Quốc tế

Đằng sau cái bẫy tăng trưởng thấp của Hàn Quốc

(DNVN) - Nền kinh tế Hàn Quốc đang đứng trước những dấu hiệu đáng lo ngại từ đầu năm với việc tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 chỉ đạt 2,7%. Vậy đâu là nguyên nhân đằng sau cái bẫy tăng trưởng thấp của quốc gia châu Á này?

Căng thẳng quân sự giữa Hàn Quốc và Nhật Bản bộc lộ điểm yếu của Mỹ / Quân đội Syria giáng đòn tấn công mới, khu vực Tây Bắc thành chảo lửa

Nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu 3%?
Tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia của năm 2018 chỉ đạt 2,7%, mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Với việc nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 3,1% trong năm 2017, Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng 3% cho năm 2018, nhưng mục tiêu đó đã không hoàn thành.
Hãng tin KBS đã dẫn lời ông Kim Jeong-sik, Giáo sư Kinh tế học trường Đại học Yonsei đưa ra những phân tích nguyên nhân đằng sau cái bẫy tăng trưởng thấp và đề xuất đối sách cải thiện tình hình tăng trưởng GDP của Hàn Quốc.
Theo ông Kim Jeong-sik, mặc dù trong năm ngoái, xuất khẩu vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng nhu cầu trong nước đã giảm mạnh. Đặc biệt, đầu tư xây dựng và thiết bị đã chững lại. Các doanh nghiệp cũng rơi vào tình cảnh đầu tư miễn cưỡng khi môi trường đầu tư không mấy thuận lợi, và tâm lý nhà đầu tư yếu. Mặc dù thị trường nhà ở rất nóng, nhưng do Chính phủ cắt giảm đầu tư cơ sở hạ tầng, nên đầu tư xây dựng giảm. Thêm vào đó, nhu cầu trong nước giảm đã góp phần khiến chỉ số tuyển dụng giảm, kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế tụt xuống phạm vi 2%.

Tháng 4 năm ngoái, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) đã dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2018 là 3%. Tuy nhiên, đến tháng 7, cơ quan này đã hạ mức dự báo tăng trưởng xuống còn 2,9% và tiếp tục điều chỉnh mức dự báo xuống còn 2,7% chỉ ba tháng sau đó.
Kết quả là tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2018 chỉ đạt 2,7%, bằng con số mà BOK đưa ra vào tháng 10. Mặc dù xuất khẩu năm ngoái đã tăng trưởng 4%, mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm, nhưng đầu tư xây dựng cũng giảm 4%, mức giảm cao nhất kể từ sau cuộc khủng khoảng tài chính thế giới năm 2008, trong khi đầu tư thiết bị cũng giảm 1,7%.
Đặc biệt, thị trường việc làm trong năm qua đã hứng chịu cú sốc lớn, khi lần đầu tiên kể từ năm 2009 có chưa tới 100.000 việc làm mới được tạo ra, và số người thất nghiệp đã vượt qua con số một triệu người trong năm thứ ba liên tiếp.
Trong bối cảnh đó, chỉ có một dấu hiệu tích cực là thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc đã vượt qua 30.000 USD. Giáo sư Kim Jeong-sik phân tích.
Thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc đã tăng trong năm 2018, nhờ Tổng thu nhập quốc dân (GNI) danh nghĩa tăng và tỷ giá won-USD ổn định.
Thực tế này phần nào phản ánh nền kinh tế Hàn Quốc vẫn tăng trưởng hàng năm, dù tốc độ tăng có giảm đi. Thu nhập bình quân đầu người cuối cùng cũng đã đạt 30.000 USD, sau 12 năm kể từ khi đạt ngưỡng 20.000 USD. Chính phủ cần tiếp tục đưa ra những chiến lược phát triển kinh tế hiệu quả để cải thiện mức thu nhập bình quân đầu người, thậm chí đạt tới 40.000 hay 50.000 USD.
Triển vọng kinh tế năm nay dự kiến sẽ giảm so với năm ngoái
Mức thu nhập bình quân đầu người 30.000 USD là một trong những chỉ số đánh giá sự giàu có của một quốc gia. Tính đến năm 2017, có 28 quốc gia xác nhận mức thu nhập bình quân đầu người trên mức này, nhưng chỉ có 6 nước trong đó có Mỹ, Anh và Nhật Bản, thuộc nhóm cường quốc kinh tế với dân số trên 50 triệu người đạt được mức thu nhập này. Nếu những số liệu công bố của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc là chính xác, Hàn Quốc sẽ là nước thứ 7 tham gia câu lạc bộ đạt được hai tiêu chí.
Tuy nhiên, trên thực tế, người dân Hàn Quốc hầu như không cảm nhận được sự thay đổi này bởi vì thu nhập hộ gia đình tăng trưởng tương đối chậm. Trong bối cảnh đó, một tín hiệu không mấy lạc quan trong năm nay là xuất khẩu, động lực tăng trưởng chính của quốc gia, được dự báo sẽ không mấy sáng sủa. Giáo sư Kim Jeong-sik giải thích.
Trong bối cảnh môi trường thương mại toàn cầu không mấy thuận lợi, xuất khẩu dự kiến sẽ có một năm khó khăn, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhiều quốc gia sẽ nghiêng về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch để kích thích nền kinh tế trong nước. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu của Hàn Quốc có nguy cơ sụt giảm trong năm nay, đặc biệt là mặt hàng chíp bán dẫn khi giá chíp nhớ đang có xu thế giảm. Do xuất khẩu có thể tăng trưởng chậm lại, một số nhà phân tích dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2019 sẽ còn thấp hơn năm 2018. Nhiều chuyên gia cũng có chung nhận định rằng tình hình đầu tư xây dựng và đầu tư thiết bị sẽ tiếp tục ảm đạm.
Thách thức từ bài toán tăng trưởng thấp và bài toán việc làm
Trong tháng 1, Hàn Quốc đã chứng kiến sự thâm hụt thương mại. Theo Cơ quan hải quan Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu từ ngày ngày 1/1 đến 20/1 lần lượt là 25,7 và 27,3 tỷ USD.
Thêm một dấu hiệu đáng lo ngại nữa là xuất khẩu đã giảm 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó mặt hàng chủ lực chíp bán dẫn đã giảm tới 28,8%. Trong cùng thời điểm, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc, vốn đang chiếm một phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu, đã giảm 22,5%.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm ngoái chỉ đạt 6,6%, mức thấp nhất trong vòng 28 năm qua, xuất khẩu của Hàn Quốc sang thị trường này được cho là sẽ chậm lại trong năm 2019.
Xuất khẩu tăng trưởng chậm lại, nhu cầu nội địa trì trệ sẽ kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục giảm. Theo đó, vào ngày 24/1, BOK đã dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của năm nay là 2,6%, giảm 0,1% so với mức dự báo đưa ra vào tháng 10 năm ngoái.
Ông Kim Jeong-sik nhận định một số giải pháp cho tình hình kinh tế hiện nay của Hàn Quốc. Theo chuyên gia này, quan trọng nhất là Chính phủ cần tạo ra nhiều việc làm. Nhóm lao động trong độ tuổi từ 15 đến 29 đang trải qua thời kỳ tuyển dụng tồi tệ chưa từng có.
"Rõ ràng, Chính phủ cần giải quyết bài toán thất nghiệp đối với thanh thiếu niên. Năm ngoái, Chính phủ đã nỗ lực tạo ra nhiều việc làm hơn trong các cơ quan Chính phủ và khối doanh nghiệp Nhà nước", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là các doanh nghiệp phải tuyển dụng và đầu tư doanh nghiệp đóng vai trò quyết định. Do đó, Chính phủ cần cải thiện môi trường đầu tư doanh nghiệp, khuyến khích các công ty tư nhân mở rộng đầu tư để tạo ra nhiều việc làm hơn. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay.
Tăng năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp là chìa khóa cho bài toán tốc độ tăng trưởng thấp
Ngày 15/1, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã triệu tập một cuộc họp với đại diện của các tập đoàn lớn, hối thúc các doanh nghiệp mở rộng đầu tư. Tổng thống Moon đã nhấn mạnh đến vai trò của Chính phủ trong việc thiết lập nhóm hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp. Theo Giáo sư Kim Jeong-sik, gia tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp là chìa khóa cho môi trường đầu tư thuận lợi.
Một trong những lý do thị trường việc làm tại Hàn Quốc ảm đạm là các ngành công nghiệp lớn của Hàn Quốc đang mất dần khả năng cạnh tranh so với các đối thủ từ Trung Quốc. Ngành công nghiệp chủ chốt là ô tô và đóng tàu đã phải cắt giảm nhân công ồ ạt và phải tái cơ cấu. Cần phải mở ra những ngành công nghiệp mới triển vọng hơn, từ đó tạo ra thêm nhiều việc làm. Tổng thống Moon gần đây đã đề cập đến việc tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường, và vai trò của Chính phủ trong việc xây dựng các chính sách công nghiệp phù hợp. Mặc dù, việc vạch ra một lộ trình cụ thể để củng cố năng lực cạnh tranh không thể diễn ra trong một sớm một chiều, nhưng một khi lộ trình đó hình thành, các doanh nghiệp sẽ hứng khởi đầu tư, với niềm tin là nền kinh tế sẽ được cải thiện. Từ đó, nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra.
Trong quý IV năm ngoái, nền kinh tế Hàn Quốc đã tăng trưởng 1% so với quý trước đó nhờ Chính phủ đã bơm tiền ngân sách. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ 2,7% đã cho thấy bộ mặt thật của nền kinh tế. Tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, đầu tư và chi tiêu Chính phủ là các yếu tố góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Bởi vậy, Hàn Quốc cần củng cố năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp để đạt được sự tăng trưởng tích cực cho các yếu tố này.
Minh Thu (Theo KBS)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm