Iran kéo 'tàu sân bay Mỹ' ra biển tập bắn
Nhật Bản bắt đầu sửa đổi tàu sân bay Izumo để tiếp nhận tiêm kích F-35B / PANG - Tàu sân bay thế hệ mới đang "thai nghén" của Pháp
Hình ảnh vệ tinh công bố hôm 27/7 cho thấy Iran đã di chuyển một tàu sân bay Mỹ giả ra eo biển Hormuz giữa lúc căng thẳng giữa nước này với Mỹ gia tăng. Động thái này có khả năng báo hiệu Tehran sớm sử dụng mô hình tàu sân bay này làm mục tiêu thực hiện cuộc tập trận diệt hàng không mẫu hạm.
Mô hình tàu sân bay Mỹ. |
Theo truyền thông Nga, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đang chuẩn bị cho một cuộc tập trận với nội dung đánh chìm tàu sân bay tương tự như đã tiến hành năm 2015.
Dựa vào thời điểm Iran di chuyển mô hình tàu sân bay ra biển, cuộc tập trận có thể là cách đáp trả trực tiếp của Iran đối với việc tiêm kích F-15 của Mỹ áp sát máy bay dân dụng nước này hồi tuần trước. Vụ việc khiến một số hành khách trên máy bay Iran bị thương do hoảng sợ.
Hiện truyền thông nhà nước Iran cùng các quan chức Iran chưa lên tiếng về thông tin và hình ảnh được đăng tải. Trong khi đó, Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ đóng ở Bahrain cũng chưa có bình luận gì về thông tin này.
Nếu thực sự Iran dùng mô hình hàng không mẫu hạm Mỹ làm mục tiêu bắn phá, vũ khí nào sẽ được sử dụng? Đây là câu hỏi đang được giới quan sát trong khu vực chú ý bởi hầu hết tên lửa chống hạm gắn trên tàu chiến Iran đều bị đánh giá không đủ mạnh để nhấn chìm mục tiêu cỡ lớn như tàu sân bay.
Dù không có câu trả lời chính xác nhưng theo thông tin từ tình báo Israel, hiện chỉ có tên lửa đạn đạo chống hạm Khalij Fars triển khai từ bệ phóng trên đất liền mới có thể đủ sức làm điều đó.
Theo những thông tin ít ỏi được Iran tiết lộ về loại tên lửa này, Khalij Fars là biến thể nâng cấp của mẫu tên lửa đạn đạo chiến thuật Fateh-110, được trang bị hệ thống dẫn đường quang-điện tử và hệ thống dẫn đường bằng hồng ngoại ở pha cuối.
Mô hình tàu Nimitz đã được Iran kéo ra biển. |
Các phương tiện truyền thông nhà nước Iran cho biết rằng, mẫu tên lửa Khalij Fars có phạm vi tấn công hiệu quả lên đến 300km và có thể mang theo một đầu đạn nặng thông thường gần 1 tấn hoặc đầu đạn hạt nhân chiến thuật.
Nói về Khalij Fars, Phó Đô đốc James Syring - Giám đốc cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ cho rằng, tên lửa đạn đạo chống hạm Khalij Fars có tầm bắn 300 km đồng nghĩa với việc nó có khả năng đe dọa đến các hoạt động hàng hải trong vùng Vịnh Péc Xích và eo biển Hormuz.
Theo đó, Khalij Fars sẽ khó bị đánh chặn hơn các mẫu tên lửa chống hạm thông thường đang được trang bị cho Quân đội Iran hiện nay, với tốc độ di chuyển gấp 3 lần tốc độ âm thanh và quỹ đạo bay theo hình parabol.
Mẫu tên lửa chống hạm này xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 2/2011, khi Iran công bố một đoạn clip quay lại cảnh Khalij Fars tấn công một mục tiêu giả định trên biển. Lần thử nghiệm thứ hai của được thực hiện vào tháng 7/2012.
Tuy nhiên lần này Khalij Fars lại tấn công một mục tiêu đang di chuyển và được trang bị hệ thống dẫn đường quang điện tử. Và mãi cho đến tháng 3/2014, Bộ quốc phòng Iran mới chính thức đưa mẫu tên lửa đạn đạo chống hạm Khalij Fars vào trang bị chính thức.
End of content
Không có tin nào tiếp theo