PAN kỳ vọng doanh thu 20.000 tỷ trong bốn năm tới
Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (mã chứng khoán: PAN) vừa thông qua kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm nay lần lượt đạt 8.768 tỷ đồng và 538 tỷ đồng. Hai chỉ tiêu tài chính đều tăng trưởng mạnh so với năm trước, nhưng tốc độ không cân xứng do cơ cấu lợi nhuận không đề cập đến lợi thế từ hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A).
Về dài hạn, PAN đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp dẫn đầu mảng nông nghiệp và thực phẩm với doanh số 20.000 tỷ đồng và vốn hoá một tỷ USD.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN khẳng định giai đoạn 2018-2022, doanh nghiệp này vẫn sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu khoảng 70% và lợi nhuận 50% mỗi năm. Nền tảng của cam kết này đến từ việc tiếp tục thực hiện các thương vụ M&A doanh nghiệp cùng ngành.
“Trước đây, tiêu chí lựa chọn M&A là những doanh nghiệp có tài sản, năng lực tài chính, sản xuất và phân phối tốt. Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo sẽ mở rộng đối tượng bao gồm những doanh nghiệp có tài sản tốt nhưng khai thác chưa hiệu quả”, ông Hưng chia sẻ và cho biết thêm, đây là hướng đi nhanh và tốt nhất để công ty hoàn thiện chuỗi giá trị.
Tăng cường M&A là một trong những nguyên nhân chính được ban lãnh đạo công ty lý giải cho việc không chia cổ tức năm 2017, dù lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lên đến 372 tỷ đồng và hoàn thành vượt 96% kế hoạch. Công ty cũng cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao khi quá trình đàm phán hợp tác chiến lược với một tập đoàn Nhật Bản dự kiến kết thúc vào tháng 6.
Năm ngoái, PAN ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 4.075 tỷ đồng và 503 tỷ đồng. Tỷ trọng đóng góp của mảng thực phẩm và nông nghiệp lần lượt là 62,6% và 37,4%. Đột phá lớn nhất đến từ mảng thực phẩm, khi công ty liên tiếp tăng sở hữu tại nhiều doanh nghiệp như Bibica (bánh kẹo), Thực phẩm Sao Ta (chế biến thuỷ sản), Nước mắm 584 Nha Trang…
End of content
Không có tin nào tiếp theo