Hỗ trợ doanh nghiệp

Oman tiếp tục chạy đua giành quyền mua cảng Hải Phòng

Sau khi tập đoàn Vingroup đề xuất mua 80% cổ phần tại cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn lên Chính phủ, Quỹ dự trữ quốc gia Oman (SGRF) đã tiếp tục gửi văn bản lên Thủ tướng, đề nghị cho phép mua tối đa số cổ phần bán ra tại đây.

 Cảng Hải Phòng ngày cảng được các nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: VNL

 

Cuộc chạy đua giành quyền mua cổ phần tại cảng Hải Phòng ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với việc hôm 19/3, SGRF đã tiếp tục gửi văn bản lên Chính phủ Việt Nam và các bộ ngành có liên quan, đề nghị bán cho Công ty cổ phần đầu tư Việt Nam – Oman, một công ty con thuộc quỹ này toàn bộ số cổ phần mà Nhà nước (nếu bán) thêm ra.

Đề nghị này xuất phát từ việc SGRF được biết về việc một công ty tư nhân của Việt Nam (cụ thể là tập đoàn Vingroup-NV) đề nghị bán cho tập đoàn này 80% số cổ phần của Cảng Hải Phòng. Bộ GTVT đã chuyển đề xuất này của Vingroup lên Thủ tướng quyết định. Hiện Chính phủ chưa trả lời đề xuất của Vingroup .

Tuy nhiên, theo đề án tái cơ cấu Vinalines được phê duyệt hồi tháng 10/2014, Nhà nước vẫn sẽ giữ tối thiểu 65% và tối đa 75% cổ phần tại cảng này. Sau cổ phần hóa hồi đầu năm 2014,  vốn  Nhà nước hiện còn 94,68%. Trước đó, tháng 12/2014, Chính phủ đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc việc bán tối đa 29,58% số cổ phần tại đây cho Oman. Bộ GTVT đã trình lên phương án dự kiến bán thỏa thuận trực tiếp lượng cổ phần này cho nhà đầu tư ngoại. Song Chính phủ hiện cũng chưa có phản hồi.

Tại thời điểm này, việc mua Cảng Hải Phòng đã không còn là sự quan tâm của riêng SGRF nữa. Sau khi báo giới thông tin về sự xuất hiện của Vingroup, SGRF bày tỏ sự theo đuổi cuộc mua bán quyết liệt hơn. Trong văn bản gửi phía Việt Nam hôm 19/3,  ông Adbuslam Al  Mursdhidi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của SGRF, đề xuất Chính phủ vẫn bán cho Oman số cổ phần nêu trên theo thỏa thuận trực tiếp. Phần bán bổ sung đến đâu, Oman sẽ mua tối đa.

Trong trường hợp công ty này không thể mua vượt quá 49% số cổ phần mà nhà đầu tư ngoại được sở hữu theo cam kết của Việt Nam tại WTO  thì phía Oman sẽ liên doanh với công ty trong nước mà Chính phủ chỉ định hoặc tự tìm đối tác lập liên doanh để mua lại toàn bộ số cổ phần bán ra.

Phía Oman nhấn mạnh rằng họ sẽ cam kết cải thiện kết quả kinh doanh tại đây sau khi trở thành cổ đông lớn nhờ kinh nghiệm kinh doanh cảng biển tại một số quốc gia khác.

Như vậy, cuộc đua giành quyền mua cảng Hải Phòng ngày càng trở nên quyết liệt hơn dù Chính phủ chưa có quyết định cuối cùng về việc bán cho ai, theo phương án nào. Với những lời đề xuất nêu trên, khả năng cổ phiếu cảng Hải Phòng sau khi bị ế hồi năm 2014 với mức giá hơn 13.000 đồng/cổ phiếu sẽ được đẩy lên một mặt bằng mới do việc chạy đua của các nhà đầu tư.

 

Theo TBKTSG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo