Phân cấp quản lý đầu tư công: Bất cập từ cơ chế
Địa phương kêu “oan”
Trước năm 2003, tất cả các dự án đều được quyết định ở cấp Trung ương. Từ 2003 - 2006 bắt đầu có sự phân cấp theo quy mô và tính chất của dự án. Nhưng từ 2006 đến nay, phần lớn dự án được phân cấp cho ngành và địa phương.
Tại hội thảo bàn về Tái cấu trúc đầu tư công diễn ra mới đây, Tiến sĩ khoa học Võ Đại Lược cho rằng, đây là sự "khoán trắng đầu tư công" mà hệ lụy của nó là tỉnh, thành nào cũng đặt mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp, có khu cụm công nghiệp, có sân bay, bến cảng, trường Đại học - Cao đẳng riêng… Xây nhiều, phát triển nhanh là thế nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn chưa xây dựng một cảng nước sâu nào có tầm cỡ quốc tế, chất lượng giáo dục đại học không được cải thiện vì bị phân tán…
Dư luận cho rằng, có tình trạng kể trên là do địa phương đã được quyền tự chủ quá lớn trong các quy hoạch phát triển, phân cấp đất, quyền quyết định xây dựng cơ sở hạ tầng trong tỉnh; rằng cơ quan Trung ương đã buông lỏng giám sát, kiểm tra.
Nhưng theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thực chất tất cả các dự án đầu tư đều được quyết định từ Trung ương chứ không phải do địa phương tự quyết. Có thể xác định đầu tư công là một sản phẩm của cơ chế xin - cho, trong đó cả hai phía "xin" và "cho" đều có lợi ích chung và lợi ích nhóm, và cũng có hiện tượng "gửi dự án" về địa phương.
Lập luận này càng có lý khi xem xét đến quy trình phân cấp "ngược" hiện nay, đó là ngành và địa phương quyết định về dự án đầu tư, nhưng vốn lại ghi là "xin ngân sách Trung ương". Lãnh đạo một số địa phương thành thật cho biết, chỉ khi được cấp Trung ương "bật đèn xanh", địa phương mới dám đề xuất lập dự án.
Hệ quả là số dự án ở địa phương quá nhiều, trong khi vốn ngân sách bị hạn hẹp và dàn trải, dẫn đến nhiều dự án lâm vào tình trạng thiếu vốn. Đồng thời cũng diễn ra quá trình "chạy vốn cho dự án" một cách quyết liệt giữa các địa phương, và việc phê duyệt cấp - cho vay vốn một cách chủ quan của các cơ quan có thẩm quyền.
Trao quyền cho một cấp quản lý vùng
Theo Tiến sĩ Võ Đại Lược, để đầu tư công hiệu quả và không bị tràn lan, chồng chéo ở các địa phương, vấn đề trước tiên phải thực hiện quy hoạch vùng phát triển, từ đó mới tính tới quy hoạch phát triển các tỉnh, chứ không làm ngược như hiện nay. Mỗi một vùng kinh tế phải tính tới các tuyến phát triển, chẳng hạn vùng đồng bằng sông Hồng có thể xây dựng một tuyến phát triển từ Hà Nội đi Hải Phòng, lấy khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải làm cửa mở, cải tạo cảng Lạch Duyên thành cảng nước sâu, xây dựng đường sắt cao tốc (250 km/h), đường bộ cao tốc, đường sông hiện đại từ Hà Nội - Hải Phòng.
Các vùng kinh tế cũng phải thực hiện đô thị hóa với tầm nhìn thế kỷ. Ví như với vùng đồng bằng sông Hồng có thể xây dựng một chùm đô thị Hà Nội - Hải Phòng - Nam Định có đường kính 100 km, lấy cảng Hải Phòng làm cửa mở. Nếu xây dựng 3 tuyến đường sắt và đường bộ cao tốc: Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Nam Định, Nam Định - Hà Nội thì chùm đô thị này sẽ thực sự có sức hấp dẫn, phát triển cả về công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Cuối cùng vấn đề mấu chốt là xây dựng một cấp quản lý vùng có quyền quyết định quy hoạch phát triển của vùng đó, quyền xây dựng cơ sở hạ tầng, các đô thị, các khu công nghiệp, trường đại học… trong phạm vi của vùng. Nếu xem đây là giải pháp cơ bản cho việc đổi mới cơ chế phân cấp và quản lý đầu tư công ở nước ta thì không khó để hiện thực hóa trong thời gian sớm nhất.
Hiện cả nước đang xây dựng 20 cảng biển quốc tế, xây dựng và mở rộng 22 sân bay dân dụng trong đó có 8 sân bay quốc tế, 18 khu kinh tế biển, 30 khu kinh tế cửa khẩu, 260 khu công nghiệp, 650 cụm công nghiệp.
Trong vòng 10 năm (2001 - 2010) đã quyết định thành lập mới 307 trường đại học, học viện. Tính chung cả nước có 409 trường đại học, cao đẳng, học viện, bình quân mỗi tỉnh có 6 trường... Tuy nhiên, việc phát triển về số lượng có đi liền với yêu cầu của thực tiễn đang là điều đáng bàn.
Theo KTĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo