Quảng Ninh nhấn mạnh giá trị khác biệt trong thu hút đầu tư
Đó là ý kiến của ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Ninh năm 2012.
Phát huy lợi thế so sánh
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đọc, Quảng Ninh là tỉnh lớn nhất vùng Đồng bằng sông Hồng, có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế và thu hút hoạt động đầu tư.
Tỉnh có những điểm lợi thế cơ bản như: điều kiện tự nhiên phong phú, giàu khoáng sản, biển, đảo (chiếm 2/3 số đảo trên cả nước), thông thương biên giới, phát triển thương mại, du lịch. Là địa phương duy nhất có 4 thành phố trực thuộc tỉnh là Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí, Cẩm Phả, tập trung đông nhất công nhân mỏ, là thị trường đầy tiềm năng cho các nhà cung cấp, phân phối hàng hóa.
Khu kinh tế tổng hợp Vân Đồn tầm cỡ quốc tế để phát triển nhiều loại hình công nghiệp giải trí trong tương lai. Quảng Ninh đã hoàn thành sớm đề án cải cách hành chính của Chính phủ, đang triển khai thực hiện chính phủ điện tử và Internet không dây cho TP. Hạ Long.
Những lợi thế trên cùng với chính sách ưu đãi rộng mở của tỉnh Quảng Ninh sẽ là điều kiện để các dự án đầu tư vào Quảng Ninh được triển khai một cách hiệu quả.
Khi nói về những tiềm năng và hướng đi của tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, ông Alexander Feldman khẳng định: ASEAN, trong đó có Việt Nam là khu vực phát triển kinh tế năng động. Quảng Ninh là một địa phương hấp dẫn để đầu tư phát triển công nghiệp, du lịch thương mại, do đó nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đầu tư vào Quảng Ninh trong các lĩnh vực khác nhau. Cụ thể, các dự án về năng lượng, nhà máy nhiệt điện, cung cấp máy móc thiết bị hiện đại, có chất lượng. Riêng về du lịch, các vịnh bao gồm Vịnh Hạ Long là địa chỉ du lịch nổi tiếng của Việt Nam được thế giới biết đến, tuy nhiên lại vẫn có người chưa biết địa chỉ đó thuộc tỉnh Quảng Ninh, do đó, có thể công tác quảng bá cần cải thiện hơn nữa.
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng mong muốn tăng cường hợp tác để phát huy hiệu quả đầu tư tương xứng với vị thế Quảng Ninh. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Hoa Kỳ như Goolge, Microsoft… sẵn sàng hỗ trợ Quảng Ninh trong việc quảng bá thương hiệu.
Khẳng định mục tiêu phát triển bền vững
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc, tỉnh Quảng Ninh xác định bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là vấn đề quan trọng, là mục tiêu hướng tới với việc cụ thể hóa trong tất cả các chương trình, dự án.
Tỉnh đã và đang phát triển các công trình xử lý nước thải, rác thải tập trung, thu gom, vận chuyển, xử lý và chôn lấp chất thải, chất thải bệnh viện. Quan tâm quy hoạch và quản lý nhà tang lễ, nghĩa trang theo hướng văn minh, hiện đại tại các địa phương. Kiểm soát, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tăng đầu tư, đồng thời có các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa, phát động các phong trào bảo vệ môi trường. Khắc phục tình trạng suy thoái môi trường ở các khu công nghiệp, khu khai thác khoáng sản, khu vực lấn biển, san đồi và các khu đông dân cư, một số vùng nông thôn. Tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long; chuyển Nhà máy sàng tuyển than Nam Cầu Trắng, một số cơ sở chế biến than và các cơ sở gây ô nhiễm khác ra ngoài đô thị, khu đông dân cư.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 là: 100% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn; thu gom 90% chất thải rắn ở đô thị; xử lý 100% chất thải y tế; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý. Tạo chuyển biến rõ nét về môi trường sống, góp phần bảo vệ môi trường, cũng như mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh thời gian tới.
Để giải quyết mâu thuẫn, gắn kết hiệu quả phát triển công nghiệp và môi trường, du lịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh Trần Đức Lâm nhận định đây là bài toán không chỉ trước mắt mà lâu dài, khi chuyển mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, tỉnh sẽ phải có lộ trình đúng đắn. Vì vậy, ngay cả quy hoạch phát triển công nghiệp cũng định hướng phát triển có hàm lượng khoa học công nghệ cao, phát triển du lịch gắn kết phát triển môi trường, đảm bảo hài hòa.
Dưới góc độ các nhà đầu tư nước ngoài, ông Alexander Feldman góp ý, với địa bàn rộng lớn và nằm trong hành lang kinh tế quan trọng, việc phát triển hệ thống logistic, đặc biệt cơ sở hạ tầng là một trong những điểm “nghẽn” mà Quảng Ninh cần sớm cải thiện, trong đó có cả giao thông thường bộ, đường biển và hàng không; phát triển hệ thống sản xuất chế biến, phân phối sản phẩm gắn liền với bảo vệ môi trường để tăng cường hấp dẫn đầu tư nước ngoài.
Về nguồn lực đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng các địa phương, trong đó có Quảng Ninh, nếu chỉ dựa vào nguồn vốn từ Trung ương thì khó giải quyết được bài toán về cơ sở hạ tầng. Vì vậy, nên có phương án đa dạng hóa nguồn vốn, kêu gọi các dự án đầu tư theo các hình thức khác nhau như PPP (hợp tác công tư), BOT, tham khảo các giải pháp tài chính huy động nguồn lực về đất đai.
Bên cạnh đó, theo ông Vương Đình Huệ, hoạt động đầu tư cần tiếp tục có sự chọn lọc kỹ, bám sát theo khuôn khổ chung của quốc gia, đặc biệt là các hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp và đầu tư sẽ tiếp tục được đẩy mạnh từ năm 2012.
Theo Chinhphu.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo