Quốc tế

Chiến thuật sử dụng các nhóm UAV trong chiến đấu

Việc sử dụng các tổ hợp máy bay không người lái (UAV) trong chiến đấu đã phổ biến trong vài thập niên qua. Tuy nhiên, xu hướng mới xuất hiện gần đây là sử dụng các nhóm UAV để có hiệu quả cao nhất về chiến thuật đang được nhiều quốc gia thử nghiệm.

UAV Bayraktar Akinci là mục tiêu quá dễ đối với Pantsir-S1? / Liệu UAV siêu nhỏ có thể thay thế súng trường và vũ khí nhỏ khác?

Mới đây nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đã rất thành công trong việc sử dụng quy mô lớn UAV trinh sát và tấn công trong một đội hình hỗn hợp tại chiến trường Syria và Lybia. Kết quả này có thể mở ra phương thức tác chiến mới sử dụng UAV và chưa có phương án đối phó hữu hiệu.

Chiến thuật sử dụng bầy đàn UAV

Đã từng có rất nhiều tiền lệ về việc sử dụng nhiều đơn vị UAV cùng lúc trong chiến đấu để đạt được ưu thế chiến thuật trên chiến trường. Không quân Israel trong Chiến tranh Trung Đông lần thứ 5 năm 1982 từng sử dụng số lượng lớn UAV Delilah để thu hút hỏa lực của đối phương và làm lộ các trận địa tên lửa phòng không 2K12 Kub (tên NATO: SA-6 Gainful) của Syria. Sau đó, các đơn vị máy bay chiến thuật bất ngờ tập kích vào các trận địa đã bị lộ để giành ưu thế tuyệt đối trên không. Trong năm 2019, Yemen cũng từng dùng bầy đàn UAV tự sát quy mô để tấn công vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia. Cuộc tấn công bất ngờ giá rẻ này mang hiệu quả cao đến mức làm giảm sản lượng dầu mỏ khai thác của Al- Riyadh‎ xuống tới 50%. Căn cứ quân sự Hmeymin và Tartus của Nga tại Syria cũng từng nhiều lần bị tấn công bởi các bầy đàn UAV tự sát. Tuy nhiên, lưới phòng thủ mạnh kết hợp cả áp chế cứng bằng hỏa lực phòng không và áp chế mềm bằng tác chiến điện tử đã khiến các đợt tấn công bằng UAV của phiến quân Syria không đạt được kết quả như mong muốn.

Thổ Nhĩ Kỳ đã rất thành công với chiến thuật bầy đàn UAV tấn công tại Syria.

Đáng chú ý hơn nữa là hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ gần đây trên lãnh thổ Syria cũng đạt được thành công với việc sử dụng các bầy đàn UAV khiến lực lượng quân sự Syria thiệt hại nặng. Chuyên gia Charles Lister thuộc Viện nghiên cứu Trung Đông của Mỹ đánh giá, thành công quân sự lớn và duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria chính là chiến thuật sử dụng UAV quân sự quy mô lớn.

Tại tỉnh Idlib (Syria), Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng các đội hình UAV hỗn hợp Bayraktar TB2 cho nhiệm vụ trinh sát và TAI Anka cho mục đích đa nhiệm. Những bầy đàn UAV này gây thiệt hại gần như hằng ngày cho lực lượng chính phủ Syria trong khu vực. Thành công này có được một phần do lưới phòng không mỏng và năng lực tác chiến kém của Syria. Các đội hình bao gồm 5-6 UAV hoạt động cho cả nhiệm vụ trinh sát và tấn công tự sát lượn vòng hàng giờ trên các khu vực nghi vấn. Khi phát hiện mục tiêu, một UAV mang chất nổ với nhiệm vụ tấn công liều chết sẽ lao bổ vào mục tiêu và tiêu diệt nó. Phương thức này tiếp tục lặp lại cho tới khi UAV hết nhiên liệu quay về căn cứ.

Chiến thuật tấn công bầy đàn UAV của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ được ngăn chặn khi các tổ hợp tên lửa Buk-M2E của Syria được triển khai tới Idlib. Hàng chục UAV của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bắn hạ sau đó khiến Ankara phải nhờ NATO giám sát hoạt động của căn cứ Hmyemin.

Chiến lệ Lybia

Không chỉ thành công ở Syria, chiến thuật sử dụng bầy đàn UAV của Thổ Nhĩ Kỳ còn phát huy tác dụng ở chiến trường Lybia. Lực lượng của Thủ tướng Fayez al-Sarraj – GNA được hỗ trợ bởi Thổ Nhĩ Kỳ đã rất thành công với chiến thuật bầy đàn UAV để đẩy lùi lực lượng của Thống chế Khalifa Haftar - LNA ra khỏi nhiều vị trí quan trọng gần Thủ đô Tripoli. Khác với Syria, LNA được trang bị nhiều vũ khí phòng không hiện đại và đã được cảnh báo về sự nguy hiểm của các bầy đàn UAV tấn công do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, nhưng họ cũng không thể ngăn chặn được chiến thuật tấn công này. Nếu ở Syria, các bầy đàn UAV chủ yếu tập trung tấn công các phương tiện chiến đấu lục quân của lực lượng chính phủ, thì tại Lybia, chúng được sử dụng để tấn công các khí tài có giá trị cao như tổ hợp tên lửa phòng không, tác chiến điện tử do Nga sản xuất đang có trong biên chế LNA.

 

Lực lượng LNA dù được trang bị nhiều phương tiện phòng không hiện đại cũng không thể đối phó với chiến thuật bầy đàn UAV.

Rất nhiều đoạn clip miêu tả việc UAV do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo đã theo sát và tấn công tiêu diệt một số tổ hợp pháo-tên lửa Pantsir-S1, vũ khí được cho là chuyên đối phó với các mục tiêu bay thấp như UAV, tại Lybia. Dù các tổ hợp Pantsir-S1 hoạt động rất hiệu quả, bắn hạ nhiều UAV của đối phương, nhưng trước số lượng đông đảo và tấn công không biết sợ hãi của các bầy đàn UAV, các đơn vị vũ khí phòng không này đã trở thành mồi ngon trên sa mạc. Minh chứng rõ ràng nhất cho việc này là trận chiến tại căn cứ không quân Al-Vatiya, địa điểm chiến lược của LNA, ít nhất một vài tổ hợp Pantsir-S1 đã bị phá hủy bởi UAV tấn công tự sát và được ghi lại từ trên không. Cùng với đó, GNA còn công bố clip tiêu diệt một tổ hợp tác chiến điện tử Kraukha của LNA, nhưng thông tin này không được xác định được tại hiện trường.

Sau những chiến lệ được ghi nhận tại Syria và Lybia, giới chuyên gia quân sự đánh giá, chiến thuật sử dụng bầy đàn UAV vẫn đang ở giai đoạn sơ khai do hạn chế về công nghệ và kinh nghiệm sử dụng. Tuy nhiên, chúng đã thể hiện một lợi thế rõ ràng về chiến thuật trên chiến trường. Với các đơn vị UAV nhỏ gọn, chi phí rẻ, thời gian chuyển trạng thái ngắn, chiến thuật bầy đàn UAV phù hợp với các đòn tấn công bất ngờ vào các vị trí đối phương không kịp phòng bị. Chiến thuật này sẽ càng hiệu quả hơn nữa với công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI), khi các đơn vị UAV trong bầy đàn sẽ tự biết phân công nhiệm vụ và chọn lựa mục tiêu có giá trị chiến thuật cao nhất.

Chiến thuật bầy đàn UAV tấn công có thể không hiệu quả đối với các căn cứ quân sự lớn với nhiều lớp phòng thủ cứng và mềm, nhưng lại rất hữu hiệu với các đoàn quân quy mô nhỏ đang di chuyển. Việc thiếu các hỏa lực phòng không hữu hiệu sẽ biến họ phơi mình trước hỏa lực tấn công đột kích, chính xác cao. Chiến thuật này chắc chắn sẽ được nhiều quốc gia nghiên cứu áp dụng và phương án đối phó trong tương lai…

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm