7 vũ khí tác chiến trên không nguy hiểm nhất của Iran
Nga phát triển tổ hợp phòng không độc dáo có thể chống lại "bầy UAV" tấn công / Điều ít biết về dự án tăng chủ lực Challenger 3 tương lai của quân đội Anh
Mặc dù có lực lượng không quân hàng đầu ở Trung Đông, Iran từ lâu phải đối mặt với nhiều mối đe dọa xâm nhập không phận từ bên ngoài. Đặc biệt là từ Liên Xô trong những năm 1970 đến Không quân Iraq trong thập kỷ tiếp theo. Và kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay là Mỹ và Israel.
Bất chấp các lệnh cấm vận vũ khí kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ và áp lực của phương Tây đối với nước Nga thời kỳ hậu Xô Viết trong việc cung cấp các máy bay chiến đấu hiện đại cho Iran, quốc gia Hồi giáo này vẫn tăng cường mạnh mẽ khả năng tác chiến trên không trong những năm gần đây. Tehran đã cải tiến lại các máy bay Mỹ và Liên Xô mua được trong Chiến tranh Lạnh và phát triển trong nước một loạt vũ khí tấn công đường không, cùng với nhiều loại máy bay không người lái và hệ thống phòng không hiện đại trên mặt đất.
Iran gần đây cũng đã được hưởng lợi từ sự hợp tác chặt chẽ với Nga, quốc gia đã cung cấp cho Tehran các hệ thống phòng không và radar trên mặt đất. Matxcơva đóng vai trò như một nhà cung cấp máy bay chiến đấu thế hệ mới trong tương lai cho quốc gia Hồi giáo này. Dưới đây là 7 hệ thống tác chiến trên không đáng gờm nhất của Iran.
Máy bay F-14A và tên lửa siêu thanh Fakour 90
Iran đã nhận được 79 máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư F-14 Tomcat vào giữa những năm cuối thập niên 1970. Đây là loại máy bay chiến đấu đắt nhất thế giới vào thời điểm đó và được thiết kế đặc biệt nhằm chiếm ưu thế trong các cuộc giao tranh không đối không tầm xa.
F-14 ngày nay là máy bay chiến đấu hạng nặng được sử dụng bởi một số cường quốc trong khu vực. Máy bay có thể trang bị radar lớn hơn và tên lửa không đối không mạnh hơn các máy bay chiến đấu của đối thủ như F-15 của Israel, Ả Rập Xê-út và Qatar hoặc F-18E của Hải quân Hoa Kỳ.
Iran đã nâng cấp mạnh mẽ các máy bay F-14, với hệ thống tác chiến điện tử, radar và tên lửa không đối không mới. Trong đó, tên lửa Fakour 90 được trang bị cho F-14 có nguồn gốc từ tên lửa không đối không tầm xa AIM-54 của Mỹ. Tên lửa có tầm bắn 300km và tốc độ vượt quá 5 Mach, khiến nó trở thành một trong những tên lửa không đối không mạnh nhất trên thế giới.
Fakour 90 kế thừa khả năng chiến đấu chính xác cao đã được chứng minh của AIM-54, và là mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng đối với các máy bay đối phương, nhất là máy bay ném bom và máy bay tiếp dầu. F-14 hiện là máy bay chiến đấu duy nhất của Iran được trang bị tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar chủ động hiện đại. Tuy nhiên điều này tạo ra nhiều áp lực cho F-14 trong nhiệm vụ phòng không. Các chuyên gia cho rằng, Iran trước đó đã nhận được sự hỗ trợ của Trung Quốc và Triều Tiên để nâng cấp máy bay thông qua chuyển giao công nghệ.
UAV tàng hình Saeqeh, Shahed 181 và Shahed 191
Năm 2011, Iran bắn hạ một máy bay không người lái tàng hình tiên tiến RQ-170 của Mỹ, khi đang giám sát không phận của đất nước Hồi giáo này. UAV này sau đó được Tehran nghiên cứu rộng rãi và sử dụng thiết kế để phát triển các dòng máy bay không người lái do thám chiến đấu trong nước.
Có nhiều thông tin cho rằng, Iran đã chia sẻ thiết kế với các đối tác quốc phòng của mình, đặc biệt nhất là Trung Quốc. Đổi lại Tehran nhận được sự hỗ trợ đáng kể trong việc phát triển máy bay không người lái tàng hình bản địa từ quốc gia Đông Á.
Máy bay không người lái tàng hình của Iran như Saeqeh, Shahed 181 sau đó đã khiến Mỹ và Israel gặp khó trong việc sử dụng các hệ thống phòng không Patriot để vô hiệu hóa chúng từ mặt đất. Israel buộc phải dựa vào trực thăng tấn công để hạ gục UAV từ trên không.
Hiện nay, máy bay không người lái tàng hình được xem là vũ khí có năng lực nhất của Iran. Nhiều thiết kế UAV mới nhất của Tehran như Shahed 191 đã được công bố năm 2018. Iran là quốc gia duy nhất sau Trung Quốc và Hoa Kỳ, phát triển thành công loại máy bay không người lái này.
Tiêm kích tấn công Su-24M
Các máy bay Su-24M của Iran được mua từ Liên Xô vào cuối những năm 1980, sau đó được bổ sung thêm các máy bay khác thu được từ Không quân Iraq, vốn trú ẩn tại Iran trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc vào năm 1991. Hiện nay Su-24M là máy bay chiến đấu chủ lực của Iran, có đủ tầm hoạt động để tấn công các mục tiêu trên khắp Trung Đông.
Iran hiện có một phi đội khoảng 29 máy bay Su-24M, đóng vai trò quan trọng trong tác chiến trên không. Chúng là lực lượng phối hợp hiệu quả với phi đội tấn công thứ hai, bao gồm các máy bay Su-22M4/UM. Mặc dù máy bay Iran chủ yếu dựa vào các tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất, tấn công các mục tiêu của đối phương, song việc có một phi đội có đa dạng các phương án tấn công, giúp tăng cường khả năng răn đe.
Máy bay Su-24M nặng khoảng 39.000kg. Với tải trọng tiêu chuẩn và có độ bền cao cho phép chúng mang nhiều vũ khí trên phạm vi xa, thực hiện đòn tấn công các mục tiêu ở bất kỳ đâu ở Trung Đông và trên phần lớn châu Âu.
Hiện chưa rõ các máy bay chiến đấu này được trang bị loại vũ khí dự phòng nào, nhưng Su-24M có thể tấn công mục tiêu cách xa hơn 500km và có thể sống sót ngay cả khi không có máy bay chiến đấu hộ tống.
Hệ thống phòng không Bavar-373 và Khordad 15
Tháng 8/2016, Iran đưa hệ thống phòng không tầm xa Bavar-373 do nước này phát triển vào trang bị. Nguyên nhân Iran phát triển hệ thống vũ khí này được cho là do không thể nhận được các hệ thống S-300 từ Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Iran Ahmad Vahidi gọi Bavar-373 là “hệ thống tên lửa phòng không tầm xa tương tự như S-300”. Hệ thống tên lửa này được thiết kế để tương thích và hoạt động cùng với các hệ thống do Liên Xô chế tạo khác như S-200 mà Iran đã mua vào những năm 1990 với số lượng đáng kể.
Bavar-373 được đưa vào trang bị cùng với một hệ thống phòng không tầm xa bản địa khác của Iran là Khordad 15, được công bố vào tháng 6/2019. Khordad 15 có tầm bắn đáng gờm lên tới 200 km và có khả năng tấn công các mục tiêu tàng hình.
Giữa năm 2019, hệ thống Khordad bắn hạ một máy bay không người lái Global Hawk của Mỹ, khiến nó trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với các hoạt động của đối thủ trong không phận Iran.
Hệ thống phòng không tầm xa S-300PMU-2
Hoàn thành bàn giao vào năm 2017 từ phía Nga, S-300 trở thành hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa có khả năng nhất của Iran. Tất cả các thành phần của hệ thống đều có tính cơ động cao nên dễ dàng tiêu diệt máy bay đối phương. Đặc biệt hệ thống có khả năng dẫn đường cho 64 tên lửa đất đối không, chống lại 32 mục tiêu cùng lúc.
Hệ thống S-300 lần đầu tiên được đưa vào sử dụng trong quân đội Nga vào năm 1997. Mặc dù đã có tuổi đời, nhưng nó vẫn là hệ thống phòng không có năng lực nhất của Iran và là một trong những hệ thống tiên tiến nhất ở Trung Đông hiện nay.
S-300 có phạm vi tác chiến lên tới 250km, tốc độ tác chiến 14 Mach. Nếu được trang bị tên lửa 48N6DM/48N6E3, nó có thể đánh chặn nhiều mục tiêu siêu thanh và đe dọa máy bay của đối phương ở khoảng cách rất xa.
Hiện chưa rõ liệu S-300 của Iran có được trang bị những tên lửa này hay không hay liệu chúng có thể được Nga chuyển giao sau đó như một phần của đơn đặt hàng tiếp theo. Trong trường hợp không có những tên lửa này, S-300PMU-2 có thể triển khai 48N6E2 - tên lửa tầm xa với tầm bắn 200km, với tốc độ 8 Mach 8.
Radar phòng không Rezonans-NE
Radar Rezonans-NE của Nga làm nhiệm vụ trực chiến liên tục ở Iran trong nhiều năm. Việc Nga bán các loại vũ khí phòng thủ như trên cho Iran không bị hạn chế bởi lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc (có hiệu lực cho đến tháng 10/2019).
Theo đó, hệ thống phòng không này không chỉ thành công trong việc phát hiện, mà còn có thể theo dõi các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ hoạt động gần không phận Iran.
Trong bối cảnh phương Tây dự kiến triển khai thêm máy bay tàng hình trong phạm vi lãnh thổ của Iran đến năm 2030, giá trị của hệ thống radar Rezonans-NE sẽ tiếp tục tăng lên tại quốc gia Hồi giáo này.
Phương tiện bay không người lái Fotros
Máy bay không người lái Fotros được Tổ chức Công nghiệp Hàng không Iran lần đầu tiên công bố vào cuối năm 2013.
Iran có kinh nghiệm phong phú trong việc vận hành máy bay không người lái trong chiến đấu. Đáng chú ý nhất hoạt động chống lại một loạt nhóm chiến binh Hồi giáo tại chiến trường Syria và Iraq. Kinh nghiệm này có thể đã ảnh hưởng nhiều đến thiết kế của Fotros.
Khả năng chiến đấu và chịu đựng cao của Fotros cho phép nó cung cấp một loạt hỗ trợ hiệu quả cho lực lượng mặt đất, và có thể rình rập gần các chiến trường trong một ngày hoặc lâu hơn tại một thời điểm, trước khi phải quay trở lại căn cứ.
Máy bay không người lái này có thể thực hiện cả hoạt động trinh sát và chiến đấu, đồng thời có thể trang bị một loạt tên lửa dẫn đường chính xác như không đối đất và chống tăng. Fotros có tầm bay hơn 2.000 km, có thời gian hoạt động lên đến 30 giờ, ngay cả khi mang đầy đủ vũ khí.
End of content
Không có tin nào tiếp theo