập đoàn Panasonic, vốn đã tuyên bố phá sản lần lượt vào năm 2012 và 2016.

Tập đoàn phụ tùng ô tô Takata của Nhật Bản xin phá sản.

Takata sẽ được bán lại cho công ty sản xuất túi khí Key Safety Systems (KSS) của Mỹ. KSS nhất trí mua lại Takata với giá 1,6 tỷ USD. Sau vụ mua lại, KSS dự kiến sẽ giữ nguyên nhân viên của Takata trên toàn cầu và đưa công ty này hoàn tất quy trình phá sản vào cuối quý 1/2018, theo báo VnEconomy.

Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo bắt đầu dừng giao dịch cổ phiếu Takata từ ngày 26/6 và cho biết cổ phiếu này sẽ bị hủy niêm yết từ ngày 27/7.

Theo kết quả điều tra, sản phẩm túi khí của Takata có thể bị lỗi và làm bắn những mảnh vỡ kim loại vào người ngồi trong xe. Lỗi này được cho là có liên quan đến cái chết của ít nhất 17 người trên toàn thế giới.

Khi một túi khí Takata bị nổ trong một chiếc Honda Accord vào năm 2004, Takata gọi đó là một trường hợp bất bình thường. Nhưng kể từ đó, cơ quan chức năng đã liên tục tiến hành các vụ triệu hồi liên quan tới hàng triệu túi khí Takata được lắp trong xe của hàng chục nhà sản xuất.

Tính đến nay đã có hơn 100 triệu túi khí Takata bị triệu hồi do bị tình nghi gây thương vong hoặc tổn thất kinh tế. Theo ước tính của Tokyo Shoko Research, nghĩa vụ nợ của Takata có thể lên tới 15 tỷ USD nếu tính cả phí tổn của các cuộc triều hồi túi khí.

 

Hồi tháng 1 năm nay, Takata thừa nhận đã che giấu rủi ro chết người từ việc túi khí của hãng bị nổ trong suốt 15 năm, đồng thời nhất trí nộp phạt 1 tỷ USD cho cơ quan chức năng, người tiêu dùng, và các hãng xe Mỹ.

Riêng tại Mỹ, khoảng 43 triệu túi khí Takata là đối tượng triệu hồi, và tính đến ngày 26/5 mới chỉ có 38% số này được sửa chữa - theo số liệu của Bộ Giao thông Mỹ. Tại Nhật Bản, số túi khí Takata trong diện triệu hồi nằm trong 19 triệu xe, và 73% đã được sửa chữa.

Nên đọc
Công Danh (tổng hợp theo TTXVN, VnEconomy)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo