Hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Nguyễn Thiện Nhân: 'Kết nối nghiên cứu và doanh nghiệp là điểm yếu trong 40 năm qua'

Để phát triển cộng đồng startup tại Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân đưa khuyến nghị để tăng kết nối giữa giới nghiên cứu và doanh nghiệp.

Phát biểu tại Diễn đàn "Kết nối Startup Việt trong và ngoài nước" do Bộ Ngoại giao và UBND TP.HCM tổ chức sáng 26/6, Bí thư Thành ủy TP.HCM - Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, mối quan tâm của Thành phố là dạng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tức sản xuất và cung cấp dịch vụ mới, ứng dụng từ công nghệ mới. Theo ông, để startup dạng này phát triển thì mối quan hệ giữa đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp phải cải thiện.

"Một trong những điểm yếu của thành phố và cũng của đất nước là trong khi chúng ta nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ thì sự ứng dụng, kết nối của khoa học công nghệ vào đời sống kinh tế còn hạn chế. Hạn chế này không phải ngày hôm nay mà 40 năm rồi", ông nói và đưa ra hai giải pháp.

Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn sáng 26/6.

Một là phát triển thị trường khoa học công nghệ, giúp nghiên cứu đến được doanh nghiệp và doanh nghiệp đặt hàng các nhà khoa học. Hai là lúc thành lập doanh nghiệp, phải có sự kết hợp từ đầu giữa công nghệ và kinh doanh.

"Thu nhập thấp có khởi nghiệp sáng tạo được không? Nhìn thực tế các nước châu Á thì câu trả lời là có. Có phải đông dân mới làm khởi nghiệp sáng tạo được? Có thể xem ví dụ Israel. Vấn đề không phải số đông mà là chuẩn bị nhân lực tốt, có khả năng về công nghệ, kết nối với quản trị", ông nhận xét.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng khuyến khích tinh thần không ngại thất bại trong nghiên cứu và khởi nghiệp. Quan điểm của ông nhận được sự đồng tình của ông Shlomo Nimrodi - Giám đốc điều hành Ramot thuộc Đại học Tel Aviv (Israel).

"Giới viện trường đóng vai trò rất quan trọng, với hàng nghìn startup xuất phát từ đây. Mỗi năm, hệ sinh thái khởi nghiệp Israel có thêm khoảng 500 startup mới, nhưng sau đó, tầm 300-400 startup không còn tồn tại. Có nghĩa là thất bại nhiều nhưng chúng tôi không sợ", ông Shlomo Nimrodi chia sẻ.

Theo số liệu của Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM, hiện Thành phố có hơn 760 nhóm cá nhân/ tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm 42% số lượng cả nước. Các startup tập trung vào các ngành chính như ICT, nông nghiệp, giáo dục-đào tạo.

 

Thời gian các startup thành lập và phát triển còn rất ngắn, từ một năm trở xuống. 60% có vốn dưới một tỷ đồng. Đa số đang trong giai đoạn thử nghiệm sản phẩm và đánh giá thị trường. Gần 51% các startup chưa nhận được vốn tài trợ. Khoảng 31% đang tìm nhà đầu tư.

Bà Thạch Lê Anh - Đồng sáng lập Quỹ Khởi nghiệp Việt Nam và Vietnam Silicon Valley Accelerator cho biết đang cố gắng nhân rộng mô hình Accelerator với đặc điểm bỏ vốn mồi nhằm thu hút startup và nhà đầu tư đến. Một trung tâm Accelerator dự kiến sẽ thành lập ở TP.HCM.

"Chúng tôi đã trình với TP.HCM và Bộ Khoa học - Công nghệ về dự án xây dựng trung tâm VSV Ventures Campus. Hy vọng dự án sẽ sớm được phê duyệt. Chúng tôi đang rất sẵn sàng đầu tư vào đây", bà Lê Anh chia sẻ.

Diễn đàn lần này quy tụ khoảng 400 đại biểu trong và ngoài nước, gồm lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp và startup. Sự kiện diễn ra trong hai ngày, một ngày thảo luận về các giải pháp phát triển và đưa startup ra thế giới. Ngày còn lại để các startup trình bày ý tưởng và nhận góp ý, tư vấn của chuyên gia.

Nên đọc
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo