Quan tâm hơn tới thị trường Ấn Độ
Theo ông Nguyễn Sơn Hà, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, một trong những nguyên nhân khiến thâm hụt thương mại liên tục nghiêng về phía Việt Nam nhiều năm nay chủ yếu là do các DN Việt Nam chưa có sự quan tâm đúng mức tới thị trường này.
Thực tế, trong khi đông đảo các doanh nghiệp Ấn Độ chủ động đến Việt Nam thì số lượng các doanh nghiệp Việt Nam đến Ấn Độ còn hạn chế. Các doanh nghiệp Ấn Độ đã thành lập Phòng Kinh doanh Ấn Độ tại Việt Nam và có hơn 100 văn phòng đại diện thường trú của các công ty Ấn Độ tại Việt Nam. Ngược lại, chưa có một văn phòng đại diện của doanh nghiệp Việt Nam tại Ấn Độ.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam với Ấn Độ trong những năm gần đây đã giảm nhiều: năm 2008 thâm hụt: -1.705 triệu USD, năm 2009: - 1.215 triệu USD, năm 2010: -753 USD. Riêng năm 2011, tổng kim kim ngạch hai chiều Việt Nam - Ấn Độ đạt 3,9 tỷ USD, tăng 41,6 % so với năm ngoái, trong đó xuất khẩu đạt 1,55 tỷ USD, tăng 56,7%, và nhập khẩu đạt 2,35 tỷ triệu USD tăng 33,2%. Như vậy, thâm hụt năm 2011 ở mức gần 800 triệu USD, tăng 2,8% so với năm 2010 nhưng tín hiệu lạc quan là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã cao hơn nhập khẩu.
Ông Nguyễn Sơn Hà nhấn mạnh Ấn Độ có 28 bang và 7 vùng lãnh thổ, mỗi bang và vùng lãnh thổ có chế độ chính sách riêng, chênh lệch giàu nghèo rất lớn với số dân nghèo hơn 400 triệu người, thu nhập dưới 1,25 USD/ ngày, do vậy các doanh nghiệp có thể khai thác nhiều đối tượng khách hàng và thị trường khác nhau của Ấn Độ.
Bên cạnh đó, hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ có khung pháp lý tốt. Ấn Độ đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ, một loạt các hiệp định đã được ký kết khác, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do hàng hóa ASEAN- Ấn Độ (AITIG) tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam phát huy lợi thế cạnh tranh trên thị trường Ấn Độ (điều mà các DN Ấn độ đã làm tốt tại Việt Nam).
“Các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn nữa đến thị trường Ấn Độ rộng lớn và nhiều tiềm năng. Kim ngạch xuất khẩu ban đầu có thể nhỏ nhưng ta sẽ có sự hiện diện vững chắc trên thị trường mang lại nguồn lợi bền vững”, ông Hà khẳng định.
Năm 2011, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường Ấn Độ đều đạt tốc độ tăng trưởng cao, cụ thể điện thoại và linh kiện tăng 45,2%, sắt thép tăng 58,1%, máy móc, thiết bị tăng 301,3%. Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu mới cũng có tốc độ tăng trưởng rất cao là các sản phẩm từ sắt thép (tăng 455,3%), hàng thủy sản (157,4%), sản phẩm gỗ (113,9%).
Theo các chuyên gia kinh tế, để giải bài toán nhập siêu từ Ấn Độ, khuyến khích sản xuất trong nước là một giải pháp thiết thực do hàng năm Việt Nam phải chi ra một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi từ thị trường Ấn Độ, chiếm tới 23-25% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Ấn Độ.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Sơn Hà cần xây dựng chiến lược phát triển cho hàng nông sản Việt Nam nghiên cứu tạo ra một số sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực có sức cạnh tranh, có uy tín bởi các mặt hàng này đang chiếm 16-18% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ hàng năm. Tuy nhiên, Việt Nam còn xuất thô quá nhiều, còn bán qua trung gian, còn bị ép giá nhất là khi xuất khẩu với số lượng lớn, chưa xây dựng được thương hiệu..
“Để tiến tới cân bằng cán cân thương mại và thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ thực sự cần có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và đặc biệt là sự chủ động tích cực của các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Hà cho biết./.
Theo VietNam Economic News
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo