NSND Thanh Tòng qua đời: "Cây đại thụ" tuồng cổ đã nằm xuống
Nghệ sĩ Thanh Tòng là con, là cháu, là hiện thân của những nghệ sĩ lớn: đào Vĩnh Xuân, kép Hai Thắng, bầu Minh Tơ, đào Bảy Sự. Ông là hậu duệ thứ 4 của một gia đình nghệ thuật đình đám.
Sống cùng với tiếng nhạc, tiếng trống và những lời ca từ nhỏ, hát bội dường như đã gắn bó sâu sắc với tuổi thơ nghệ sĩ Thanh Tòng. Từ nền tảng vững chắc này, Thanh Tòng đã trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng và được mệnh danh là "Ông vua của cải lương tuồng cổ", báo Một thế giới đưa tin.
Cậu bé Nguyễn Thanh Tòng ra đời vào ngày 19/8/1948 tại đình Cầu Quan. Đó là ngôi đình nằm trên đoạn đường Yersin nối liền hai đường Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn ngày nay.
Với mong muốn con cháu nối tiếp truyền thống nghệ thuật nên nghệ sĩ Minh Tơ và nghệ sĩ Bảy Sự đã đào tạo Thanh Tòng rất bài bản ngay từ nhỏ. Mong ước của nghệ sĩ Minh Tơ sau này đã được Thanh Tòng thực hiện một cách trọn vẹn.
Năm 10 tuổi, Thanh Tòng đã có thể đảm nhận các loại vai, từ kép chính đến kép phụ, từ kép võ đến kép văn, từ vai bi đến vai hài, đều dễ dàng lấy đi nhiều cảm xúc của người xem. Tài năng của Thanh Tòng phát lộ từ khi còn nhỏ khiến khán giả trầm trồ ngợi khen và dự đoán sau này ông sẽ trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng.
Không ngoài dự đoán, cũng như niềm mong mỏi của gia đình. Thanh Tòng trở thành một nghệ sĩ lớn, nối nghiệp cha ông. Từ đó Thanh Tòng đã vượt qua vô vàn những thử thách dấn thân và tận hiến đến hơi thở cuối cùng cho nghệ thuật.
Chia sẻ với phóng viên báo Người lao động, khi hay tin NSND Thanh Tòng qua đời, NSND Kim Cương cho biết: “Tòng với gia đình tôi là một mối thâm tình! Má tôi – NSND Bảy Nam khi còn sống rất yêu quý Tòng.
Mỗi lần nghe băng dĩa Tòng hát, má khen và kêu tôi hẹn dùm Tòng lên nhà để má tặng cho những “bảo bối” nghề hát. Má tôi và Tòng đã có những buổi trao đổi, tranh luận rất thú vị về nghề hát, các trình thức vũ đạo.
Thương Tòng quá, ra đi giữa lúc chưa nhìn thấy được con gái út của mình là NSƯT Quế Trân lên xe hoa. Khi sức khỏe Tòng yếu đi, hai chị em đi họp ở Hà Nội, theo lời mời của Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, Tòng đi đứng khó khăn, tôi lúc đó 70 tuổi dìu “đứa em” 65 tuổi đi từng bước lên sân khấu.
Tòng ra đi là một mất mát lớn của sân khấu cải lương tuồng cổ, bởi những đóng góp rất lớn của em đối với sự nghiệp sân khấu dân tộc”.
NSND Ngọc Giàu tâm sự trong nghẹn ngào: “Tôi không thể tin ông qua đời sau khi cả giới nghệ sĩ, ca sĩ đã quá đau sầu vì sự ra đi của ca sĩ Minh Thuận. Những thông tin về ông khi vào bệnh viện điều trị vẫn không ai biết.
Ông không thích sự ồn ào, và đến khi anh em nghệ sĩ trong gia tộc Bầu Thắng, Minh Tơ, Thanh Tòng thông báo ông qua đời, tôi mới bàng hoàng bật khóc.
Tôi rất ngưỡng mộ Thanh Tòng ở tài năng sáng tạo và cuộc sống khiêm tốn của nghệ sĩ con nhà nòi. Những sáng tác sân khấu cải lương tuồng cổ của ông mãi mãi là di sản vô giá của ông cho sân khấu cải lương tuồng cổ."
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Lộ khoảnh khắc Vũ Khắc Tiệp sánh đôi cùng gái lạ sau khi ‘chia tay’ Ngọc Trinh
Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng với ‘Đêm lao xao’ mang đậm dấu ấn mùa đông
Phản ứng của Đàm Vĩnh Hưng khi đối diện cáo buộc trốn thuế, tống tiền, hôn nhân với vợ cũ bị nghi ngờ
Nhật Kim Anh đáp trả hài hước khi bị mỉa mai chụp quá nhiều bộ ảnh bầu bí, đính chính luôn điều này