Hỗ trợ doanh nghiệp

Quan hệ thương mại với Trung Quốc: Doanh nghiệp Việt vẫn gặp nhiều bất lợi

Do ảnh hưởng xấu của quan hệ ngoại giao giữa 2 nước (do việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào thầm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam) và cũng do chính sách biên mậu của Việt Nam cũng có những điểm chưa hoàn thiện nên hoạt động mậu biên Việt Nam-Trung Quốc từ đầu năm đến nay đã có những bất lợi cho Việt Nam.

 

Theo thông tin từ cuộc họp về thương mại tuyến biên giới Việt-Trung 6 tháng đầu năm do Ban chỉ đạo Thương mại biên giới ngày 22/7 tại Hà Nội, mặc dù có lúc trục trặc, nhất là trong các tháng 4-5, khi quan hệ 2 nước đi theo chiều hướng xấu, tổng giá trị xuất, nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới 2 nước vẫn đạt 8,59 tỷ USD, chỉ giảm 1% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu một lượng khá lớn hàng nông sản qua Trung Quốc: gạo xuất được 529.000 tấn, đạt kim ngạch 198 triệu USD, chủ yếu qua các cửa khẩu phụ ở Lào Cai. Xuất khẩu dưa hấu tuy cũng có những lúc khó khăn nhưng qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn)-Pò Chài (Trung Quốc) vẫn đạt 152.628 tấn với giá trị 9,1 triệu USD. Quả vải tươi cũng xuất đi được 96.385 tấn với giá trị 62,2 triệu USD.
 
“Có lúc khó khăn trong mấy tháng gần đây, nhưng cơ bản, chúng tôi thấy hoạt động xuất nhập khẩu ở biên giới vẫn duy trì bình thường”, đại diện lực lượng biên phòng Lạng Sơn nhìn nhận.
 
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo thương mại biên giới, thương mại Việt-Trung từ đầu năm đến nay cơ bản duy trì được đà phát triển với mức tăng trưởng bình quân 4%/tháng. Theo số liệu của Bộ Công thương, tổng giá trị xuất nhập khẩu trực tiếp đạt 2,61 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2013, đạt mức tăng trưởng 7%/tháng (xuất khẩu tăng 30%, nhập khẩu giảm 10% so với cùng kỳ năm 2013).  
 
Đáng chú ý, Ban chỉ đạo thương mại biên giới đưa ra đánh giá: "Cán cân thương mại của xuất nhập khẩu trực tiếp trong thương mại biên giới đã có xuất siêu qua các tháng với tổng giá trị xuất siêu 6 tháng đạt 0,8 tỷ USD, tăng 126% so với cùng kỳ năm 2013”.
 
Cũng theo con số đưa ra tại cuộc họp, các phương thức giao thương khác như tạm nhập-tái xuất, chuyển khẩu giữa 2 bên tăng trưởng không đều, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2013. “Trung 6 tháng đầu năm nay, tạm nhập ít nhưng tái xuất nhiều, kim ngạch tạm nhập chỉ chiếm 23,76% kim ngạch tái xuất. Kinh doanh kho ngoại quan, chuyển khẩu cũng có tình trạng tăng trưởng không đều, tháng thấp, tháng cao nhưng vẫn tăng 8% so với cùng kỳ năm trước”, đại diện Ban chỉ đạo Thương mại biên giới nêu.
 
Tuy nhiên, do ảnh hưởng xấu của quan hệ ngoại giao giữa 2 nước (do việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào thầm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam) và cũng do chính sách biên mậu của Việt Nam cũng có những điểm chưa hoàn thiện nên hoạt động mậu biên Việt Nam-Trung Quốc từ đầu năm đến nay đã có những bất lợi cho Việt Nam. 
 
Theo Ban chỉ đạo biên giới, sự khác biệt về chính sách và biện pháp quản lý giữa Việt Nam và Trung Quốc nhiều lúc gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa, thậm chí còn bị phía bên kia lợi dụng và doanh nghiệp VN ở tình thế bị động.
 
Theo phản ánh của một số đại biểu một số tỉnh biên giới dự họp, ở một số khu vực biên giới, hàng hóa hợp pháp xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc mở tờ khai, thủ tục đầy đủ nhưng phía Trung Quốc yêu cầu chuyển tải sang xe biên mậu để nhập vào theo hình thức chợ biên giới nhằm lợi dụng chính sách ưu đãi 8000 nhân dân tệ/người/ngày. Nhưng cách làm này gây khó khăn, chậm trễ và bất tiện cho thông quan hàng xuất khẩu của doanh nghiệp VN.
 
Đáng lưu ý, hiện nay, ở tất cả các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới có hoạt động xuất nhập khẩu, phía Việt Nam đều bố trí đầy đủ lực lượng quản lý chuyên ngành: thuế, hải quan…nhưng phía Trung Quốc chỉ coi các hoạt động này là hoạt động chợ biên giới, trao đổi của cư dân biên giới nên chỉ bố trí lực lượng biên phòng giám sát. 
 
“Nên thực tế, một số trường hợp khi tình hình giao thương quá sôi động thì chính quyền trung ương Trung Quốc lại tăng cường kiểm tra, giám sát khiến hoạt động xuất khẩu (của Việt Nam) khó khăn”, Ban chỉ đạo thương mại biên giới nhận định.
 
Nhưng về phía Việt Nam cũng có những yếu kém trong tổ chức. Một số hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc như kiểu đi chợ, không có hợp đồng mua bán sẵn với Trung Quốc, ồ ạt chở lên biên giới khi vào vụ nên khả năng thông quan không đáp ứng kịp, bị doanh nghiệp Trung Quốc ép giá, gây ùn tắc ở cửa khẩu.
 
Một chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương cho rằng, những trục trặc trong quan hệ giao thương 2 nước bị ảnh hưởng do chiều hướng quan hệ ngoại giao xấu đi giữa 2 bên trong thời gian qua có thể sẽ sớm kết thúc.
 
Nhưng những yếu kém trong tổ chức xuất khẩu của Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông sản: vải thiều, dưa hấu…chậm khắc phục sẽ còn gây nhiều bất lợi, thua thiệt cho các doanh nghiệp. Và ở đây, cần có vai trò của cơ quan nhà nước trong việc tổ chức bộ máy quản lý ở các cửa khẩu để hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp trong hoạt động giao thương.
Theo Bizlive
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo