Điều gì xảy ra khi NATO cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công Nga?
Chasov Yar - cánh cửa giúp Nga giành quyền quyết định ở vùng Donetsk / Ông Biden bí mật cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí Mỹ?
Xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn năm thứ 3, ưu thế trên thực địa đang nghiêng về Nga. Dù Mỹ và đồng minh luôn lên tiếng ủng hộ, tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev đối đầu Moskva song Ukraine không ở thế chủ động, không được sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công Nga.
Điều này khiến Ukraine "thất thế" trong tác chiến. Tuy nhiên, Mỹ và đồng minh đang thay đổi quan điểm, nhất trí "bật đèn xanh" để Kiev sử dụng vũ khí viện trợ, nhất là những vũ khí hạng nặng, tên lửa tầm xa tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Quyết định táo bạo của NATO
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát hơn hai năm trước, hầu hết các đồng minh quốc tế của Kiev đều khẳng định rằng bất kỳ loại vũ khí nào họ cung cấp chỉ được sử dụng trong lãnh thổ Ukraine. Những hạn chế này được đưa ra để ngăn chặn xung đột lan rộng. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng cách tiếp cận này đang ngăn Ukraine tự vệ và tạo điều kiện cho Nga chiếm lợi thế.
NATO cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga. (Ảnh: Getty)
Trên thực tế, thời gian qua, Ukraine tiến hành các cuộc tấn công vào sâu bên trong nước Nga bằng cách sử dụng vũ khí của nước này, trong đó có cả máy bay không người lái, nhằm vào cở sở hạ tầng, năng lượng của Nga cũng như mục tiêu ở thủ đô Moskva.
Thế nhưng, nguồn lực vũ khí của Kiev là hạn chế. Việc sử dụng các hệ thống do phương Tây sản xuất sẽ cho phép Ukraine tăng cường độ các cuộc tấn công, đồng thời hạn chế khả năng thực hiện đòn tấn công của Nga.
Các cuộc tấn công của Ukraine phần nào làm gián đoạn hậu phương Nga. Nếu các hệ thống vũ khí của Mỹ được phép sử dụng để tấn công mục tiêu ở Nga thì tình hình bên trong nước Nga sẽ không còn an toàn. Điều quan trọng là quyết định này có thể buộc Moskva phải rút máy bay phòng không và tấn công của Nga ra khỏi tiền tuyến để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng.
Trong suốt thời gian diễn ra xung đột Nga - Ukraine, ở phương Tây dấy lên tranh luận về việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga. Cuộc tranh luận này gần đây ngày càng trở nên nóng hơn trước các đòn tấn công liên tục của quân đội Nga vào Ukraine.
Đầu tháng 5, quân đội Nga vượt qua biên giới phía bắc Ukraine và bắt đầu tiến về thành phố Kharkov. Cuộc tấn công của Nga không bất ngờ bởi Ukraine đã biết trước, có sự chuẩn bị trong nhiều tuần song "bất lực" trong việc đối phó.
Trước cuộc tấn công Kharkov gần đây của Nga, NATO nhìn thấy sự bất hợp lý từ việc hạn chế, không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công Nga. Giới chỉ huy quân sự Nga nhận thức rõ Ukraine không có khả năng phản công và đang tích cực khai thác quân, đồn trú ở khu vực biên giới để tập trung lực lượng và tiến hành các cuộc oanh tạc.
Đến nay, Mỹ và 10 nước bật đèn xanh cho Ukraine tấn công lãnh thổ Nga. Trước đó, hôm 27/5, Hội đồng Nghị viện NATO thông qua tuyên bố kêu gọi các quốc gia NATO ủng hộ "quyền quốc tế" của Ukraine để tự bảo vệ mình bằng cách dỡ bỏ "một số hạn chế" đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu ở Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg giải thích đây là "hành động tự vệ" nhằm đáp trả những bước tiến của quân đội Nga ở hướng Kharkov trong thời gian gần đây. Tuyên bố cũng kêu gọi các quốc gia thành viên đẩy nhanh việc chuyển giao vũ khí quan trọng cho Ukraine.
Đáng chý ý, một số thành viên NATO cũng đang bí mật thảo luận về kịch bản triển khai huấn luyện quân sự hoặc nhà thầu đến Ukraine để huấn luyện cho binh sĩ và hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng vũ khí.
Bóng ma hạt nhân
Việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga sẽ không đảm bảo làm thay đổi đáng kể cán cân chiến lược tổng thể. Điều đó sẽ giúp Kiev làm gián đoạn các đường tiếp tế, cơ cấu chỉ huy và trung tâm hậu cần của Nga, từ đó làm giảm hiệu quả các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn, việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây chống lại các mục tiêu ở Nga sẽ khiến căng thẳng gia tăng giữa Nga và các nước NATO leo thang, nguy cơ đối đầu quân sự trực diện, bùng phát chiến tranh hạt nhân.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo nguy cơ chiến tranh toàn diện một khi NATO cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công lãnh thổ Nga. (Ảnh: Getty)
Phản ứng của Nga trước động thái của NATO sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt của Mỹ và đồng minh, nhất là khi Tổng thống Vladimir Putin liên tục sử dụng các mối đe dọa hạt nhân, khơi dậy nỗi sợ hãi của phương Tây.
Ông Putin cho biết Moskva đang theo dõi sát động thái của lãnh đạo phương Tây về việc cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga. Ông cảnh báo NATO đang "đùa với lửa" nếu để Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ từ phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, nhấn mạnh động thái này có thể gây ra xung đột toàn cầu.
Giới chức phương Tây không bất ngờ trước những đe dọa hạt nhân của ông Putin. Kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát, ông nhiều lần đề cập đến khả năng leo thang hạt nhân như một phần trong nỗ lực đe dọa phương Tây và giảm dòng vũ khí chảy sang Ukraine. Nhiều nước phương Tây thận trọng, áp dụng chính sách quản lý leo thang, cân nhắc nguồn cung vũ khí cho Kiev sau những cảnh báo này.
Tháng trước, ông Putin công khai cho phép các cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật, chứng minh khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại NATO hoặc Ukraine là hiện hữu, không chỉ là lời đe dọa suông.
Nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng trong cuộc xung đột này hoặc bất kỳ cuộc xung đột nào giữa các đối thủ có vũ khí hạt nhân, không có gì đảm bảo rằng cuộc chiến sẽ không nhanh chóng trở thành xung đột hạt nhân toàn diện.
Không thể bỏ qua khả năng tính toán sai lầm và những hậu quả ngoài ý muốn. Việc tấn công lãnh thổ Nga có thể gây ra phản ứng mạnh mẽ và khó lường từ phía Nga. Đe dọa hạt nhân của điện Kremlin là có cơ sở, đặc biệt Nga luôn nhấn mạnh khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả các cuộc tấn công trực tiếp vào lãnh thổ nước này. Học thuyết quân sự của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân nếu trường hợp này xảy ra.
Cuộc xung đột hiện này đòi hỏi các bên có cách tiếp cận thận trọng để đảm bảo rằng các hành động được thực hiện góp phần tạo ra một giải pháp bền vững và công bằng, không leo thang thành một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn, tàn khốc hơn.
Với những nguy cơ này, giới phân tích cho rằng cộng đồng quốc tế phải theo đuổi các cách tiếp cận nhằm giảm căng thẳng, tăng cường đối thoại và chống lại nhữn đe dọa phá vỡ cam kết về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Việc nối lại đối thoại về giảm thiểu rủi ro hạt nhân và kiểm soát vũ khí vốn bị đình chỉ giữa Nga và Mỹ là cần thiết để tránh tính toán sai lầm. Các quốc gia không có vũ khí hạt nhân có thể thúc giục Moskva và Washington đáp ứng các cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân theo quy định Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) bằng cách tham gia đàm phán về một thỏa thuận khung kiểm soát vũ khí hạt nhân mới, trước khi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) hết hạn vào năm 2026.
Đến nay, các bên vẫn tuyên thủ cam kết về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng thế giới không thể coi đó là điều hiển nhiên, nhất là khi chiến sự Nga - Ukraine vẫn chưa có hồi kết. Để duy trì và củng cố sự đồng thuận chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, các nước sẽ phải duy trì áp lực đối với bên có nguy cơ phá vỡ điều cấm kỵ hạt nhân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo