"Lực sĩ bay" Y-20 thể hiện uy lực tại Vũ Hán, Trung Quốc
Chiến dịch đưa hàng nghìn quân y đến Vũ Hán đối phó nCoV là lần đầu vận hành trong điều kiện thực tế của vận tải cơ Y-20. Được biết Y-20 hiện được coi là dòng máy bay vận tải con cưng của quân đội Trung Quốc.
Singapore nâng cấp phi đội F-16 đủ để lấn áp cả Su-35 Trung Quốc / NATO sẽ có vũ khí hạt nhân "nhỏ" để đối đầu với Nga và Trung Quốc
Quân đội Trung Quốc đưa thêm 1.200 y bác sĩ đến Vũ Hán đối phó virus corona, nâng tổng số lính quân y tại các bệnh viện lên 4.000 người.
Máy bay vận tải Trung Quốc đưa 1.200 lính quân y đến Vũ Hán hôm 17/2, hoàn tất đợt tăng cường nhân viên y tế thứ ba của quân đội Trung Quốc nhằm đối phó dịch viêm phổi corona (Covid-19) tại thành phố này. Họ sẽ làm việc tại chi nhánh của Bệnh viện Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em Hồ Bắc.
Lực lượng vận tải không quân Trung Quốc đang biên chế 6 chiếc Y-20, 3 máy bay vận tải hạng nặng Il-76 do Nga chế tạo và 2 phi cơ Y-9 phát triển từ dòng An-12 Liên Xô.
Truyền thông Trung Quốc khẳng định đây là lần đầu phi đội Y-20 tham gia "nhiệm vụ phi quân sự", trong khi giới chuyên gia phương Tây nhận định đây là chiến dịch không vận thực tế đầu tiên của dòng vận tải cơ chiến lược này.
"Sự hiện diện của phi đội Y-20 là điều đáng chú ý, nhất là khi Bắc Kinh nhiều lần quảng bá chúng là bước phát triển đáng kể, cho phép không quân Trung Quốc mở rộng năng lực không vận quy mô lớn trong và ngoài lãnh thổ", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận xét.
Dự án Y-20 được triển khai từ năm 2006 với mật danh Kunpeng (Chim Bằng). Máy bay sử dụng nhiều bộ phận làm từ vật liệu composite được chế tạo tại Trung Quốc, thay vì phải nhập khẩu như trước đó. Quá trình nghiên cứu vật liệu này kéo dài 3 năm, bắt đầu vào tháng 3-2009.
Nguyên mẫu Y-20 đầu tiên cất cánh ngày 26/1/2013. Trung Quốc bắt đầu biên chế Y-20 cho không quân từ giữa năm 2016 với số lượng khoảng 8 chiếc.
Một phi cơ tham gia biểu diễn tại triển lãm hàng không Chu Hải sau đó vài tháng, đánh dấu lần đầu dòng Y-20 xuất hiện trước công chúng.
Máy bay dài 47 m, sải cánh 45 m, khối lượng rỗng 100 tấn. Y-20 được trang bị 4 động cơ phản lực Soloviev D-30KP-2, đạt tốc độ hành trình 920 km/h, tầm bay 4.500 đến hơn 10.000 km tùy tải trọng.
Thông số tải trọng hàng hóa của máy bay chưa được tiết lộ, nhưng nhiều nguồn tin Trung Quốc cho rằng Y-20 có thể chở theo 66 tấn hàng.
Những chiếc Il-76 được Bắc Kinh mua từ Moskva mang được tối đa 48 tấn hàng, trong khi biến thể Y-9 chở được 25 tấn.
Các chuyên gia cho rằng Y-20 vẫn thua kém nhiều mặt so với đối thủ cạnh tranh là vận tải cơ chiến lược C-17A Globemaster III của không quân Mỹ.
"Nó không có động cơ turbine phản lực với hệ số viền khí cao (high-bypass) và phải sử dụng động cơ D-30KP-2 của Nga với hệ số viền khí thấp. Động cơ nội địa WS-20 cho phi cơ này không thể đưa vào sản xuất trước năm 2024", Rogoway cho hay.
Hệ số viền khí là tỷ lệ thể tích của khối khí chạy bên ngoài so với khối khí chạy bên trong động cơ turbine phản lực, chỉ số càng cao thì động cơ có hiệu suất càng tốt.
Hiện chưa rõ Trung Quốc đã xuất xưởng bao nhiêu chiếc Y-20, nhưng ảnh chụp vệ tinh hồi tháng 12/2019 cho thấy ít nhất 20 máy bay đang được hoàn thiện tại căn cứ ở thành phố Tây An, miền trung nước này.
"Chiến dịch không vận tới Vũ Hán giúp không quân Trung Quốc có cơ hội thực hiện hoạt động vận tải đường không quy mô lớn và phức tạp trong môi trường phi quân sự, bù đắp thiếu hụt về kinh nghiệm tác chiến thực tế của lực lượng này", Rogoway nhận xét.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo