Quốc tế

Mỹ đang thử nghiệm phương thức tác chiến AI tương lai

Trong cuộc diễn tập quân sự mới đây tại thao trường Yuma, sa mạc Arizona, quân đội Mỹ đã tiến hành cuộc diễn tập thử nghiệm các công nghệ được Lầu Năm Góc đánh giá sẽ thay đổi chiến trường trong tương lai với việc ứng dụng sâu công nghệ trí thông minh nhân tạo AI. Vậy quân đội Mỹ đang thử nghiệm những công nghệ gì để đạt mục tiêu đầy tham vọng này.

Mỹ tăng gấp đôi số tên lửa cho MQ-9A Reaper / Mỹ lo ngại tàu chống ngầm cỡ lớn của Nga

AI sẽ đóng vai trò như “trợ lý ảo” trên chiến trường

Trong khuôn khổ cuộc tập trận mang tên Convergence 2020, quân đội Mỹ đã thử nghiệm khả năng kết nối tất cả các lực lượng trên bộ, trên không, trên vũ trụ trên nền điều phối của AI. Toàn bộ quá trình đánh giá, phân tích tình huống và phân công nhiệm vụ tác chiến đều được thực hành trong một mạng lưới chỉ huy hợp nhất.

Theo những thông tin được công bố, cuộc diễn tập Convergence 2020 dựa trên 5 yếu tố: Con người, hệ thống vũ khí, cơ chế chỉ huy và kiểm soát, thông tin chiến trường và địa hình, địa vật. Chỉ huy chiến trường điều phối toàn bộ hoạt động tác chiến thông qua sự hỗ trợ của hệ thống AI có tên FIRESTORM.

Thông qua sự hỗ trợ của AI, các đơn vị trinh sát không gian trên quỹ đạo thấp của Trái đất sẽ tìm kiếm các mục tiêu giá trị cao như: Hệ thống phòng không, sở chỉ huy, kho tàng... để tạo ra bản đồ chiến thuật ảo tại trung tâm chỉ huy các chiến trường hàng nghìn dặm. Căn cứ vào các thông tin thu thập được, FIRESTORM cung cấp phần tử bắn cho các tổ hợp pháo tự hành ERCA có tầm bắn tới 70 km để tấn công phủ đầu đối phương.

Ứng dụng công nghệ AI đang có tiềm năng tạo ra cuộc cách mạng trên chiến trường.

Ở giai đoạn tiếp theo, các đơn vị trực thăng trinh sát-tấn công FARA được tung vào trận với mục tiêu tìm-diệt vũ khí phòng không. Các đơn vị này đóng vai trò như những trung tâm điều khiển trên không mạng lưới thiết bị bay không người lái (UAV) với tên gọi ALE để giám sát các khu vực rộng lớn tới 50 km2; thu thập thông tin để cho các đơn vị UAV MQ-1C Grey Eagle bay ở độ cao cực thấp khoảng 300 m tấn công “phẫu thuật” bằng tên lửa Hellfire. Sau khi giành hoàn toàn ưu thế trên không, các đơn vị mặt đất có và không có người lái sẽ tiến vào làm chủ chiến trường.

Một quan chức quân sự Mỹ giấu tên cho biết, ở phương thức tác chiến truyền thống, việc tổ chức các đợt tấn công chính xác cao và khả năng kết nối giữa các đơn vị chiến đấu theo mốc thời gian thực rất khó khăn do sự chậm trễ trong công tác điều phối chỉ huy. Tuy nhiên, vấn đề này đã được khắc phục bằng công nghệ AI. Toàn bộ thông tin về chiến trường được thu thập bởi FIRESTORM. Nó sẽ đưa ra gợi ý cho chỉ huy về phương án đối phó với từng mục tiêu cụ thể. Cụ thể, FIRESTORM chỉ thị cho pháo tự hành ERCA tấn công các tổ hợp pháo phản lực ở khoảng cách 56km, trong khi đó các loại hỏa lực cộng đồng sẽ tấn công các mục tiêu trong tầm súng bộ binh. Ngoài ra, FIRESTORM cũng phản ứng rất tốt với các tình huống phát sinh như việc xuất hiện các đối tượng tác chiến mới. Nó tự động đưa ra khuyến nghị về việc sử dụng loại vũ khí nào để đối phó hiệu quả nhất.

Vẫn cần nhiều thời gian để hoàn thiện

Đánh giá về cuộc tập trận Convergence 2020, Tạp chí quân sự The Defense One cho biết, dù có nhiều nỗ lực, nhưng nhiều nội dung diễn tập vẫn chưa thể thực hiện. Thậm chí, đã có trường hợp nhận diện sai vị trí của mục tiêu khiển hỏa lực tấn công không đạt được hiệu quả tiêu diệt.

Trong khi đó, Tư lệnh Bộ tư lệnh Quân đội tương lai của Mỹ, tướng Mike Murray cho rằng, hình thái tác chiến mới vẫn đang trong quá trình thực nghiệm nên rất khó đề ra các yêu cầu hoàn hảo.

 

Với nền tảng công nghệ hiện tại, sẽ cần nhiều thời gian để hoàn thiện công nghệ AI đến ngưỡng đủ tin cậy và hiệu quả cao trong thực chiến.

“Ở giai đoạn thử nghiệm, việc không hoàn thành một số nội dung không quá đáng ngại. Những công nghệ chúng tôi đang thử nghiệm nhằm mục đích hoàn thiện các công nghệ có thể là chìa khóa cho chiến thắng của quân đội Mỹ trong tương lai”, ông Mike Murray nhấn mạnh. Theo lời ông Mike Murray, công nghệ AI cũng như con người. Nó cần được hiệu chỉnh và tích lũy các kinh nghiệm thực chiến. Chính từ những thất bại hiện tại sẽ làm nên thành công trong tương lai.

Về vấn đề này, Trợ lý tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, Trung tướng Charles Flynn nhận định, để tích hợp sâu công nghệ AI, quân đội Mỹ cần đội ngũ lập trình viên dày dạn kinh nghiệm. Họ giống như “thầy giáo” của AI. Các thuật toán lập trình của FIRESTORM cần được thay đổi tương ứng với các đối thủ trên chiến trường.

Hiện tại, không chỉ lục quân, các quân, binh chủng khác của Quân đội Mỹ cũng đang nỗ lực tích hợp công nghệ AI vào tác chiến. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các “trợ lý ảo” này được phát triển tương đối độc lập với nhau khiến quá trình tương thích sẽ gặp khó khăn trong tương lai. Trong khi, quá trình phát triển FIRESTORM của Lục quân Mỹ được công khai, thì AI của Không quân Mỹ được giữ kín với lý do bảo mật.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm