Hỗ trợ doanh nghiệp

Phần lớn doanh nghiệp đóng cửa vì thiếu đầu ra

Năm 2014, hơn 40% doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động do không tìm được đầu ra cho sản phẩm.

 

Chủ yếu nhỏ và siêu nhỏ
 
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, năm 2014, tình hình DN vẫn rất khó khăn, số DN ngừng hoạt động cao. Đặc biệt, quy mô DN không được cải thiện, thậm chí nhỏ đi, có tới 96% số lượng DN thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ. “DN nước ta như đội thuyền thúng xa khơi để hội nhập. Phần lớn DN hoạt động trong khu vực phi chính thức, nhỏ nên Việt Nam khó gắn kết với kinh tế toàn cầu”, TS Lộc nói.
 
Ông Lộc cho rằng, chúng ta hô hào phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, nhưng hỗ trợ ngành nào, công nghệ cao ra sao vẫn chưa có trả lời thỏa đáng. Ông Lộc kể, có lần Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nói, nhiều đoàn Việt Nam sang Nhật kêu gọi đầu tư, nhưng chỉ hô hào hãy đầu tư vào Việt Nam đi. Khi DN Nhật hỏi lại, thế nào là công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ là ngành nào? Không ai trả lời được.
 
 
Hầu hết doanh nghiệp Việt thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ. Ảnh: Như Ý.
 
 
Theo Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2014 (do VCCI thực hiện), năm qua, cả nước có gần 75.000 DN đăng ký thành lập mới, nhưng có tới hơn 67.800 DN khó khăn phải ngừng hoạt động và giải thể (trong đó có tới 93% số DN nhỏ, quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng).
 
Nguyên nhân chính khiến DN ngừng hoạt động là không tìm được đầu ra cho sản phẩm (chiếm 40%), tiếp đến do giá cả nguyên liệu cao, thiếu hụt nguồn vốn… Ngoài ra, hiệu quả sử dụng lao động của DN đã không được cải thiện còn giảm đi (từ 17,3 lần năm 2007 xuống 15,7 lần năm 2013). “Điều này chủ yếu do tiền lương tăng nhưng chất lượng lao động chưa tăng tương xứng”, báo cáo đánh giá.

Dưa hấu là bài học cho mắc ca
 
Trước tình trạng dư thừa dưa hấu thời gian qua, trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ NN&PT-NT Hà Công Tuấn cho biết: Đầu ra cho dưa hấu phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, rủi ro lớn, nên phải chấp nhận. “Chúng ta chưa lường hết diễn biến thị trường và để nông dân sản xuất nhiều hơn nhu cầu. Chúng tôi chia sẻ với bà con và coi đây có phần trách nhiệm của bộ”, Thứ trưởng Tuấn nói.
 
Theo Thứ trưởng Tuấn, câu chuyện dưa hấu còn là bài học cho việc phát triển cây mắc ca. Khi mắc ca là cây công nghiệp dài ngày, phải làm nghiêm túc, có cơ sở khoa học và dự báo chắc chắn về thị trường, không thể căn cứ theo điều kiện khí hậu, địa chất để phát triển. “Việc khảo nghiệm và chịu rủi ro là vai trò của nhà nước. Bộ ý thức điều đó và không bao giờ dùng nông dân để khảo nghiệm cho cái chúng ta chưa chắc chắn”, Thứ trưởng Tuấn nói.
Theo TPO
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo