Entertainment One tiếp tục bị doanh nghiệp Việt khởi kiện
Doanh nghiệp cần nhận thức rõ về quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh / Tổng giám đốc WHO ủng hộ miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ vaccine COVID-19
“Cha đẻ” hai nhân vật hoạt hình Wolfoo và Peppa Pig kiện ngược lẫn nhau
Diễn biến mới nhất của vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa hai nhân vật hoạt hình Wolfoo (do Sconnect Việt Nam sở hữu) và Peppa Pig (do EO sở hữu), ngày 15/9/2022, Sconnect Việt Nam đã gửi đơn khởi kiện EO lên TAND TP Hà Nội vì hành vi xâm hại quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh phim hoạt hình, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng Wolfoo. Đây là vụ kiện thứ 2 Sconnect khởi kiện EO tại TAND TP Hà Nội.
Trước đó, ngày 19/8/2022, Sconnect đã nộp đơn khởi kiện EO - doanh nghiệp có trụ sở tại London (Anh) ra TAND TP Hà Nội. Trong đơn khởi kiện thứ nhất gửi tới TAND TP Hà Nội, Sconnect tố cáo EO sử dụng trái phép nhãn hiệu Wolfoo trong các video Peppa Pig (đây là hành vi vi phạm điểm b, khoản 1 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ); đồng thời đề nghị Tòa xem xét phán quyết buộc EO phải chấm dứt các hành vi vi phạm nhãn hiệu và đăng công khai xin lỗi Sconnect trên 3 tờ báo quốc tế.
Tháng 8/2022, sau khi EO rút đơn kiện tại Toà án Nga, Sconnect đã khởi kiện “ngược” EO tại Tòa án Mátxcơva (Nga) yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh mà công ty này phải chịu do EO gây ra. Dự kiến toà án Mátxcơva sẽ mở phiên xử đầu tiên vào ngày 10/10/2022 và sẽ tiến hành xét xử trong 2-3 phiên toà.
Như vậy tính tới thời điểm này, EO đang phải đối mặt với 3 vụ kiện từ phía Sconnect, 2 vụ kiện tại Việt Nam và 1 vụ kiện tại Nga. Và ngược lại, EO cũng đang khởi kiện Sconect tại Toà án cấp cao Anh nhưng đơn kiện chưa được tòa thụ lý. Dự kiến Toà án cấp cao Anh sẽ mở phiên điều trần vào tháng 11 tới đây để xem xét các chứng cứ, sau đó toà mới có quyết định chấp nhận thụ lý đơn kiện hay không.
Đáng chú ý là Sconnect đã có chứng nhận bản quyền hình ảnh bộ nhân vật Wolfoo tại Việt Nam, chứng nhận bản quyền hình ảnh bộ nhân vật Wolfoo tại Mỹ (với 20 nhân vật), chứng nhận bản quyền kịch bản phim hoạt hình Wolfoo tại Việt Nam, chứng nhận bản quyền phim hoạt hình Wolfoo tại Việt Nam.
Ngoài ra, Sconnect đăng ký nhãn hiệu Wolfoo tại Việt Nam (đã nộp đơn đăng ký thành công tháng 12/2021), đăng ký 5 nhãn hiệu - Wolfoo hình và chữ, Wolfoo chữ, Mrs.Wolf hình và chữ, Mr.Wolf hình và chữ, Lucy hình và chữ tại Nga (đã nộp đơn thành công tháng 5/2022), nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Wolfoo tại Mỹ hồi tháng 3/2021, nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Wolfoo chữ cách điệu tại EU thành công vào tháng 3/2022.
Sconnect “tố” đối thủ mạo danh và yêu cầu bồi thường
Trong đơn khởi kiện gửi tới TAND TP Hà Nội vào ngày 15/9/2022 Sconnect cho biết, từ năm 2018 công ty bắt đầu đăng tải các video phim hoạt hình Wolfoo lên các kênh YouTube, sau đó sẽ nhận được tiền trả về từ YouTube thông qua việc YouTube chèn quảng cáo vào video. Các video trên được đăng tải trên nhiều kênh khác nhau, Wolfoo đã được người dùng trên toàn cầu đón nhận với sự phát triển nhanh chóng. Đến nay Wolfoo đã có hơn 50 triệu người đăng ký, đạt tổng cộng hơn 30 tỷ view; nhận được 3 nút kim cương và hàng chục nút vàng, nút bạc của YouTube.
Tháng 8/2022, Sconnect phát hiện EO đã có hành vi mạo danh là chủ sở hữu của bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo cùng nhiều video phim hoạt hình Wolfoo trên YouTube sau đó sử dụng các video này để làm căn cứ kết luận các video phim hoạt hình Wolfoo gốc của Sconnect (những video được đăng tải ở các kênh YouTube của Sconnect) là sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các video phim hoạt hình Wolfoo mà họ đưa ra. Số lượng sản phẩm bị mạo danh lên tới hàng chục tác phẩm.
Trước đó, từ tháng 11/2021, EO còn thông báo với YouTube, các sản phẩm phim hoạt hình Wolfoo là sản phẩm làm lại của phim hoạt hình Peppa Pig (mà EO là chủ sở hữu) mặc dù không có bất kỳ căn cứ xác thực nào. Vào tháng 7/2022, Tòa án Nga đã có phán quyết EO không được phép khiếu nại hay khiếu kiện “về việc Wolfoo là sản phẩm làm lại của Peppa Pig”. Số lượng video Wolfoo bị EO xuyên tạc trắng trợn với lý do nêu trên lên tới hơn 1.000 video.
Hành vi của EO đã dẫn tới hậu quả là hàng loạt video phim hoạt hình Wolfoo gốc của Sconnect bị YouTube xóa bỏ, không được phép hiển thị, kinh doanh và kiếm tiền trên YouTube. Dựa vào những khiếu nại vô căn cứ của EO, YouTube đã xác định các video của Wolfoo là vi phạm bản quyền và xóa các video này theo yêu cầu của EO khi chưa có sự xác minh về tính xác thực của vụ việc.
Đồng thời, các kênh YouTube bị nhận 3 cảnh cáo vi phạm bản quyền trở lên như trên của Sconnect không được đăng tải các video mới, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận hợp pháp của chủ sở hữu Wolfoo. Các video sản xuất ra vẫn bị tồn đọng trong kho lưu trữ và không thể nào đăng tải lên YouTube. Ngoài những thiệt hại về doanh thu và lợi nhuận, Sconnect còn phải chịu nhiều thiệt hại trực tiếp và gián tiếp liên quan đến hình ảnh thương hiệu, danh dự, uy tín, cơ hội và tốc độ phát triển. Cùng với đó, bản thân chính các khách hàng, khán giả của Wolfoo cũng phải chịu tác động từ những ảnh hưởng tiêu cực này.
“Mặc dù đã đưa ra rất nhiều chứng cứ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp cũng như quá trình sản xuất độc lập các video phim hoạt hình Wolfoo nhưng chúng tôi vẫn không được YouTube chấp nhận và cho khôi phục lại các video cũng như quyền kinh doanh, kiếm tiền trên YouTube”, ông Tạ Mạnh Hoàng, CEO của Sconnect cho biết.
Theo chính sách của YouTube, người được phép đánh dấu vi phạm bản quyền các video trên YouTube phải là chủ sở hữu hoặc người đại diện theo ủy quyền hợp pháp của tài sản trí tuệ bị vi phạm. Trong khi đó, EO đang thực tế mạo danh rằng mình là chủ sở hữu các video phim hoạt hình Wolfoo để báo cáo với YouTube. Mặc dù EO không có bất cứ quyền và lợi ích hợp pháp nào đối với phim hoạt hình Wolfoo, bao gồm nhưng không giới hạn toàn bộ cấu thành âm thanh, hình ảnh, nhãn hiệu để sáng tạo ra phim hoạt hình Wolfoo.
Sau khi phát hiện hành vi sử dụng nhãn hiệu trái phép của EO, ngày 12/8/2022, với tinh thần thiện chí, Sconnect đã chủ động liên hệ, gửi thông báo kèm bằng chứng về hành vi vi phạm này cho phía EO qua thư điện tử yêu cầu các bị đơn chấm dứt hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Sconnect vẫn không nhận được bất kì phản hồi nào từ phía EO về mong muốn giải quyết các sai phạm liên quan đến các hành vi vi phạm và hậu quả đang diễn ra.
Phía Sconnect cho biết, do hành vi xâm hại quyền tác giả đối với phim hoạt hình Wolfoo và bộ nhân vật Wolfoo của EO thực hiện đã gây thiệt hại khoảng 844.200 USD (tương đương với gần 20 tỷ VNĐ). Thêm vào đó hãng phim hoạt hình Việt Nam còn bị thiệt hại về danh tiếng, thương hiệu. Việc bị xâm hại quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng Wolfoo của EO đã gây ra ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến hoạt động quảng bá, truyền thông cũng như quan hệ đối với đối tác.
Trong đơn khởi kiện thứ hai này, Sconnect đề nghị TAND TP Hà Nội xem xét và ra phán quyết yêu cầu: Buộc EO chấm dứt tất cả các hành vi vi xâm phạm quyền tác giả đối với Bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo; Phim hoạt hình Wolfoo bao gồm cả hành vi đánh dấu vi phạm bản quyền các Phim hoạt hình Wolfoo trên YouTube. Buộc YouTube (Google) và EO khôi phục toàn bộ các video phim hoạt hình Wolfoo bị EO đánh dấu là vi phạm bản quyền trên YouTube. Buộc các tổ chức, doanh nghiệp không tiếp nhận và hỗ trợ EO thực hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả của Sconnect đối với các Phim hoạt hình Wolfoo. Đồng thời EO cần cải chính và công khai xin lỗi Sconnect trên 3 bài báo quốc tế. Sconnect cũng yêu cầu Bị đơn là EO bồi thường số tiền tạm tính đến ngày 12/9/2022 là 844.200 USD.
Vì sao EO thất bại trong vụ kiện tại Nga?
Trong vụ tranh chấp bản quyền sở hữu trí tuệ giữa Wolfoo và Peppa Pig, EO đã kiện Sconnect tại Toà án Mátxcơva (Nga) và phần thắng đang nghiêng về phía Sconnect Việt Nam. Trong vụ kiện tại Nga, ngày 11/1/2022, EO nộp đơn khởi kiện tại Tòa án Mátxcơva, cáo buộc bộ nhân vật Wolfoo là sản phẩm làm lại của bộ nhân vật Peppa Pig, cáo buộc Sconnect vi phạm bản quyền tạo tác phẩm phái sinh và đăng tải trái phép lên các trang mạng điện tử.
Tháng 7/2022, dựa trên ý kiến thẩm định, đánh giá của các chuyên gia văn học nghệ thuật Nga khẳng định: “bộ nhân vật Wolfoo không phải làm lại từ bộ nhân vật Peppa Pig”, Tòa án Nga đã ra quyết định chấp thuận cho EO rút đơn kiện và tuyên bố “Entertainment One UK Limited (EO) không được khiếu nại, khiếu kiện về nội dung bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo của Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và dịch vụ Sconnect Việt Nam (Sconnect) là làm lại bộ nhân vật Peppa Pig”.
Sau khi tòa án Nga ra phán quyết, đại diện Sconnect bày tỏ sự đồng thuận vì nội dung phán quyết chứng tỏ việc EO khởi kiện là vô căn cứ và Wolfoo thuộc quyền sở hữu trí tuệ của Sconnect. Tháng 8/2022, Sconnect đã nộp đơn khởi kiện ngược lại EO tại Tòa án Mátxcơva yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh mà công ty phải chịu do EO gây ra.
EO và một doanh nghiệp Anh khác, Astley Baker Davies Limited (đều có trụ sở ở London), đồng sở hữu sản phẩm Peppa Pig. Các tập phim hoạt hình Peppa Pig (khoảng 450 tập) được chiếu trên truyền hình ở Anh và một số nước châu Âu khác.
Đến nay, Peppa Pig mới chỉ được đăng ký nhãn hiệu Peppa Pig có hình heo kèm chữ Peppa Pig cách điệu và nhãn hiệu chữ Peppa Pig tại Anh và Liên minh châu Âu (EU).
Trong khi đó, Sconnect (trụ sở ở Hà Nội) là chủ sở hữu của sản phẩm Wolfoo - bộ nhân vật và hàng loạt phim hoạt hình được sản xuất và kinh doanh bởi Sconnect với nội dung về chú sói nhỏ Wolfoo cùng gia đình và bạn bè. Các video hoạt hình Wolfoo (khoảng 2.700 tập) được phát trên nhiều nền tảng như mạng xã hội YouTube, Facebook, Tiktok; các nền tảng truyền hình, nền tảng online của nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Được biết, đầu tháng 9, Sconnect đã gửi đơn lên 4 Bộ trưởng các bộ: Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Công Thương. Trong đơn, Sconnect đề nghị các Bộ trưởng lên tiếng, can thiệp với Google và YouTube để bảo vệ bản quyền sản phẩm sáng tạo nổi tiếng của Việt Nam, đồng thời yêu cầu phía đối thủ chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng Internet.
Vào cuối tháng 3/2022, Sconnect đã nộp đơn lên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Việt Nam để khiếu nại về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của EO (vi phạm khoản 3, và khoản 4 Điều 45 Luật Cạnh tranh).
End of content
Không có tin nào tiếp theo