Hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Vũ Tiến Lộc lo "siêu uỷ ban" không quản nổi khối tài sản 130 tỷ USD

(DNVN) - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng phương án thành lập Ủy ban Quản lý, Giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (siêu ủy ban) mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là không phù hợp.

Thời gian gần đây, dư luận đang "nóng" về việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo nghị định với nội dung thành lập một uỷ ban chuyên trách quản lý - giám sát vốn và tài sản Nhà nước, khối tài sản này đang được định giá khoảng 130 tỷ USD tại 800 doanh nghiệp.

Nêu ý kiến về việc này trước báo chí, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng việc thành lập một cơ quan để thay thế cách quản lý vốn theo mô hình bộ chủ quản vừa qua là đúng đắn, cần triển khai sớm trong nhiệm kỳ này.

Tuy nhiên, ông Lộc không ủng hộ phương án thành lập một ủy ban hay một bộ để quản lý doanh nghiệp Nhà nước vì đó vẫn là cơ quan quản lý hành chính nên không phù hợp. Vì thế, theo ông Lộc có thể thành lập 2 hay 3 tập đoàn tài chính Nhà nước (như mô hình Tập đoàn Temasek của Singapore) để tập hợp vốn của Nhà nước lại và thực hiện quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI.

Theo ông Lộc, các tập đoàn tài chính này thực hiện vai trò là nhà đầu tư vốn Nhà nước vào các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và các doanh nghiệp có vốn của Nhà nước hơn là một cơ quan kiểu ủy ban đã đề xuất. Các tập đoàn này hoạt động với tư cách là nhà đầu tư chứ không phải là cơ quan quản lý chuyên ngành nên có tính tự chủ cao, hoạt động hiệu quả hơn.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, thành lập khoảng 2-3 đơn vị là vừa sức và phù hợp với khả năng quản lý hiện tại, đồng thời tránh được sự độc quyền, tạo ra cạnh tranh, thi đua, học hỏi lẫn nhau. Sau một thời gian, chúng ta sẽ có điều kiện so sánh để thấy mô hình nào hiệu quả rồi chọn ra một mô hình tốt nhất và duy trì nó.

Nhìn lại mô hình Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hiện nay, ông Lộc cho rằng đơn vị này bị hạn chế là vẫn chỉ trực thuộc một bộ. Do đó, để giám sát hiệu quả, các tập đoàn mới có thể không trực thuộc Bộ Tài chính nữa nhưng Bộ Tài chính sẽ giúp Chính phủ theo dõi, giám sát việc sử dụng nguồn vốn tại đó. Kết quả hoạt động của các tập đoàn phải báo cáo và chịu sự giám sát của Quốc hội (vì các tập đoàn này nắm giữ tài sản, nguồn lực tài chính rất lớn của quốc gia.)

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo