PV Power sẽ không tìm nhà đầu tư chiến lược sau IPO
Trả lời các cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower, Mã CK: POW), ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch HĐQT cho biết, PV Power sẽ không tìm nhà đầu tư chiến lược theo phương án được phê duyệt trước đây do cơ chế thay đổi. Thay vào đó, toàn bộ số vốn 28,82% chưa bán được sẽ "nhập vào vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang nắm giữ tại PV Power". Như vậy tỷ lệ sở hữu của PVN sẽ nâng lên 79,94%.
Vị này giải thích, theo Quyết định 1977 của Thủ tướng, PV Power sẽ tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, song theo quy định Nghị định 126 sửa đổi, thay thế Nghị định 59,thời hạn lựa chọn cổ đông chiến lược là 4 tháng. Tính từ 8/12/2017 thì thời gian chọn cổ đông chiến lược đã quá thời hạn quy định.
"Chúng tôi đã báo cáo các cấp có thẩm quyền và được Thủ tướng chấp thuận phương án điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ. Trường hợp doanh nghiệp thấy cần có cổ đông lớn, quan trọng thì có thể thoái vốn theo lô. Phương án thoái vốn sau này sẽ do tập đoàn PVN lập, phê duyệt", ông Kỳ cho biết.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Xuân Hòa - Tổng giám đốc PVPower cho biết, PVN vẫn tiếp tục lộ trình thoái vốn tại đơn vị này xuống dưới 51% vào thời điểm thích hợp.
Theo kế hoạch tài chính, PV Power sẽ chi trả cổ tức 3% cho cổ đông, tương đương số tiền chi ra là 702,5 tỷ đồng thay vì 6%. Con số này giảm một nửa so với dự kiến được đề cập trong bản cáo bạch khi IPO hồi tháng 1.
Phương án chỉ trả cổ tức thay đổi, theo lý giải của ông Nguyễn Xuân Hòa, là do lộ trình cổ phần hóa thay đổi, từ 1/7 đơn vị này mới chuyển sang công ty cổ phần. "Cân đối doanh thu, lợi nhuận chúng tôi quyết định trả 3% cổ tức bằng tiền mặt là được tính cho nửa cuối 2018, tuy không lớn song thể hiện sự đồng hành cùng cổ đông", ông Hòa nhấn mạnh.
Theo tờ trình gửi Đại hội đồng cổ đông, PVPower dự tính chi 6 tỷ đồng trả lương, thù lao cho 8 lãnh đạo cấp cao trong Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát trong 6 tháng cuối năm 2018.
Theo đó, Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc PV Power mỗi người sẽ nhận mức lương trước thuế 831 triệu đồng, bình quân gần 139 triệu đồng một tháng. Với 3 thành viên HĐQT chuyên trách, mức lương được nhận trong nửa cuối năm 2018 trên 2,24 tỷ đồng. Vị trí Trưởng ban kiểm soát nhận 747,9 triệu đồng và 2 kiểm soát viên chuyên trách nhận tổng số tiền lương hơn 1,39 tỷ đồng.
Thù lao, lương trên là thu nhập trước thuế và chưa bao gồm các khoản thưởng khác. Như vậy, trung bình mỗi sếp PV Power nhận trên 120 triệu đồng một tháng trong nửa cuối 2018.
Lý giải về mức lương, thù lao này, ông Hồ Công Kỳ - Chủ tịch HĐQT PV Power cho biết, từ 1/7, doanh nghiệp sẽ chính thức chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, sau khi IPO thành công. Theo kế hoạch, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ sau rà soát lại là 2.068 tỷ đồng, cao hơn so với năm 2017.
Theo quy định Thông tư 28/2016, tổng công ty có thể xác định hệ số tăng thêm 10% so với số tăng tương ứng của lợi nhuận, tương đương 2,75 lần. "Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh năm 2018, PV Power đề xuất lựa chọn hệ số tăng thêm tối đa bằng 2,5 lần so với mức lương cơ bản, làm cơ sở tạm tính kế hoạch tiền lương của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát", ông Kỳ giải thích.
Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của PV Power cho thấy, tổng doanh thu ước đạt 17.379 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.256 tỷ; sản lượng điện 11.776 triệu kWh, tăng 105% so với kế hoạch. Phần lớn doanh thu, lợi nhuận của PV Power đến từ công ty mẹ, lần lượt là 12.649 tỷ đồng và 1.103 tỷ.
Kế hoạch nửa cuối 2018, công ty đặt mục tiêu sản xuất điện đạt 9.794 triệu kWh, doanh thu 14.037 tỷ đồng và lãi sau thuế 858 tỷ. Trong đó, công ty mẹ doanh thu 9.846 tỷ và lãi 800 tỷ đồng sau thuế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo