Hỗ trợ doanh nghiệp

PVN xin loạt ưu đãi để tái cơ cấu

Tập đoàn Dầu khí chủ trương giảm gần một nửa đầu mối quản lý, giữ lại 3 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính sau năm 2025.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa có công văn gửi Bộ Công Thương về đề án tái cơ cấu hoàn thiện 2017 - 2025. Theo đó, tập đoàn này sẽ thu hẹp các lĩnh vực kinh doanh chính song song với quá trình tinh gọn, giảm đầu mối quản lý. 

Cụ thể, PVN sẽ duy trì 5 lĩnh vực kinh doanh chính là tìm kiếm, thăm dò khai thác, khí, chế biến dầu khí, điện và dịch vụ dầu khí đến năm 2020. Sau đó tập đoàn sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực liên quan tới khai thác, chế biến dầu khí và bỏ dần lĩnh vực dịch vụ. Tuy nhiên tới sau năm 2025 sẽ chỉ còn 3 lĩnh vực then chốt tại tập đoàn này gồm thăm dò khai thác, khí và chế biến dầu khí.  

Khai thác thăm dò dầu khí tại một mỏ do PVN quản lý. 

Để thực hiện đề án tái cơ cấu này, PVN xin một loạt cơ chế ưu đãi đặc thù.

Cụ thể, tập đoàn kiến nghị Bộ Tài chính trình các cấp có thẩm quyền cho phép PVN có cơ chế trích nguồn dự phòng để bù đắp khi có rủi ro xảy ra trong hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí với tỷ lệ 30% lợi nhuận trước thuế.

PVN cũng muốn có cơ chế trích lập Quỹ tìm kiếm thăm dò với tỷ lệ 17% doanh thu từ các dự án dầu khí trong nước (trừ Vietsovpetro) phù hợp với đặc thù hoạt động rủi ro trong tìm kiếm thăm dò dầu khí.

"Ông lớn" dầu khí cũng đề nghị được để lại tối thiểu 32% lãi dầu khí nước chủ nhà từ các hợp đòng chia sản phẩm dầu khí và bổ sung quy định tiền lãi dầu khí để lại cho PVN, không bao gồm nguồn kinh phí mà tập đoàn thực hiện các dự án phục vụ an ninh, quốc phòng và 100% lợi nhuận từ hoạt động hàng năm của liên doanh Vietsovpetro.

Với Bộ Công Thương, PVN đề nghị cơ quan này xem xét và trình cấp có thẩm quyền cơ chế đặc thù thu hút đầu tư nước ngoài vào hoạt động dầu khí trong nước, có tính đến ưu đãi các vùng nước sâu, xa bờ, vùng nhạy cảm, các mỏ nhỏ, mỏ có điều kiện kinh tế cận biên, mỏ tận thu… Song song đó là việc sửa Luật Dầu khí, trong đó quy định cơ chế đặc thù cho lĩnh vực tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí để phù hợp với thông lệ quốc tế.

 

Trong văn bản gửi Bộ Công Thương, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cũng nhấn mạnh tới việc điều chuyển, tinh gọn và sắp xếp lại cán bộ quản lý.PVN sẽ giảm đầu mối quản lý từ 23 ban xuống còn 13 ban; từ 3 văn phòng đại diện xuống còn 2. Một loạt phòng ban sẽ được sáp nhập lại, như Ban kế toán và kiểm toán sáp nhập với  tài chính; Ban thanh tra sáp nhập với pháp chế; Ban hợp tác quốc tế sáp nhập vào văn phòng...  

Lộ trình tái cơ cấu đến năm 2020, PVN sẽ cổ phần hóa, thoái vốn theo tỷ lệ quy định nắm giữ vốn Nhà nước tại các công ty thành viên, xử lý các dự án thua lỗ; cổ phần hóa tại các đơn vị dịch vụ dầu khí, trừ một số dịch vụ kỹ thuật cao liên quan đến khâu thượng nguồn, an ninh quốc gia.

Từ nay đến năm 2019 PVN sẽ thoái vốn toàn bộ khỏi các công ty con như: Tổng công ty Bảo dưỡng - sửa chữa công trình dầu khí (PVMR), Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC), Công ty cổ phần PVI (Tiền thân là Công ty Bảo hiểm dầu khí Việt Nam)...

Riêng đối với Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas), Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo), Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC)…, PVN chỉ thoái vốn một phần từ nay đến 2020. 

Đặc biệt, trong giai đoạn này PVN chưa tiến hành cổ phần hóa (CPH) đối với Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) mà phải chờ đến năm 2025, khi PVEP có lãi 3 năm trước khi cổ phần hoá.

 

Với các đơn vị PVN nắm 100% vốn điều lệ sẽ giảm từ 5 xuống còn 2 đơn vị. Cụ thể, PVN giữ lại PVEP và Công ty TNHH một TV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), bỏ PV Oil, PV Power và BSR.

Những doanh nghiệp PVN nắm nhiều hơn 50% vốn điều lệ cũng giảm từ 11 xuống còn 8 đơn vị. Các doanh nghiệp liên doanh, liên kết mà PVN giữ ít hơn 50% vốn điều lệ bị cắt từ 12 xuống còn 8 đơn vị…

Liên quan tới kiện toàn nhân sự, PVN cũng có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị điều chuyển ông Nguyễn Hùng Dũng – Phó tổng giám đốc về làm thành viên Hội đồng quản trị.Đề xuất này theo Chủ tịch Phạm Sỹ Thanh, xuất phát từ thực tế quy định số lượng thành viên Hội đồng thành viên của tập đoàn không quá 7 người, trong khi hiện  PVN mới có 6 thành viên Hội đồng quản trị. Tuy nhiên vị trí Phó tổng giám đốc hiện là 7, thừa một người.

Ông Nguyễn Hùng Dũng từng được quy hoạch chức danh Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị. Với năng lực quản lý điều hành, kinh nghiệm thực tế, Chủ tịch Phạm Sỹ Thanh đánh giá ông Dũng đủ khả năng hoàn thành tốt trọng trách thành viên Hội đồng quản trị PVN. Hiện ông Dũng còn  thời gian công tác theo quy định khoảng 4 năm 5 tháng.

Nên đọc
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo