Hỗ trợ doanh nghiệp

PPP khó cạnh tranh với BOT

Sự chậm trễ trong triển khai thí điểm mô hình đối tác công - tư (PPP) đang khiến hình thức đầu tư này không đạt kỳ vọng như ban đầu.

Thông tin Dự án Đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng vừa được UBND tỉnh Quảng Ninh ký biên bản ghi nhớ với một số nhà đầu tư để nghiên cứu thực hiện Dự án theo mô hình xây dựng – chuyển giao (BT) tiếp tục khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài phân vân khi bàn về cơ hội đầu tư trong triển khai mô hình PPP.

 

Bởi lẽ, dự án này không chỉ là một trong số 30 dự án lựa chọn thí điểm theo hình thức PPP đã được công bố, mà còn là dự án được đánh giá tốt nhất trong 3 dự án được tập trung nghiên cứu và phát triển để triển khai thực hiện theo hình thức PPP.

 

Ông Tony Foster, Trưởng nhóm công tác cơ sở hạ tầng (Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam) phải đặt lên bàn thắc mắc rằng, có sự trùng hợp phương thức đầu tư của Dự án này hay không.

 

Trên thực tế, Dự án Đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng với tổng chiểu dài 25 km, có 4,5 km cầu qua biển, không chỉ được nghiên cứu theo hình thức đầu tư BT. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đề xuất phương án triển khai theo hình thức BT với phần đường, phần cầu sẽ sử dụng nguồn vốn ODA. Như vậy, PPP chỉ là phương án thứ ba được cân nhắc…

 

“Các hình thức đầu tư BOT, BT dễ triển khai hơn, do đã được triển khai ở các cấp, từ bộ, ngành, địa phương trong nhiều năm qua, nên nhiều khả năng sẽ chỉ còn lại những dự án rất khó cho mô hình PPP”, ông Tony phân tích.

 

Thực tế cho thấy, câu chuyện của Quảng Ninh có lẽ không phải là cá biệt. Trong số danh sách các dự án đề nghị thí điểm thực hiện theo mô hình PPP do các địa phương gửi lên, có một số dự án đã được triển khai dưới hình thức khác chuyển sang. Như vậy, khó khăn thấy ngay khi khối lượng công việc để giải quyết các thủ tục để chuyển đổi các dự án này đã rất lớn và không đơn giản.

 

Ông Đặng Xuân Quang, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành PPP (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng thừa nhận, xem xét 30 đề xuất dự án theo mô hình PPP, phần lớn các dự án có tính thương mại thấp, khó đáp ứng yêu cầu thu hút các nhà đầu tư. Nếu muốn thu hút nhà đầu tư thì hỗ trợ của nhà nước phải ở mức rất cao, vượt quá mốc 30% theo quy định.

 

Hơn thế, có những dự án có tính thương mại cao, nhưng khó triển khai, do nằm trong tổng thể những dự án lớn hơn, hay nói cách khác là phụ thuộc vào các dự án khác, như Dự án tuyến đường trên cao số 1 ở TP.Hồ Chí Minh, Dự án đoạn đường vành đai 4 ở Hà Nội, đoạn từ quốc lộ 2 đến quốc lộ 32.

 

“Nếu nghiên cứu độc lập hai dự án này, thì tính thương mại tốt do chi phí đầu tư và giải phóng mặt bằng thấp, cũng như lưu lượng giao thông dự báo là cao. Tuy nhiên, việc thực hiện hai dự án này phải phụ thuộc vào việc triển khai các dự án liên quan đã làm giảm đi tính hấp dẫn của các dự án”, ông Quang nói.

 

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong triển khai mô hình PPP vẫn là chưa chuẩn bị được nguồn lực tài chính đầy đủ và cần thiết, thiếu hướng dẫn cụ thể. Hiện tại, theo các nhà đầu tư, một số nội dung như tỷ lệ tối đa phần tham gia của Nhà nước trong các dự án PPP sẽ bao gồm những yếu tố nào, chính sách, tài chính, thuế, vốn đầu tư; quy định phân chia rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư trong thực hiện dự án PPP hay quan điểm về việc tham gia của doanh nghiệp nhà nước trong dự án PPP… chưa đủ thông tin để đảm bảo xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của các bên trong thực hiện dự án PPP.

 

Điều này cũng lý giải sự kém hấp dẫn của PPP so với các hình thức đầu tư BOT, BT, cho dù dự kiến trong 10 năm tới đây, PPP là cánh cửa mới cho đầu tư tư nhân trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng và dịch vụ công.

 

Để thúc đẩy việc thí điểm thực hiện mô hình PPP, ông Quang cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì đàm phán với một số nhà tài trợ trong việc xây dựng Quỹ Hỗ trợ phát triển dự án PPP (gọi tắt là PDF) để tài trợ cho các dự án dự kiến đưa vào chương trình PPP.

 

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang tiến tới bước đàm phán cuối cùng với ADB về việc tài trợ cho PDF. Trong giai đoạn đầu, dự kiến PDF với tài trợ từ ADB sẽ có quy mô khoảng 20 triệu USD, chưa kể tới những nguồn từ ngân sách nhà nước để triển khai 5- 6 dự án thí điểm”, ông Quang cho biết thêm.

 

Đặc biệt, các hướng dẫn cụ thể đối với các dự án PPP thí điểm sẽ được ban hành trong năm nay.

 

Quyết định 71/2010/QĐ-TTg của Chính phủ về đầu tư theo mô hình đối tác công – tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 15/1/2011.

Thời gian thí điểm: 3-5 năm.

 
 
 
Theo ĐT
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo