Quốc tế

Chương trình FCAS nguy cơ đổ vỡ do yếu tố Mỹ?

Chương trình máy bay chiến đấu tương lai (FCAS) thuộc thế hệ 6 của châu Âu được dùng để thay thế F-35 của Mỹ đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Những 'con quái vật đại dương' của Liên Xô khiến hải quân Mỹ luôn phải dè chừng / Mỹ vẫn là “ông trùm” xuất khẩu vũ khí thế giới, Saudi Arabia nhập khẩu nhiều nhất

Chương trình được thực hiện bởi hãng Dassault Aviation của Pháp và Tập đoàn Airbus với sự tham gia của nhiều thành viên châu Âu, trong đó Pháp, Đức, Tây Ban Nha là những quốc gia đầu tư chính.

Công việc phát triển và đầu tư được chia đều cho 3 quốc gia nói trên. Nhưng ngoài yếu tố tài chính, những yếu tố về kỹ thuật và vấn đề được coi là bí mật quân sự đang xuất hiện những mâu thuẫn giữa các thành viên.

Do thiếu sự tin tưởng lẫn nhau nên các quốc gia không chịu chia sẻ về công nghệ. Đây được coi là nguyên nhân chính khiến cả chương trình FCAS mang kỳ vọng của châu Âu đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ không thể cứu vãn.

Chuong trinh FCAS nguy co do vo do yeu to My?
Mô hình máy bay FCAS.

"Nếu FCAS bị khai tử ngay từ khi mới thành hình, người Mỹ sẽ tiếp tục có cơ hội dùng F-35 chen chân vào thị trường châu Âu. Điều này khiến kế hoạch độc lập về vũ khí với Mỹ của lục địa già thất bại", Eric Trappier, Giám đốc điều hành của nhà thầu chính Dassault cho biết.

Theo chuyên gia quân sự Sebastian Sprenger, dù không có bằng chứng nào cho thấy chương trình FCAS có sự can thiệp của Mỹ nhưng nếu FCAS không thể đi đến đích, Mỹ sẽ là bên hưởng lợi nhất trong chuyện này.

Chương trinh máy bay FCAS được dùng để thay thế F-35 và những máy bay do Mỹ sản xuất. FCAS có cả phiên bản có người lái và không người lái, chúng sẽ thuộc chiến đấu cơ tiệm cận thế hệ 6.

Máy bay chiến đấu mới FCAS giống với Eurofighter Typhoon được trang bị 2 động cơ và tối ưu hóa khả năng chiến đấu không đối không. Về trang bị vũ khí, trước mắt, máy bay này vẫn sẽ được trang bị tên lửa đối không tầm xa Meteor.

Nếu thành công, các nhà sản xuất sẽ phát triển loại tên lửa tối tân hơn để trang bị cho chiến đấu cơ mới. Tương tự như Eurofighter Typhoon, loại máy bay mới sẽ có khả năng tấn công không đối đất tốt và có là một số máy bay không người lái nhỏ bay kèm (với phiên bản có người lái).

 

Mặc dù trong giai đoạn đầu tiêm kích thế hệ mới vẫn phải dùng tên lửa Meteor - hiện có trong trang bị của tiêm kích thế hệ 4+ nhưng chúng vẫn không ảnh hưởng đến sức chiến đấu của chiến đấu cơ này bởi Meteor hiện là một trong những dòng tên lửa không đối không hiện đại nhất của MBDA hiện nay.

Nó được MBDA phát triển để có thể tương thích với mọi loại máy bay chiến đấu theo tiêu chuẩn NATO. Meteor được thiết kế để có thể tiêu diệt mọi mối đe dọa trên không trong thế kỷ 21, với tầm bắn siêu xa lên tới 300km và có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết cho tới các biện pháp áp chế điện tử của đối phương.

Khi hoàn thành thử nghiệm và đưa vào trang bị, chiến đấu cơ FCAS sẽ thay thế các máy bay chiến đấu Rafale, Eurofighter và F/A-18 Hornet hiện trong biên chế Không quân châu Âu.

Dù FCAS mới chỉ tồn tại dưới dạng mô hình nhưng hãng Dassault và Airbus đã khiến Mỹ, Nga và Trung Quốc bất ngờ bởi các cường quốc này cũng đang nỗ lực tạo ra tiêm kích thế hệ 6 nhưng đến nay vẫn chưa hề có cấu hình cụ thể nào được đưa ra.

Cùng với việc tự sản xuất chiến đấu cơ, Nghị viện châu Âu (EP) vừa thông qua thỏa thuận một phần về Quỹ quốc phòng châu Âu trong giai đoạn 2021-2027, nhằm hướng tới một cách tiếp cận "thuần châu Âu" hơn về phòng thủ.

 

Quỹ được thông qua khoản ngân sách tương đương 13 tỷ euro. Thỏa thuận cho phép phát triển công nghệ vũ khí của châu Âu với tham vọng đưa EU trở thành một trong Top 4 nhà đầu tư công nghệ quốc phòng hàng đầu.

Quỹ quốc phòng châu Âu giai đoạn 2021-2027 bao gồm hỗ trợ phát triển các sản phẩm quốc phòng từ giai đoạn nghiên cứu (hỗ trợ 100%) tới phát triển nguyên mẫu (tối đa 20%) và kiểm nghiệm (tối đa 80%).

Đối tượng là công ty vừa và nhỏ, công ty đa quốc gia sẽ nhận được tỷ lệ tài trợ cao hơn trung bình. EP khẳng định khoản quỹ này sẽ đảm bảo quân đội của liên minh châu Âu (EU) có thể tự chủ sản xuất được các dòng vũ khí hiện đại, giảm thiểu gánh nặng nhập khẩu vũ khí và đảm bảo sự chủ động cho sức mạnh quốc phòng, an ninh của toàn khối.

EP cũng quyết định chỉ các dự án có ít nhất hai đối tác đến từ hai quốc gia thành viên hoạc các quốc gia liên kết mới đủ điều kiện để được quỹ tài trợ. Tuy nhiên, để đi đến việc các quốc gia thành viên góp vốn và quỹ được vận hành sẽ còn một số rào cản cần được thông qua.

Trong đó có việc các quốc gia thành viên EU phải thông qua kế hoạch đàm phán ngân sách dài hạn, kế hoạch giải ngân nguồn quỹ này và chính sách đối ngoại cũng như an ninh chung của các nước thành viên và của EU với NATO.

 

Quỹ quốc phòng châu Âu thực tế đã được thảo luận từ năm 2018, trùng vào thời điểm Pháp và Đức liên tiếp phát đi các tín hiệu cần phải xây dựng lực lượng quân đội chung châu Âu và phát triển hệ thống phòng thủ riêng và chương trình máy bay thế hệ mới nhằm giảm phụ thuộc vào Mỹ.

Giới quan sát thời điểm đó nhận định, Quỹ quốc phòng này là bước tiến đầu tiên để EU hình thành lên quân đội chung. Có nguồn quỹ này đảm bảo các kế hoạch vận hành, hoạt động được trơn tru, rõ ràng. Chính vì thế, khi Quỹ quốc phòng này được cơ bản thông qua đã gửi đi nhiều tín hiệu cho toàn khu vực, đặc biệt tới Mỹ.

Bởi các quốc gia đồng minh châu Âu của Mỹ luôn là bạn hàng lớn nhất của Washington về mặt vũ khí quốc phòng từ chiến tranh thế giới lần 2 đến nay. Trong biên chế quân đội các quốc gia thành viên EU 70% vũ khí, khí tài đến từ nguồn cung cấp của Mỹ.

Chính sách của châu Âu trong hàng chục năm qua duy trì quan điểm không bỏ quá nhiều tiền vào đầu tư phát triển công nghệ vũ khí. Thay vào đó, EU chủ động mua sẵn các hệ thống thiết bị quân sự mà Mỹ buôn bán, đồng thời kết hợp chặt chẽ dưới tán ô quân sự của Mỹ trong liên minh NATO.

Tuy nhiên, việc EU phải nghĩ đến thành lập quân đội chung và chủ động phát triển vũ khí hiện đại đã cho thấy hai vấn đề: Mâu thuẫn và phân rã giữa EU và Mỹ ngày càng gia tăng. EU không muốn nâng chi phí quốc phòng phục vụ NATO, nhưng họ lại bỏ tiền ra để góp quỹ của châu Âu.

 

Thứ hai, EU muốn từng bước tự chủ nguồn cung vũ khí quân sự. Câu chuyện S-400 với Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh việc để phụ thuộc vào nguồn cung cấp vũ khí sẽ mang đến những hậu quả to lớn thế nào với đồng minh của Mỹ.

EU tự chủ nguồn cung vũ khí và đưa ra tham vọng lọt vào Top 4 thế lực có công nghệ quân sự hiện đại (cùng với Mỹ, Nga, Trung Quốc...). Điều này cho thấy châu Âu đã tính đến việc trở thành một phần trong các nhà buôn bán vũ khí toàn cầu.

Hiện nay, Đức và Italia đang bắt tay phát triển hệ thống phòng thủ MEADS. Một khi phát triển thành công và đưa vào trang bị, MEADS sẽ thay thế những hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất.

Trong khi đó, với chương trình Máy bay chiến đấu trong tương lai (FCAS) do Pháp, Tây Ban Nha, Đức và một số thành viên châu Âu khác cùng tham gia phát triển sẽ được dùng để thay thế các phiên bản của F/A-18 và cả F-35 do Mỹ sản xuất hiện nay.

Như vậy, ngay từ bây giờ, những kế hoạch của châu Âu đã khiến Mỹ phải đối mặt với việc mất đi thị trường nhập khẩu chủ đạo. Và xuất hiện thêm một đối thủ cạnh tranh trên chính thị trường truyền thống của mình. Nhưng để làm được điều đó, có thể châu Âu phải cần thêm nhiều thời gian hơn nữa.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm